Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng; đại dịch làm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm người dân, thúc đẩy sử dụng thương mại điện tử tăng… đòi hỏi logistics Hà Nội thích ứng bối cảnh mới.
>>>Chế biến sâu - "chìa khoá" để doanh nghiệp phục hồi
Trung tâm Xúc tiến Dầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức toạ đàm “Dự báo xu hướng logistics nội đô thích ứng với bối cảnh mới”. Tại toạ đàm, các ý kiến đều nhận định, logistics nội đô là việc tối ưu hóa hoạt động cung ứng trong khu vực đô thị trên cơ sở xem xét các yếu tố đặc trưng riêng về tình hình giao thông, xã hội, ô nhiễm môi trường và nhu cầu của khách hàng. Trong đó, giao hàng chặng cuối đóng vai trò rất lớn trong việc các công ty logistics định hình khách hàng mục tiêu cũng như thị trường mà họ nhắm đến.
Thách thức logistics chặng cuối
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Phạm Hoài Chung, Viện phó Viện chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, phương tiện giao hàng chặng cuối tại TP. Hà Nội chủ yếu là xe máy, khác các đô thị phát triển trên thế giới thường là xe tải hoặc xe bán tải.
Ưu điểm của xe máy là tiện lợi, tiếp cận khách hàng nhanh chóng, ngay cả với các địa chỉ tại các ngõ, hẻm đặc thù của Hà Nội mà các loại hình phương tiện khác không tiếp cận được. Tuy nhiên, nhược điểm là năng lực giao hàng thấp, phát sinh nhiều chuyến đi cá nhân.
Người tiêu dùng thường xuyên sử dụng tiền mặt để thanh toán đơn hàng. Bên cạnh đó, họ có xu hướng lựa chọn phương thức giao hàng và nhận tiền tại nhà hay cơ quan do còn thiếu niềm tin vào chất lượng sản phẩm từ các nhà cung cấp, người bán. Tới hơn 90% hàng hóa trong giao dịch thương mại điện tử hiện nay được thực hiện theo phương thức này.
Các thách thức với logistics chặng cuối hiện nay tại Hà Nội đó là hành lang pháp lý và thủ tục hành chính. Đối với logistics chặng cuối, trước khi khách hàng nhận và thanh toán đơn hàng thì đó chưa được coi là một giao dịch thành công để có thể xuất hóa đơn đỏ.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh: còn các điểm nghẽn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, ngập lụt,... gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ giao hàng và trải nghiệm của khách hàng.
Hạ tầng công nghệ cũng như nền tảng công nghệ để đáp ứng được thương mại điện tử cho việc xử lý những data khổng lồ hay những thời điểm có rất nhiều đơn hàng được đặt cùng lúc vẫn là thách thức lớn. Nguồn nhân lực và năng lực giao hàng còn hạn chế.
Vì vậy theo ông Chung, cần có giải pháp tối ưu hệ thống logistics chặng cuối phù hợp với đặc điểm đô thị của TP. Hà Nội. Đó là giải pháp về hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics, phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ trong tối ưu hóa logistics chặng cuối, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ…
>>>Chuyển đổi số - Chìa khoá phát triển ngành logistics
Hình thành hệ thống logistics hiện đại
Phát biểu tại toạ đàm ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Dầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) nhấn mạnh, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...
Nhận thức được tầm quan trọng của logistics trong nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh mới khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng, nhu cầu sử dụng thương mại điện tử tăng cao… UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 299/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025; kế hoạch số 81/KH-UBND về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 với mục tiêu.
Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của Thành phố.
Đặc biệt, phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics theo tiêu chuẩn quốc tế mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL) hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của thành phố Hà Nội đạt 9%-11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17%-21%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60%-65%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14%-17% GRDP Thành phố.
“Hà Nội luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư cho phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố. Song việc tổ chức đầu tư cần phải có sự hưởng ứng tích cực và nỗ lực rất cao từ các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành”, ông Lực nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
08:00, 09/07/2022
11:29, 08/07/2022
15:37, 07/07/2022
14:39, 07/07/2022
15:05, 06/07/2022