Hà Nội thu hồi dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 của của HUD tại Mê Linh

DIỆU HOA 14/06/2023 16:01

UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định chấm dứt triển khai Dự án Khu đô thị mới Mê Linh- Đại Thịnh và Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm- Đại Thịnh 1 tại huyện Mê Linh.

>>Nhiều cách xử lý dự án treo

Cụ thể, UBND TP Hà Nội chấm dứt, dừng thực hiện Quyết định 2879/QĐ-UBND ngày 15/9/2005 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND TP. Hà Nội liên quan đến nghiên cứu triển khai Dự án Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh và Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 tại huyện Mê Linh.

Phối cảnh tổng thể dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh

Lý do thu hồi dự án được Hà Nội nêu rõ do 2 dự án trước đây mới có văn bản phê duyệt địa điểm lập quy hoạch, xây dựng khu đô thị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục thẩm định, cho phép đầu tư theo quy định tại thời điểm phê duyệt địa điểm nêu trên theo Nghị định số 02/2006/ND-CP ngày 5-1-2006 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 04/2006/TT-BXD ngày 18-8-2006.

Bên cạnh đó, 2 dự án này hiện nay cũng không thuộc diện chuyển tiếp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao các các sở, ngành của thành phố và UBND huyện Mê Linh tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước đối với khu đất tại 2 dự án nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật hiện hành.

UBND huyện Mê Linh được giao nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, khai thác khu đất (sau khi chấm dứt, dừng thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND TP Hà Nội liên quan đến nghiên cứu triển khai đối với 2 dự án nêu trên), nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.

Được biết, 2 dự án trên có tổng diện tích gần 190 ha, nằm trên địa bàn các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm và Mê Linh. Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh có diện tích 136,6 ha còn khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 rộng khoảng 53,1 ha. Từ năm 2005, tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư của hai dự án này.

>>Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo

Mê Linh là một trong những khu vực có nhiều dự án treo nhất Hà Nội

Hồi tháng 3/2022, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Cơ quan này đề xuất thu hồi đối với 14 dự án với tổng diện tích 921,1 ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008. 

Trong danh sách này có 12 dự án chưa giải phóng mặt bằng, UBND huyện đề nghị thu hồi diện tích đất mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao và chấm dứt đầu tư. Cụ thể, 4 dự án (Khu đô thị mới Việt Á; Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Prime Group; Khu nhà ở cao cấp Phương Viên).

Những dự án này UBND TP đã có quyết định thu hồi lại diện tích đất UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao từ năm 2018 và 2022, tuy nhiên chưa chấm dứt đầu tư. Trong đó, hai dự án (Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh) đã được Phó chủ tịch TP Dương Đức Tuấn thống nhất chấm dứt, dừng thực hiện.

Tình trạng dự án treo những năm qua vẫn là bài toán nhức nhối trên địa bàn TP Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có hơn 400 dự án chậm tiến độ, trong đó những quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án).

Trong tổng số hơn 400 dự án treo trong diện thanh kiểm tra hơn 1 năm qua, có 96 dự án đã khắc phục đưa đất vào sử dụng. 60 dự án chậm tiến độ mới được gia hạn thêm 24 tháng. 220 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị các biện pháp xử lý cụ thể. Và có 29 dự án bị kiến nghị thu hồi đất.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hàng trăm dự án treo tới 1-2 thập kỷ nhưng giờ mới chỉ nằm trên danh sách kiến nghị bị thu hồi. Nghĩa là danh sách kiến nghị bị thu hồi cũng bị "treo" và treo đến bao giờ cũng chưa biết. Chỉ biết công tác thực thi của các Sở, ngành hiện quá ì ạch, chậm chạp và thiếu kiên quyết.

Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, tới chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp khác có năng lực mất cơ hội kinh doanh, còn Nhà nước cũng không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo

    Nghị định số 10/2023: Gỡ khó thu hồi dự án treo

    11:14, 07/04/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định đối với “dự án treo”

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định đối với “dự án treo”

    13:00, 12/03/2023

  • Quảng Ninh: Người dân “sống mòn” bên dự án treo

    Quảng Ninh: Người dân “sống mòn” bên dự án treo

    03:00, 29/10/2022

  • Nhiều cách xử lý dự án treo

    Nhiều cách xử lý dự án treo

    05:00, 20/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội thu hồi dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 của của HUD tại Mê Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO