Cung Thiếu nhi mới vừa được động thổ và "số phận" Cung Thiếu nhi cũ - một mảnh đất vàng rộng 8.100m2 nằm ngay bên bờ Hồ sẽ ra sao là điều dư luận đang quan tâm lúc này.
Mới đây, dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1, khu đô thị mới Cầu Giấy thuộc quận Nam Từ Liêm đã chính thức động thổ. Dự án được thực hiện trên khu đất gần 40.000m2, diện tích xây dựng hơn 10.000m2, với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.
Dù đã khởi công dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại quận Cầu Giấy, tuy nhiên mục đích sử dụng khu đất Cung Thiếu nhi cũ vẫn chưa được xác định.
Theo tìm hiểu, khuôn viên Cung Thiếu nhi cũ có diện tích 8.100m2 đặt tại phố Lý Thái Tổ - giữa trung tâm thủ đô, được xây dựng từ năm 1945. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Cung Thiếu nhi Hà Nội luôn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ Hà Nội.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, người dân khu vực này cho biết, bên cạnh luyến tiếc một nơi lưu giữ kỷ niệm của biết bao lớp người thì việc sử dụng 8.100m2 “đất vàng” này như thế nào cũng khiến họ băn khoăn. Bởi lẽ đây đang là khu vực tập trung rất nhiều trụ sở ngân hàng, công ty thương mại lớn, giá đất đắt đỏ và sợ rằng sẽ có thêm nhà cao tầng mọc lên ở đây.
Theo các chuyên gia, đất Cung Thiếu nhi cũ là đất dành cho phúc lợi công cộng nên phải giữ nguyên mục đích đó để tiếp tục phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội, không được thu hồi để rồi sau đó chuyển đổi thành mục đích khác.
Trường hợp xóa dấu vết Cung Thiếu nhi cũ bằng cách chuyển hóa thành công trình nhà ở hay khách sạn… thì sẽ gây bức xúc lớn trong dư luận.
Theo GS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, không thể mang đất đó đi đấu giá hay “xẻ thịt” ra để bán cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở, khách sạn. Nhất là trong bối cảnh quỹ đất dành cho không gian công cộng đang bị thu hẹp thì càng cần phải thắt chặt, quan tâm, bảo vệ những diện tích còn lại trước nguy cơ bị cắt xén để phục vụ lợi ích tư nhân. Tuyệt đối không được thay đổi mục đích công cộng.
Trên cương vị nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng Cung Thiếu nhi cũ vẫn nên tiếp tục được sử dụng với mục đích làm Cung Thiếu nhi, không thay đổi. Về cấp độ sử dụng của Cung Thiếu nhi cũ có thể thay đổi từ cấp Thủ đô thành cấp khu vực, vùng nhỏ trong nội đô.
Mặt khác, theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, hiện nay căn cứ vào Luật Thủ đô, căn cứ Nghị quyết HĐND, Thành phố xác định được danh mục các công trình xây dựng bao gồm công trình công cộng và các biệt thự, có giá trị xây dựng trước năm 1954. Đối với các công trình này phải thực hiện trình tự theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, phải tuân thủ việc hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý. Cung Thiếu nhi cũ là một di sản đô thị trước đổi mới nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình, kiến trúc này không được phá hủy.
Đồng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Việt Nam cũng cho rằng cần giữ nguyên trạng về kiến trúc, khuôn viên, không quy ra mét vuông để tính giá trị thành tiền, thành vàng đối với công trình này.
Theo vị KTS, quá trình đô thị hóa đã khiến Hà Nội đang dần ngộp thở với những rừng bê tông cao tầng, những khu đô thị thiếu bản sắc, không gian xanh, không gian văn hóa cộng đồng lại ngày một thiếu vắng. Hệ lụy của sự phát triển thiếu bền vững và mất cân bằng đang dần hiển hiện khi phúc lợi cho người dân thấp, tỷ lệ nghịch với tốc độ đô thị hóa.
Do đó, với công trình vừa mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa như Cung Thiếu nhi cần được phục chế, tôn tạo và duy trì mở rộng các hoạt động cho thiếu nhi tại đây cũng như khắc sâu những giá trị văn hóa lịch sử nhân văn vốn có của nó.
Có thể bạn quan tâm