Quảng Ninh xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và TP Hải Phòng trong kết nối giao thông thúc đẩy liên kết vùng. Từ đó góp phần tích cực phát triển KT-XH của từng địa phương và thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả theo nguyên tắc “Chia sẻ, đồng thuận, cùng phát triển".
Khơi thông các nguồn lực
Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Trên cơ sở nắm rõ những lợi thế của từng địa phương và để cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương vào thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngày 28/07/2022 4 tỉnh, thành phố bao gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Theo đó, thông qua thỏa thuận, sẽ thúc đẩy liên kết kinh tế 4 tỉnh, thành phố trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, cùng ứng phó, giải quyết các thách thức chung nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững vì sự thịnh vượng của mỗi địa phương và của cả 4 tỉnh, thành phố, đồng thời hình thành vành đai kinh tế phía Đông, trung tâm công nghiệp, kinh tế biển, du lịch và là động lực, cực tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng trong vùng như đường cao tốc, hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, kết nối thị trường trong nước với thị trường Trung Quốc và quốc tế.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng bộ của 4 địa phương trong vùng. Nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng việc mở rộng không gian kinh tế, phát huy các lợi thế của vùng.
Đặc biệt là, tăng hiệu suất và năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp, hình thành các chuỗi sản xuất và cung ứng hiệu quả.
Cụ thể giai đoạn 2022 – 2025, sẽ có mục tiêu bao gồm các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, của 4 địa phương cao hơn mức bình quân của cả nước, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước. Các địa phương tiếp tục cải thiện, giữ vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về môi trường kinh doanh thuận lợi.
Kết nối, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của 4 địa phương, mỗi năm có ít nhất 4 hoạt động chung cấp vùng. Liên kết và hình thành cơ sở dữ liệu chung về hạ tầng giao thông, hệ thống các khu công nghiệp, chuỗi sản xuất và cung ứng của bốn địa phương. Hình thành cơ chế liên kết cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư của 4 địa phương, cùng hợp tác, đóng góp vào sự phát triển của 4 địa phương. Kết nối, phát triển cộng đồng doanh nghiệp đạt trên 100 nghìn doanh nghiệp vào năm 2025.
Trước đó, ngày 10/3/2022, BTV Tỉnh ủy 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đã ban hành Kết luận số 352-KL/TUQN-TUBG-TUHD về việc triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh, giai đoạn 2022-2025.
Thực hiện Kết luận, thời gian qua cấp ủy, chính quyền 5 địa phương trực thuộc 3 tỉnh, gồm: Đông Triều (Quảng Ninh), Kinh Môn, Chí Linh (Hải Dương) và Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang) đã chủ động, tích cực triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực, tạo động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Điển hình như tuyến đường nối QL18 (TX Đông Triều) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (qua huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) để tạo tuyến giao thông kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện tại và cao tốc Nội Bài - Hạ Long trong tương lai, thời gian hoàn thành trước năm 2025.
Tuyến đường nối QL37 với đường ven sông từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến TX Đông Triều để kết nối trực tiếp giữa Đông Triều với Chí Linh, đồng thời trục giao thông này sẽ kết nối Quảng Ninh với 8 tỉnh và thành phố trong khu vực (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình)...
Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và nông nghiệp, 5 địa phương cũng thường xuyên cung cấp thông tin về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để thu hút mời gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, ngành nghề thu hút trên địa bàn các địa phương.
Giao thông kết nối
Theo ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT Quảng Ninh cho biết: Định hướng phát triển giao thông của tỉnh giai đoạn tới là tiếp tục tạo đột phá trong phát triển mạng lưới giao thông bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...
Vì thế, Quảng Ninh sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá, gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, tuyến có tính kết nối; chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển để khai thác tốt dư địa đất đai hiện có.
Theo Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ quan điểm mục tiêu phát triển. Trong đó tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, hội nhập sâu rộng, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao.
Với chiều dài 176km, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được coi là trục giao thông xương sống của tỉnh. Đây là tuyến cao tốc kết nối trực tiếp, đồng bộ cả 3 khu kinh tế KKT: Ven biển Quảng Yên, Vân Đồn, Cửa khẩu Móng Cái. Việc kiến tạo hành lang giao thông hiện đại gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng không gian phát triển mới, nguồn lực mới, cơ hội mới, không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả Vùng đồng bằng sông Hồng.
Riêng năm 2023 tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng 26 dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật; trong đó có nhiều dự án giao thông động lực, trọng điểm, điển hình như đường tỉnh 341, cầu Bình Minh...Trong đó, dự án đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn dài trên 60km có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Điểm đầu nối xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long); điểm cuối nối với xã Bắc Lãng (huyện Đình Lập, Lạng Sơn).
Sau hơn 1 năm thi công, tháng 7/2024 dự án đã hoàn thành thi công. Tuyến đường hoàn thành rút ngắn quãng đường từ Lạng Sơn đến TP Hạ Long, đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hoá; góp phần thu hút đầu tư, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Cũng trong tháng 7/2024, dự án cầu Bến Rừng và đường nối giữa huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với TX Quảng Yên (Quảng Ninh) sau hơn 2 năm thi công đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là công trình hành lang giao thông đường bộ thứ 3 kết nối giữa hai địa phương, hiện thực hoá chương trình hợp tác, kết nối liên vùng cùng thúc đẩy phát triển.
Theo Sở Giao thông Quảng Ninh: Để làm tốt hơn nữa việc phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, từ đó khai phóng nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới. Tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đầu tư, kiến tạo một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022-2025, như: Tuyến nối QL18 và đường ven sông Đông Triều - Quảng Yên (Quảng Ninh) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương).
Tiếp đến trục giao thông kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) với TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Đầu tư cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng).
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các KKT, KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Đây sẽ là bàn đạp để tỉnh thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm tại Cẩm Phả, Hải Hà, Móng Cái, Quảng Yên…
Về hạ tầng các KKT, KCN, tỉnh ưu tiên bố trí vốn để xây dựng hạ tầng thiết yếu, các công trình có tính lan tỏa. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh; các dự án có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp quốc tế…
Tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh kỳ vọng tạo ra những đột phá mới, từ đó tạo động lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, nâng cao vị thế của tỉnh trong nước và khu vực.