Hà Tĩnh sẽ hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, một trong những địa phương phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012.
Mục tiêu lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Để đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, Hà Tĩnh ưu tiên phát triển bốn lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm: Công nghiệp luyện thép chế biến, chế tạo, năng lượng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại - dịch vụ và du lịch; dịch vụ Logistics. Quy hoạch cũng xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực là khu kinh tế Vũng Áng.
Theo đó, trong 5 năm tới, tỉnh ưu tiên mở rộng không gian đô thị TP Hà Tĩnh về phía Tây và phía Nam; nâng cấp thị xã Kỳ Anh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, tiến tới hình thành thành phố công nghiệp Kỳ Anh.
Quy hoạch ưu tiên phát triển ba hành lang kinh tế chính với ba trung tâm đô thị động lực gồm: Chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 1 và quốc lộ ven biển gắn với đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; liên kết thành phố Hà Tĩnh với thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân, đưa khu vực này trở thành trung tâm đô thị hạt nhân của tỉnh để phát triển công nghiệp, khoa học, đào tạo, thương mại và dịch vụ.
Khu kinh tế Vũng Áng với nòng cốt là Nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các khu công nghiệp trong khu kinh tế và thị xã Kỳ Anh. Khu kinh tế Vũng Áng sẽ tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung bộ. Mục tiêu đến năm 2030, Vũng Áng trở thành trung tâm logistics quan trọng của địa phương cũng như miền Trung, là đầu mối cảng cho Lào và đông Thái Lan.
Tỉnh lên kế hoạch phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch theo trục Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt và đường thủy, chú trọng phát triển sân bay. Dự kiến xây sân bay dân dụng tại các xã Cẩm Dương, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên) Thạch Văn (huyện Thạch Hà) trên diện tích 450 ha; thời gian thực hiện sau năm 2020, đến năm 2030 đầu tư mở rộng nâng cấp thành cảng hàng không nội địa để phát triển du lịch, kinh tế.
Quy hoạch Hà Tĩnh cũng chú ý đến hướng phát triển những khu vực khó khăn. Với vùng dân tộc, biên giới và núi cao ở như các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang…, tỉnh sẽ tăng cường thu hút và xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hoàn thiện giao thông kết nối trung tâm xã.
Vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh…, tỉnh chủ trương cơ cấu lại dân cư các xã thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với mỏ sắt Thạch Khê, tiến hành kế hoạch đóng mỏ tạm thời ít nhất đến 2070 và tiến hành khôi phục sử dụng đất theo hướng phát triển du lịch sinh thái và trung tâm đô thị như phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái; khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các dự án điện mặt trời; khu bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường; nuôi trồng thủy sản, phát triển vườn ươm.
Theo ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ, ban ngành đã có nhiều ý kiến quan trọng, giúp tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan quy hoạch, đơn vị tư vấn xây dựng và hoàn thiện quy hoạch.
Hà Tĩnh tiếp thu các ý kiến góp ý và các ý kiến phản biện của hội đồng thẩm định, đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện quy hoạch và gửi lên Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng hội đồng thẩm định đánh giá lại. Khi đạt yêu cầu, tỉnh trình lên Chính phủ phê duyệt.
Có thể bạn quan tâm