Hà Tĩnh: Trẻ em, hộ nghèo “còng lưng” đóng tiền... nông thôn mới

Thanh Tâm 11/07/2018 14:33

Nhiều trẻ sơ sinh, hộ nghèo thuộc xã Song Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) phải “còng lưng” gánh các khoản thu phí để... xây dựng nông thôn mới.

Cứ khai sinh là phải đóng phí

Cụ thể, mỗi khẩu phải đóng tiền bê tông 250.000 đồng cho xã, 200.000 đồng cho thôn, 50 ngàn đồng tiền nhà văn hóa thôn cũ và mỗi hộ đóng thêm 500 ngàn đồng xây nhà văn hóa mới. Ở xã, đối tượng đóng nộp là từ 1 tuổi đến 59 tuổi, còn ở thôn thì cứ có tên trong sổ hộ khẩu cho đến 59 tuổi là phải đóng, kể cả trẻ sơ sinh và hộ nghèo

Chị H.T.M, một người dân thôn Vĩnh Gia phàn nàn: “Gia đình tôi có 6 khẩu, năm nay tôi phải đóng gần 2,7 triệu đồng tiền làm đường bê tông, và 300 ngàn đồng tiền xây dựng nhà văn hóa cũ và 500 nghìn đồng tiền xây dựng nhà văn hóa mới. Tính ra đã 3,5 triệu đồng rồi, đó là chưa kể các khoản thu khác nữa. Cả gia đình chỉ sống nhờ sào ruộng nên cứ thu hoạch lúa xong là phải bán vội để có tiền đóng sản cho thôn, xã”.

Cũng theo chị M., ở đây trẻ em mới sinh ra chỉ cần có giấy khai sinh là phải đóng nộp như một nhân khẩu bình thường, hộ nghèo cũng không ngoại lệ. Gia đình nào không nộp sẽ bị bêu tên lên loa phát thanh xóm và xin giấy tờ gì cũng gặp khó khăn.

Gia đình anh T.V.L phải vay tiền để đóng nộp tiền NTM

Gia đình anh T.V.L phải vay tiền để đóng nộp tiền NTM

Gia đình anh T.V.L là một trong những hộ nghèo lâu năm của thôn Vĩnh Gia. Qua tìm hiểu, anh L. là nạn nhân chất độc da cam, anh kết hôn với chị T. sinh được 3 người con đều đang tuổi ăn học. Anh L. bệnh tật không làm được việc gì, một mình chị T. quần quật với 6 sào ruộng cha mẹ để lại nuôi cả gia đình 5 miệng ăn.

Cầm cuốn sổ nợ ngân hàng 40 triệu đồng trên tay, chị T buồn rầu: “Chồng tôi được miễn nên gia đình phải đóng 4 khẩu của 4 mẹ con. Tính ra năm nay gia đình tôi phải nộp 1,8 triệu tiền bê tông cho cả xã và thôn, 200.000 đồng tiền nhà văn hóa cũ, 500.000 đồng tiền nhà văn hóa mới và các khoản thu khác nữa. Nợ cũ vẫn chưa trả được nhưng mấy hôm nay nghe loa phát thanh xóm kêu gọi nộp sản, hai vợ chồng đành đi vay về để nộp trước. Mình là hộ nghèo không có cũng phải vay đóng nộp sớm để hôm sau lên xin giấy tờ đi học cho con dễ hơn”.

Huyện yêu cầu khắc phục

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ thôn Vĩnh Gia mà các thôn khác của xã Song Lộc cũng có cách thu tương tự. Nhiều người dân rất đồng tình với chủ trương làm đường nông thôn nhưng không đồng ý phương án tài chính. Việc huy động mức đóng góp phải phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ, không thể đánh đồng theo đầu người. Thôn Vĩnh Gia chỉ cào bằng đầu người để áp mức thu đối với cả trẻ mới sinh ra, hộ nghèo như thế là không hợp lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Song Lộc lý giải: “Vì nộp cả một lần dân sẽ khó khăn nên xóm chia ra làm 2 đợt. Đợt đầu năm xóm đã thu 200.000 đồng/khẩu, 250.000 đồng/khẩu nộp ở xã là do xóm nhờ xã thu hộ. Còn 50.000 đồng xây dựng nhà văn hóa thì xóm nào cũng như nhau. Hiện xã có 5 thôn mà mới làm được 4 nhà văn hóa, còn nhà văn hóa thôn Vĩnh Gia sắp khởi công nên người dân phải đóng thêm”.

Đối với việc trẻ em mới sinh ra và hộ nghèo vẫn phải đóng nộp thì ông Hạnh cho rằng xã chỉ thu đối với các nhân khẩu từ 1 tuổi đến 59 tuổi. Còn đối với hộ nghèo thì chỉ vận động tự nguyện?!. Ông Hạnh cũng cho rằng không có chuyện người dân không đóng nộp sẽ không được ký giấy tờ.

Về vấn đề này, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch huyện Can Lộc yêu cầu địa phương cần tiếp thu và có những phương án khắc phục kịp thời. “Đối với hộ nghèo cần phải sớm trả lại tiền cho họ, sai thì phải xin lỗi dân. Còn việc thu trẻ từ 1 tuổi là hoàn toàn không đúng, dù đó là dân bàn nhưng thu phải hợp lý, đúng pháp luật. Việc người dân công đức, tự nguyện hiến là không sai còn vận động thu là sai. Địa phương cần khẩn trương khắc phục những khoản thu không hợp lý trên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Tĩnh: Trẻ em, hộ nghèo “còng lưng” đóng tiền... nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO