“Các dự án khởi nghiệp có ý tưởng tốt, tuy nhiên, thiếu các khảo sát thực tế, lằng nhằng là lỗ. Song nếu các dự án có cách quản lý tốt thì sẽ lãi”.
Đó là nhận định của phần lớn chuyên gia khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp tại “Chương trình Hackathon Hà Nội 2019” do Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Công ty TNHH Sonamu, Trường Đại học Ngoại thương, công ty Neo Ply (China) tổ chức, mới đây.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu cần được liên kết với các trường hợp đổi mới thực sự.
Đối với sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam, chương trình Hackathon Hà Nội 2019 này sẽ mang đến cơ hội mở rộng để thử nghiệm các mô hình kinh doanh trên thị trường thực tế bằng cách hợp tác với các tài năng xuất sắc từ mỗi quốc gia.
Bà Đào Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Sau một chuỗi các hoạt động, từ toạ đàm, cuộc thi, chương trình đào tạo về khởi nghiệp mà Đại học Ngoại thương đã phối hợp tổ chức với các bên đã nhóm lên ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của các bạn trẻ, từ đó kết nối các bạn trẻ với các hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế”.
Cùng chung kỳ vọng, Giáo sư Prof. Yoo Hong Sung, Trung tâm Khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp thuộc Đại học Inha (Hàn Quốc) cho biết: “Chương trình hôm nay là cơ hội để các sinh viên khởi nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam nói chung, và sinh viên Đại học Ngoại thương nói riêng có cơ hội giao lưu, học hỏi và mở rộng hợp tác trong thời gian tới”.
Có thể bạn quan tâm
04:18, 26/01/2019
04:05, 26/01/2019
16:44, 25/01/2019
07:36, 25/01/2019
06:23, 25/01/2019
05:21, 25/01/2019
Chương trình Hackathon Hà Nội 2019 là ngày hội DemoDay với sự tham gia của 4 nhóm dự án cùng các nhà đầu tư đến từ Việt Nam và Hàn Quốc. Theo đó, các sinh viên đến từ các trường Đại học Hàn Quốc và Việt Nam đã trình bày kế hoạch kinh doanh cuối cùng của mình trước các nhà đầu tư và cố vấn.
Cụ thể, Nhóm 1, Dự án “ZetoS”. Đây là dự án cung cấp ứng dụng thông tin chăm sóc trẻ em từ 0-6 tháng tuổi, hướng tới khách hàng mục tiêu là các bà mẹ có mức thu nhập trên 7 triệu VNĐ/năm tại thị trường Thành phố Hà Nội.
Nhóm 2, dự án “SENLIVE”, ứng dụng gamshow phát trực tiếp – mô hình quảng cáo mới.
Nhóm 3, dự án “ReWhite”, ứng dụng cung cấp dịch vụ giặt là khô, hướng đến đối tượng khách hàng là những người nước ngoài và những người đang sinh sống tại Hà Nội.
Nhóm 4, dự án “Giasucom”, ứng dụng cung cấp gia sư hướng đến nhóm khách hàng phụ huynh, sinh viên và các nhà hướng dẫn.
Nhận định chung về 4 dự án, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Trọng – Giám đốc Kinh Doanh Công ty Bitdefender Việt Nam cho biết: “Nhìn chung các dự án này về những ý tưởng rất là tốt. Tuy nhiên vẫn còn thiếu nhiều thứ, trong đó có thể kể đến việc thiếu khảo sát thực tế và khách hàng”.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Trọng: “Khác với ngày xưa, những ứng dụng như này hiện nay đã rất nhiều, khó nhất là ai là người chịu làm, chịu đi ra thị trường, chịu gặp gỡ khách hàng và khảo sát thực tế khách hàng của mình?”.
Ông Nguyễn Quang Trọng lấy ví dụ “Dự án ReWhite”. Khi đưa ra áp cung cấp dịch vụ giặt là này, nhóm dự án đã có khảo sát thực tế, khách hàng mục tiêu là những người nước ngoài hay chưa? Đã gặp được bao nhiêu khách hàng là người nước ngoài? Tìm hiểu được nhu cầu rằng họ hay sử dụng dịch vụ giặt là ở đâu? Nếu các bạn khảo sát được 100 người nước ngoài như vậy thôi cũng đã là rất tốt rồi.
Bên cạnh đó, chưa kể đến các khó khăn như việc tiếp cận data danh sách người nước ngoài không hề dễ, hay như làm thế nào để thuyết phục được các hiệu giặt là có thể đồng ý chia sẻ dịch vụ giặt là với nhóm dự án? Đây là những câu hỏi lớn được ông Nguyễn Quang Trọng đặt ra.
Song, vị này khẳng định: “Thách thức rất lớn, lằng nhằng là lỗ, nhưng đây là ý tưởng tốt, tuy nhiên nếu quản lý tốt thì lại lãi”.
Sau hơn 2h đồng hồ thuyết trình sôi nổi, bản lĩnh và tự tin bằng tiếng Anh, 4 nhóm đã “lội ngược dòng” trước những câu hỏi khó của các vị chuyên gia, tuy nhiên giải nhất chỉ có một và đã thuộc về nhóm dự án “ZetoS”.
Chương trình là cơ hội tốt cho cả sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam phát triển mạng xã hội và hợp tác với nhau dựa trên sức mạnh và kỹ năng của chính họ. Chương trình này cũng đã đánh thức tinh thần khởi nghiệp ở những sinh viên trẻ và sẽ giúp biến những thiên tài trẻ thành những doanh nhân có ảnh hưởng.