Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lượng khách du lịch đến Hải Dương tăng cao tại nhiều địa điểm thăm quan.
Đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hải Dương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, phục vụ nhân dân và du khách vui Xuân, đón Tết tại các điểm tham quan.
Theo thông tin Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương, trong dịp nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, Đảo Cò đã đón hơn 3.000 du khách đến tham quan.
Danh thắng Đảo Cò, tỉnh Hải Dương có diện tích 67 ha. Tâm điểm của hồ là Đảo Cò với diện tích 7.324 m2 trong lòng hồ An Dương 2,8 ha và một đảo mới hình thành năm 2007 là 3,5 ha. Đảo Cò hiện là nơi trú của khoảng 16.000 con cò, 6.000 con vạc như: cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen. Ở đây có nhiều loài chim quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo...
Cũng tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh, Hải Dương) đã đón gần 3 vạn lượt du khách.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên - Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thời điểm này chuẩn bị cho Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 nên điểm nhấn của khu di tích cũng gắn với lễ hội. Tới đây, du khách được đắm mình trong không gian di tích đậm màu sắc văn hóa trên hành trình trở thành di sản thế giới.
Những ngày diễn ra lễ hội, du khách còn được tham gia chuỗi các hoạt động ý nghĩa như lễ phát động trồng cây nhằm tưởng nhớ lời Bác dạy nhân kỷ niệm 60 năm Người về thăm Côn Sơn, tham gia Giải chạy việt dã kết nối hành trình di sản...
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 diễn ra từ 11/2 - 20/2 (tức ngày 14 - 23 tháng Giêng năm Ất Tỵ) với các hoạt động như: trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân người”; hội thi gói bánh chưng, giá bánh dầy; lễ rước nước; lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, tưởng niệm 691 năm Ngày viên tịch của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả; Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn; phát động Tết trồng cây “Côn Sơn - 60 năm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh); khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại; Giải vật dân tộc, giải cờ tướng; Giải chạy marathon “”Côn Sơn, Kiếp Bạc – hành trình kết nối di sản văn hóa”, Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc; Liên hoan Pháo đất; Giải chạy marathon “Côn Sơn, Kiếp Bạc”; lễ Giỗ Đệ tam tổ Huyền Quang; lễ Mông Sơn thí thực.
Theo Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, từ sau giao thừa đến chiều mùng 2 Tết, có hơn 11.000 lượt người đến chiêm bái tại các di tích lịch sử văn hóa ở huyện Cẩm Giàng, tăng trên 20% so với Tết trước. Lượng du khách đến du xuân, chiêm bái, cầu an tại đền Bia (xã Cẩm Văn) chiếm đông nhất, đạt khoảng 8.000 người.
Được biết, Văn miếu Mao Điền thờ Khổng Tử - ông tổ của đạo Nho và phối thờ 8 vị đại khoa tiêu biểu Việt Nam như thầy giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi,…
Tại quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) đón gần 7.000 lượt du khách.
Điểm nhấn quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là đền Cao An Phụ nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền, đền Cao An Phụ thuộc xã An Sinh, được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khuôn viên đền Cao An Phụ còn có chùa Tường Vân thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.