Hải Dương sẽ kiên quyết tháo dỡ, giải tỏa bến bãi đang hoạt động không phù hợp quy hoạch. Đó là chỉ đạo của ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản, việc quản lý hoạt động bến bãi nhằm mục tiêu đảm bảo tất cả các bến bãi hoạt động phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Các dự án đang hoạt động không phù hợp quy hoạch và định hướng phát triển của huyện, tỉnh, tác động bất lợi về đê điều, môi trường thì kiên quyết tháo dỡ, giải tỏa.
Việc tháo dỡ thực hiện theo nguyên tắc đánh giá từng trường hợp để khi xử lý hạn chế gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, của người dân. Đây là căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương lưu ý việc tồn tại bến bãi nào, mỗi địa phương bao nhiêu bến bãi phải do địa phương quyết định trên cơ sở phù hợp nhu cầu thực tiễn, phù hợp quy hoạch, nhưng phải không ảnh hưởng đến đê điều, đời sống người dân.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phố hợp các ngành hướng dẫn các bến bãi hoàn thiện các thủ tục liên quan. Với các bến bãi đang hoạt động và đủ thủ tục nhưng không nằm trong quy hoạch trong tương lai của địa phương, các trường hợp này vẫn tiếp tục được hoạt động đến khi có dự án mới thay thế.
Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện rà soát lại tất cả các dự án bến bãi tồn tại theo đề nghị của huyện để hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục. Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để cho ý kiến tháo gỡ.
Được biết, hiện nay Hải Dương còn 84 bến bãi ngoài quy hoạch đang hoạt động. Việc xử lý bến bãi ngoài quy hoạch ở một số địa phương của tỉnh Hải Dương còn chậm, chưa hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Hải Dương còn 84 bến bãi ngoài quy hoạch vẫn hoạt động. Trong đó, có 19 bến bãi phù hợp với quy hoạch của giai đoạn trước và có thủ tục pháp lý, 15 bến bãi đề nghị bổ sung vào quy hoạch.
Các bến bãi ngoài quy hoạch tập trung ở thị xã Kinh Môn (47 bến bãi), các huyện Tứ Kỳ (12 bến bãi), Ninh Giang (11 bến bãi), Thanh Miện (5 bến bãi)…
Theo lộ trình xử lý bến bãi không phù hợp với quy hoạch thì trước ngày 15/6 sẽ vận động tự chấm dứt, giải tỏa. Tuy nhiên, các địa phương thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả. Riêng thị xã Kinh Môn chưa giải tỏa được bến bãi nào. Trước đó, toàn tỉnh có 39 bến bãi ngoài quy hoạch chấm dứt hoạt động, trong đó có 31 bến bãi đã giải tỏa xong.
Theo UBND huyện Thanh Miện, đến ngày 7/8, toàn huyện có 13 bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng, trong đó có 8 bến bãi không phù hợp quy hoạch phải giải toả. Qua rà soát, có 5 bến bãi ven sông Luộc thuộc địa phận xã Hồng Phong phù hợp quy hoạch. Trong đó có 1 bến bãi đã chấm dứt hoạt động, 4 bến bãi còn lại đang tạm dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.
8 bến bãi không phù hợp quy hoạch, tập trung ở xã Tứ Cường và thị trấn Thanh Miện. Đến nay, huyện đã giải toả xong 1 bến bãi vi phạm. Các bến bãi còn lại đang được phá dỡ trụ cẩu, mố cẩu; di dời vật liệu xây dựng, cọc bê tông... để hoàn trả lại mặt bằng. Huyện phấn đấu hoàn thành giải toả các bến bãi này trước ngày 15/9.
Trong tháng 6, Công an huyện Thanh Miện đã phạt 4 bến bãi ở xã Tứ Cường và thị trấn Thanh Miện với tổng số 20 triệu đồng do tập kết cát san lấp không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải toả các bến bãi không phù hợp với quy hoạch trước ngày 31/12/2024.
Được biết, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 29/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn Hải Dương. Mục tiêu của kế hoạch là chấm dứt hoạt động và hoàn thành việc giải toả các bến bãi không phù hợp với quy hoạch trước ngày 31/12/2024.
Theo đó, Hải Dương sẽ rà soát, tổng hợp, phân loại bến bãi không phù hợp quy hoạch, bến bãi phù hợp quy hoạch, bến bãi có vi phạm còn tồn tại. Đối với bến bãi không có thủ tục pháp lý, không phù hợp quy hoạch sẽ chấm dứt hoạt động và thực hiện giải toả. Đối với bến bãi chỉ có thủ tục pháp lý về đầu tư, không phù hợp quy hoạch thì dừng hoạt động; kiến nghị thu hồi thủ tục về đầu tư và yêu cầu chấm dứt hoạt động, giải toả.
Đối với bến bãi có thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai và các thủ tục pháp lý khác nhưng không phù hợp quy hoạch thì dừng hoạt động; xây dựng kế hoạch thực hiện đền bù, thu hồi dự án bến bãi hoặc chuyển đổi sang dự án phù hợp với quy hoạch.
Đối với bến bãi không có trong quy hoạch nhưng cần thiết, xem xét, đề xuất bổ sung vào quy hoạch, dừng hoạt động, rà soát, đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo quy định. Thực hiện hoàn thiện thủ tục pháp lý để được hoạt động nếu được phê duyệt điều chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động, giải tỏa bến bãi nếu không được phê duyệt điều chỉnh.
Với bến bãi phù hợp quy hoạch, có đầy đủ thủ tục pháp lý được hoạt động theo quy định khi không còn tồn tại vi phạm. Đối với bến bãi phù hợp quy hoạch nhưng chưa đủ thủ tục pháp lý thì dừng hoạt động; thực hiện hoàn thiện thủ tục pháp lý, khắc phục vi phạm (nếu có). Sau khi đủ thủ tục pháp lý và không còn tồn tại vi phạm mới được hoạt động theo quy định.