24h

Hải Dương quyết liệt từ chối các dự án không đảm bảo về môi trường

Trung Thành - Hiền Bùi 18/02/2025 00:30

Xác định phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, Hải Dương quyết không chấp nhận các dự án đầu tư công nghệ lạc hậu tạo phát thải lớn trong giai đoạn tới.

Quản lý siết chặt

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương: Trong nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương đã quan tâm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tỉnh đã ra nhiều quyết định về tăng cường, quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường , ban hành các chỉ thị về bảo vệ môi trường...

1(1).jpg
Do vi phạm quy định môi trường, Chi nhánh Công ty TNHH Năng lượng Trí Việt bị phạt 130 triệu đồng

Ðồng thời, kiểm soát, giám sát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, trong đó quy định tăng cường giám sát tự động đối với các cơ sở sản xuất xả nước thải lớn (các cơ sở có phát sinh nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt quan trắc nước thải tự động). Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh đối với nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, yêu cầu các cơ sở xử lý nước thải đạt chất lượng cao hơn so với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Mới đây, do vi phạm quy định môi trường, Chi nhánh Công ty TNHH Năng lượng Trí Việt ở lô 22, khu công nghiệp Đại An, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) bị phạt 130 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, đơn vị này phải có trách nhiệm xử lý toàn bộ khối lượng tro xỉ trên.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định xử phạt Công ty TNHH Clark Material Handling Việt Nam (xã Phúc Điền, Cẩm Giàng) 485 triệu đồng vì những vi phạm về môi trường.

Trong đó, xử phạt 320 triệu đồng vì hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Dự án Clark Material Handling Việt Nam ở xã Phúc Điền (Cẩm Phúc cũ) nhưng không có giấy phép môi trường được UBND tỉnh Hải Dương cấp theo quy định.

Dự án này còn bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường trong thời hạn 135 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành.

Công ty TNHH Clark Material Handling Việt Nam bị phạt 150 triệu đồng do xả nước thải có độ pH bằng 3,65 dưới cận dưới của quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (cận dưới của quy chuẩn kỹ thuật chất thải là 5,5) với lưu lượng nước thải 9,5 m3/ngày đêm.

Doanh nghiệp này còn bị phạt 15 triệu đồng do không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Ngoài ra, Công ty còn phải chi trả kinh phí đo đạc và phân tích mẫu môi trường cho Sở Tài nguyên và Môi trường hơn 4,6 triệu đồng (đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu nước xả thải của dự án trên vào ngày 21/10/2024).

3(1).jpg
Sau khi bị phạt nặng, Công ty Clark Material Handling đã được cấp giấy phép môi trường (Ảnh Báo Hải Dương)

Được biết, sau khi bị UBND tỉnh Hải Dương phạt nặng do vi phạm về môi trường, Công ty Clark Material Handling Việt Nam (Cẩm Giàng) đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy phép môi trường. Theo đó, Công ty TNHH Clark Material Handling Việt Nam có địa chỉ tại km 38 quốc lộ 5, xã Phúc Điền (Cẩm Giàng) được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Cơ sở “Clark Material Handling Việt Nam” ở cùng địa chỉ trên.

UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu doanh nghiệp vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chất ô nhiễm, tiếng ồn, độ rung không đạt yêu cầu cho phép.

Trước đó, 3 doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Dương được cấp phép xả thải trực tiếp ra môi trường gồm các Công ty TNHH: Best Pacific Việt Nam, May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal Việt Nam.

3 công ty này có tổng lượng nước thải trung bình khoảng 8.561 m³/ngày đêm. Các công ty trên đã xây dựng được trạm xử lý nước thải đạt QCVN 40:2011/BTNMT mức A trước khi xả vào lưu vực tiếp nhận nên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xả thải trực tiếp ra lưu vực tiếp nhận.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương: Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Hải Dương đã thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường với tần suất quan trắc 4 đợt/năm, với 77 điểm quan trắc môi trường không khí định kỳ. Từ cuối năm 2023, UBND tỉnh Hải Dương đã nhất trí tạm dừng thu hút một số dự án gây hại tới sức khỏe môi trường.

Trước đó, tỉnh Hải Dương cũng đã cho dừng hoạt động nhiều doanh nghiệp cấp nước, xử lý rác thải… có công nghệ lạc hậu, chậm cải tạo, sửa chữa nâng cấp gây ảnh hưởng đến môi trường nước, không khí.

Mới đây, Hải Dương đã “khai tử” Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tỉnh Hải Dương tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương do một phần nguyên nhân từ việc chưa đảm bảo được tác động gây ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình phân loại và xử lý rác thải.

Kiên quyết từ chối

Hiện, Hải Dương cũng đang hướng đến việc xanh hóa khi chú trọng thu hút các dự án có công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, bao gồm KCN Kim Thành – định hướng phát triển tiên phong trong xanh hóa toàn cầu, đang được triển khai xây dựng.

2(1).jpg
Các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã và đang thay đổi, hướng tới xanh hóa (Ảnh: BH)

Mặt khác, kế hoạch đề ra mục tiêu năm 2025, Hải Dương tiếp tục duy trì trên phạm vi toàn tỉnh Hải Dương các thông số cơ bản trong môi trường không khí xung quanh có giá trị nồng độ đáp ứng và nằm trong ngưỡng GHCP theo QCVN 05:2023/BTNMT. Đồng thời tăng cường công tác cảnh báo, dự báo và giám sát, kiểm soát chất lượng môi trường không khí.

Dự kiến đến năm 2030, đối với phát thải từ nguồn điểm, Hải Dương phấn đấu 100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu online về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý.

Trong đó, 100% số doanh nghiệp có phát thải khí bụi thải phải đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống thiết bị xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, tiết kiệm mức năng lượng từ 3 - 5%. Quy hoạch tỷ lệ cây xanh để giảm phát thải khí nhà kính tại các khu vực sản xuất công nghiệp 20%, tại các khu đô thị đạt 10%. Không chấp nhận các dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu phát thải khí thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ từng bước giảm các bãi chôn lấp, xóa bỏ các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, UBND tỉnh Hải Dương xác định, toàn tỉnh cần duy trì và cải thiện chất lượng môi trường, riêng một số địa bàn như TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng cần được kiểm soát và giảm thiểu một số chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi TSP...

Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Địa phương đã từ chối tiếp nhận hàng chục dự án có phát sinh nước thải, khí thải lớn nằm ngoài khu công nghiệp. Thẩm định chặt chẽ hơn 300 báo cáo đánh giá tác động môi trường, yêu cầu xử lý nước thải đạt cột A của quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Rà soát, lập danh sách các điểm nóng về ô nhiễm môi trường gồm: Các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, trạm xử lý nước thải tập trung của hai khu công nghiệp, năm làng nghề và các sông tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, các cấp, ngành phối hợp kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt. Đầu tư công trình bảo vệ môi trường, lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án.

Định kỳ đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả giám sát về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Được biết, theo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Hải Dương đã xác định đến năm 2030, việc phát triển ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương sẽ không chấp nhận các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tạo ra phát thải khí thải lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là chất lượng không khí.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Đại diện Công ty môi trường HT cho biết: Với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, tỷ lệ, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, thành phần chất thải thay đổi. Phương pháp xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn hiện tại còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy có công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện của địa phương là điều rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương quyết liệt từ chối các dự án không đảm bảo về môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO