Cùng với các khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, Hải Dương đang tích cực tăng tốc triển khai giải phóng mặt bằng 6 KCN mới, trong đó có 3 KCN mở rộng.
>>>Hải Dương: Người nông dân thay đổi nhận thức nhờ chuyển đổi số
>>>Hải Dương: Hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm lên sàn điện tử
Hiện nay, các địa phương của tỉnh Hải Dương đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư.
Tăng tốc…
Theo Ban Quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh có 11 KCN, KCN mở rộng đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 84%. 4 KCN có tỷ lệ lấp đầy đạt 100% là: Nam Sách, Phúc Điền, Tân Trường và Kỹ thuật cao An Phát. KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp nhất là Lai Cách, mới đạt hơn 33%. Suất đầu tư hạ tầng KCN đạt khoảng 6,5 tỷ đồng/ha.
Trong năm 2022, tỉnh Hải Dương phấn đấu triển khai giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại 6 KCN, KCN mở rộng ở các huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, An Phát 1, Kim Thành, Tân Trường mở rộng, Đại An mở rộng và Phúc Điền mở rộng với tổng diện tích gần 1.135 ha, bao gồm 760 ha đất công nghiệp cho thuê, còn lại phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: "11 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, quỹ đất công nghiệp có thể cho thuê chỉ còn khoảng 140 ha. Để tạo quỹ đất công nghiệp mới thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có KCN mới và mở rộng tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, bảo đảm tiến độ theo lộ trình đã đề ra".
Cụ thể: Khu công nghiệp (KCN) Đại An mở rộng giai đoạn 2 thuộc địa phận huyện Cẩm Giàng có tổng diện tích 227ha, trong đó diện tích thuộc xã Cẩm Đông là 40ha và thuộc xã Cẩm Đoài là 187ha. Đến nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn xã Cẩm Đông đã được các hộ dân có diện tích đất bị thu hồi đồng tình. Riêng tại xã Cẩm Đoài, do có diện tích đất thu hồi lớn, liên quan đến 870 hộ có đất nông nghiệp nằm trong ranh giới GPMB, ngoài ra còn thu hồi tài sản trên đất của 192 hộ và 135 hộ có mộ nên việc GPMB còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Hội đồng bồi thường GPMB huyện Cẩm Giàng, hiện nay, xã Cẩm Đoài còn 128 hộ gia đình, cá nhân chưa ký biên bản kiểm kê về đất nông nghiệp, 255 hộ chưa ký phương án bồi thường hỗ trợ.
Để sớm hoàn thành việc GPMB thực hiện dự án KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2, huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường GPMB huyện, xã Cẩm Đoài và các đơn vị liên quan quyết liệt hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện; quán triệt nghiêm sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện về công tác GPMB và xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, công việc đột phá. Huyện huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền với mọi hình thức và phù hợp với từng hộ gia đình. Tập trung cao độ cho việc kiểm đếm tài sản, bảo đảm quyền lợi cho người dân trên cơ sở quy định của pháp luật...
Được biết, UBND Huyện Cẩm Giàng đã xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế kiểm đếm trong đầu tháng 8 và cưỡng chế thu hồi đất trong đầu tháng 9 nếu còn có hộ không thực hiện theo quy định của pháp luật. Trước mắt, huyện sẽ tập trung cao độ cho công tác GPMB thực hiện dự án KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2.
Huyện Cẩm Giàng cũng đề nghị, sau khi hoàn thành thu hồi đất, Công ty TNHH một thành viên phát triển hạ tầng KCN Đại An xem xét quan tâm hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng cho địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Gia Lộc có tổng diện tích 197,74 ha, trong đó có 174,46 ha đất phải thu hồi, GPMB. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành bồi thường, hỗ trợ GPMB được 111,86 ha. Diện tích còn lại, địa phương đang tiếp tục rà soát lại nguồn gốc đất. Huyện Gia Lộc phấn đấu đến hết tháng 12.2022 sẽ cơ bản hoàn thành công tác GPMB, bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo tiến độ đề ra, huyện phấn đấu trước ngày 31.7 sẽ hoàn thiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với diện tích đất của 64 hộ dân tại các xã Toàn Thắng, Hoàng Diệu, Hồng Hưng. Đến đầu tháng 8, huyện sẽ tập trung triển khai GPMB với diện tích gần 60 ha trên địa bàn thị trấn Gia Lộc.
Theo ông Đỗ Văn Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết: Đến nay, các vướng mắc liên quan đến GPMB dự án hạ tầng KCN Gia Lộc đã từng bước được tháo gỡ. Với quyết tâm cao của chính quyền địa phương, chúng tôi tin tưởng sẽ bàn giao đất cho nhà đầu tư đúng tiến độ đề ra.
Dọn tổ đón “đại bàng”
Thời gian qua, huyện Nam Sách đã tích cực triển khai GPMB dự án KCN An Phát 1. Đến nay, việc này đã cơ bản hoàn thiện. Đây là địa phương đầu tiên trong 5 huyện có dự án KCN mới, KCN mở rộng hoàn thành thu hồi đất. Chủ đầu tư hạ tầng là Công ty CP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 đang triển khai thực hiện dự án. Dự kiến KCN này sẽ đón các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh từ quý II.2023.
Đại diện Công ty CP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 cho biết, mục tiêu của đơn vị là tập trung thu hút các dòng vốn FDI hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại như lĩnh vực điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, thiết bị điện dân dụng, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ... Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư vào KCN An Phát 1.
Được biết, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Hải Dương trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng đang triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm tạo thuận lợi hơn trong vận chuyển hàng hoá.
Theo ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh Hải Dương: Hải Dương cam kết sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng sạch để doanh nghiệp có thể nghiên cứu, tiếp cận và đưa ra quyết định đầu tư.
Theo ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings, Tổng Giám đốc An Phát Complex cho biết: Hiện tại, dự án khu công nghiệp An Phát 1 đã hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp dự kiến sẽ thu hút 50 - 70 nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động và đạt tỷ lệ cho thuê 100% vào năm 2024.
Với tiền đề là thành công của khu công nghiệp An Phát Complex, mục tiêu của doanh nghiệp trong giai đoạn tới là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển An Phát 1 thành khu phát triển hạ tầng công nghiệp kỹ thuật cao, thân thiện môi trường hàng đầu Hải Dương. Khu công nghiệp này sẽ là nơi thu hút các dòng vốn từ nhiều lĩnh vực sản xuất như điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất thiết bị điện dân dụng, công nghiệp chế biến chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Để thu hút “đại bàng” và nắm bắt được cơ hội "vàng", các địa phương có KCN mới cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ GPMB, giúp chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư.
Có thể bạn quan tâm