“Hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” về đất đai

Diendandoanhnghiep.vn Nghị quyết 18-NQ/TW, với những điểm đột phá, được kỳ vọng sẽ từng bước giải quyết tình trạng mâu thuẫn giữa sự gia tăng giá trị kinh tế của đất đai trong một nền kinh tế đang

chuyển đổi nhanh nhưng lại chưa đảm bảo sự hài hòa trong phân phối lợi ích là nguồn cơn chính tạo ra những căng thẳng xã hội. 

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Đáng – Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, hiện đang công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với DĐDN.

TS. Nguyễn Văn Đáng cho biết: So với Nghị quyết 19, Hội nghị trung ương 6, khóa XI năm 2012 thì Nghị quyết 18, Hội nghị trung ương 5 khóa XIII mới đây đã nhấn mạnh hơn nhu cầu bảo đảm “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” liên quan đến đất đai. Điểm mới này thể hiện ở chỗ cụm từ “hài hòa lợi ích” đã được nhắc đến ba lần và “công bằng xã hội” được sử dụng năm lần trong Nghị quyết 18 năm 2022, trong khi cả hai cụm từ này chỉ được nhắc đến một lần trong Nghị quyết 19 năm 2012.

- Thưa ông, Nghị quyết 18 mới đây nhiều lần đề cập đến các cụm từ “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” liên quan đến đất đai. Chúng ta nên hiểu như thế nào về vấn đề này?

Nghị quyết 18 khẳng định “quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân”. Quan điểm này đặt ra yêu cầu về hài hòa lợi ích và công bằng xã hội liên quan đến đất đai. Có nghĩa là, chính sách đất đai phải quan tâm đến sự cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể liên quan, cụ thể là Nhà nước – Nhà đầu tư – và Người dân với các quyền sử đụng đất.

Nói cách khác, hài hòa lợi ích có nghĩa là sự phát triển của một địa phương hay sự giàu lên của một nhóm xã hội này không thể phải đánh đổi bằng những thiệt thòi hay nghèo đi của một nhóm xã hội khác.Việc quản lý, sử dụng, và phân phối lợi ích từ đất đai cũng phải hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền, và giữa các thế hệ.

Trong khi đó, công bằng xã hội là một giá trị nền tảng, luôn được quan tâm khi hoạch định và thực thi chính sách công. Quan điểm công bằng nhấn mạnh đến việc chia sẻ trách nhiệm và thụ hưởng lợi ích từ đất đai. Để thực hiện công bằng xã hội, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nước là phải có sự can thiệp nhằm bảo đảm lợi ích cho các nhóm yếu thế nhất trong xã hội.

Nói cách khác, thực hiện “công bằng xã hội” chính là việc không để xảy ra tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Các chính sách đất đai không thể trở thành tác nhân tạo ra khoảng cách giàu – nghèo, gia tăng bất bình đẳng xã hội thái quá về thu nhập và mức sống giữa các nhóm xã hội.

- Trên cơ sở lý luận như vậy, ông nhận xét thế nào về sự hài hòa lợi ích và công bằng xã hội trong lĩnh vực đất đai ở nước ta trong những năm vừa qua?

 Định giá đất cần tôn trọng các quy luật khách quan của thị trường, như quy luật Cung – Cầu, quy luật Giá trị.p/(Khu đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Ảnh: N.Dương)

Định giá đất cần tôn trọng các quy luật khách quan của thị trường, như quy luật Cung – Cầu, quy luật Giá trị. (Khu đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Ảnh: N.Dương)

Mấy chục năm qua, tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở nước ta đã khiến nhu cầu về đất và giá trị của đất đai gia tăng nhanh chóng. Cũng từ đó, trong xã hội xuất hiện những căng thẳng, mâu thuẫn, thậm chí là xung đột xã hội liên quan đến đất đai. Thực tế này cho thấy việc quản lý và sử dụng đất đai còn nhiều bất cập. Đơn cử như việc thu hồi đất, chúng ta dễ thấy nhiều nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn, còn một bộ phận người dân bị thu hồi đất lại chịu thiệt thòi.

Luật Đất đai quy định người có đất bị thu hồi phải được bảo đảm quyền lợi ít nhất bằng với khi chưa bị thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa đạt được điều này khi vẫn còn xảy ra khiếu nại, khiếu kiện kéo dài do lợi ích chính đáng của một bộ phận người bị thu hồi đất chưa được đáp ứng.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích và công bằng xã hội thì tiếng nói, nguyện vọng của các nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt là các nhóm yếu thế phải được truyền tải đến các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách. Tuy nhiên, mô hình chính sách của chúng ta đến nay vẫn là từ trên xuống, vốn nhấn mạnh ý chí của chính quyền. Bởi thế, quan điểm, tiếng nói, nguyện vọng của các nhóm xã hội - vốn đi từ dưới lên - chưa thực sự tạo ra tác động hiệu quả.

- Có ý kiến cho rằng, nếu cho phép tư hữu đất đai thì có thể giải quyết được vấn đề hài hòa lợi ích và công bằng. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Nếu cho phép tư hữu đất đai thì chúng ta sẽ thấy một xu hướng đã xảy ra trong lịch sử nhân loại: đất đai sẽ dần dần tập trung vào một số nhóm người nhất định, trong khi số đông người dân sẽ khó có cơ hội sở hữu đất đai. Với một nền kinh tế - xã hội vẫn đang trong quá trình chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa, sự bất công xã hội cũng từ đó mà ra.

Thực tế, trên nền tảng chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai ở nước ta hiện nay, các quyền của người dân Việt Nam không hề thua kém gì người dân ở các nước áp dụng chế độ tư hữu đất đai. Vấn đề mà chúng ta đang đối diện là xử lý vai trò của nhà nước và thị trường trong lĩnh vực đất đai.

Hướng đến hài hòa lợi ích và công bằng xã hội thì tất yếu cần phải có sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, đó sẽ không thể là cách thức can thiệp như chúng ta đã thực hiện thời gian vừa qua.

- Như ông phân tích, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà nhà nước là đại diện chủ sở hữu chính là một điều kiện cho sự công bằng xã hội. Song, một ông chủ tịch xã cũng là đại diện cho cơ quan nhà nước. Như vậy, nguy cơ lạm quyền vì lợi ích vị kỷ là luôn thường trực?

Đúng vậy, Nhà nước chỉ là một ý niệm về pháp lý, chính trị, còn thực tế người sở hữu quyền lực nhà nước lại là những cá nhân cụ thể, với đầy đủ sự vị kỷ của họ. Cho nên khi các cá nhân nắm trong tay quyền lực nhà nước thì sẽ luôn tồn tại nguy cơ lạm quyền để vụ lợi. Để giảm được nguy cơ lạm quyền vụ lợi thì cần có các biện pháp giám sát, phản biện, liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước, đó là vấn đề rất lớn.

Còn xét riêng trong việc thực thi chính sách đất đai ở nước ta hiện nay, để tránh các nguy cơ lạm quyền thì cần giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và sử dụng nhiều hơn động lực từ thị trường để điều chỉnh hành vi và các quan hệ giữa các chủ thể đất đai. Nghị quyết 18 đã chủ trương như thế mà điển hình nhất chính là bỏ khung giá đất, tính toán cách thức xác định giá đất tiệm cận với giá trên thị trường.

- Ông có nói chủ trương bỏ khung giá đất là một “đột phá khẩu”. Ông có thể phân tích rõ hơn?

Từ trước đến nay, giá đất chính thức ở nước ta do Nhà nước quyết định. Cụ thể, Chính phủ ban hành khung giá đất, có giá trị áp dụng trong 5 năm. Dựa vào đó, các chính quyền địa phương sẽ ban hành bảng giá đất (điều chỉnh hằng năm cho phù hợp với biến động thị trường). Khung giá đất sẽ chỉ được điều chỉnh khi giá đất trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa và giảm 20% trở xuống so với giá tối thiểu.

Như vậy, có thể thấy khung giá đất đã tạo ra một giới hạn tương đối chật hẹp cho việc định giá đất đai – thứ luôn dao động với biên độ lớn trên thị trường. Chính điều này đã tạo ra tình trạng chưa đảm bảo hài hòa lợi ích cho người bị thu hồi đất, bởi giá đất theo khung nhà nước ban hành thường chỉ bằng khoảng 30% - 40% giá thị trường. Bởi vậy, người bị thu hồi đất dù có được áp dụng mức giá cao nhất thì số tiền được đền bù vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc mua bán trên thị trường.

Bỏ khung giá đất và xây dựng các phương án định giá tiệm cận giá đất trên thị trường được kỳ vọng sẽ bảo đảm lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là nhóm xã hội yếu thế. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong hành trình xoá bỏ tình trạng chênh lệch giữa hai giá đất, giảm thiểu cơ hội trục lợi từ đất đai, giảm tình trạng thu hồi đất đai tuỳ tiện.

Song, việc bỏ khung giá đất cũng có mặt trái nhất định như: khiến việc thu hồi đất trở nên tốn chi phí nhiều hơn, có thể tác động nhất thời tới các kế hoạch xây dựng các dự án đầu tư công cũng như làm giảm sức cạnh tranh của nước ta trong mời gọi đầu tư. Mặt khác, nó đặt ra câu hỏi là việc xác định bảng giá đất ở các địa phương sẽ căn cứ vào đâu, theo phương pháp nào, áp dụng ra sao để phù hợp với bốn chữ “nguyên tắc thị trường”.

- Đó cũng chính là băn khoăn, chúng ta phải hiểu như thế nào về “nguyên tắc thị trường”, thưa ông?

Thị trường luôn biến động, lên xuống với biên độ rất lớn, nhất là trong thời kỳ xảy ra “sốt đất” như các năm 2020 – 2021, giá nhà đất có lúc đã vượt cả sự tưởng tượng của chúng ta. Cho nên “nguyên tắc thị trường” không nên hiểu là việc điều chỉnh giá đất bám sát theo diễn biến thị trường hay tham chiếu cả các hiện tượng dị biệt (ví dụ mức đấu giá đất tại Thủ Thiêm – TP.HCM) mà là tôn trọng các quy luật khách quan của thị trường, như quy luật Cung – Cầu, quy luật Giá trị.

Chúng ta không nên áp đặt ý chí chính trị hay mệnh lệnh hành chính đối với các giao dịch quyền sử dụng đất. Tôi cho rằng vấn đề xác định giá đất tại các địa phương như thế nào sẽ là câu chuyện lớn nhất sau khi Nghị quyết 18 được ban hành.

- Một “đột phá khẩu” khác trong Nghị quyết 18 là chủ trương áp dụng mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất. Thực tế, việc này đã được nói đến khá nhiều song chưa khi nào thành hiện thực, ấy là vì sao thưa ông?

Việc đánh thuế tài sản/thuế bất động sản đã nói hơn chục năm nay song chưa hiện thực hoá, chủ yếu vì một số lý do. Thứ nhất, chúng ta áp dụng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Vậy sẽ áp thuế thế nào đây với một loại tài sản sở hữu tập thể? Thứ hai, Việt Nam tôn trọng quyền tài sản, coi là bí mật cá nhân nên thông tin về tài sản, nhà đất gần như luôn được giữ kín. Thứ ba, nếu áp thuế nhà đất thì có thể khiến giá bất động sản tăng theo, dù đây mới chỉ là giả định.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng đã đến lúc chúng ta phải xem chuyện công khai, minh bạch về đất đai là bình thường và người có nhiều tài sản (đồng nghĩa với thu nhập cao) nên có trách nhiệm đóng nhiều thuế hơn. Chúng ta kỳ vọng việc áp thuế nhà đất sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ, thổi giá ảo rồi mua đi bán lại không dựa trên nhu cầu thực sự, đồng thời Nhà nước cũng có thêm nguồn thu cho ngân sách, cơ hội sở hữu nhà, đất cũng mở ra với nhiều người hơn trong xã hội.

- Vậy, theo ông, áp thuế với người có nhiều nhà đất có tạo ra công bằng, hài hòa lợi ích cho các chủ thể, hay mới chỉ tạo ra công bằng một bên (tức tăng thu ngân sách cho Nhà nước)?

Việc đánh thuế cao hơn trước hết sẽ có thể hạn chế đầu cơ và lãng phí đất đai, vì khi phải chịu chi phí lớn thì các hành vi (đầu cơ, để hoang) sẽ phải tự khắc điều chỉnh để tránh thiệt hại. Chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận một hệ quả nhất thời là các giao dịch trên thị trường bất động sản có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều được lợi cũng rất nhiều: nhà nước có thể từng bước ổn định giá, khuyến khích sử dụng hiệu quả đất đai, tăng thu ngân sách.

Rất khó để nói rằng việc áp thuế với những người có nhiều bất động sản thì có thúc đẩy công bằng xã hội hay không bởi điều này còn phụ thuộc vào cách thức sử dụng ngân sách của Nhà nước. Thực tế, các nguồn thu từ bất động sản có thể trở thành nguồn lực quan trọng để hỗ trợ các nhóm xã hội yếu thế (như công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị…) thông qua các chương trình như: y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, an sinh và phúc lợi xã hội…Và đây chính là một số chiều cạnh của công bằng xã hội trên thực tế.

- Kinh nghiệm quốc tế có giúp ông đưa ra gợi ý về sắc thuế này tại Việt Nam?

Nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế bất động sản dựa trên các chỉ tiêu như: số lượng, diện tích, giá trị, thời gian sở hữu bất động sản... Mức thuế đánh thường là lũy tiến theo các chỉ tiêu đó.

Kinh nghiệm quốc tế, tin rằng đã được Bộ Tài chính – cơ quan nhiều lần đề xuất sắc thuế này, nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi chỉ khuyến nghị về mặt phương pháp là cần lưu ý tới sự chênh lệch giá và khác biệt về điều kiện kinh tế - xã hội cũng như thu nhập của người dân ở các địa phương.

Chẳng hạn như người ở tỉnh Lai Châu có 4 bất động sản nhưng tổng giá trị của 4 bất động sản đó có thể không bằng 1 bất động sản tại Hà Nội. Gia đình có 10 thành viên thì khác với gia đình 2 thành viên dù cùng sở hữu 3 bất động sản…

Có nghĩa rằng bộ tiêu chí để xác định ngưỡng chịu thuế, mức thuế cần đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm trong xã hội chứ không nên đổ đồng. Có như vậy thì mới tạo ra sự hài hòa, tránh nảy sinh các xung đột và cũng tránh tình trạng một quy phạm pháp luật vừa ra đời ít lâu lại phải sửa chữa, bổ sung hoặc nặng hơn là bãi bỏ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội” về đất đai tại chuyên mục Xây dựng - Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713560727 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713560727 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10