Hãng xe Honda và Nissan của Nhật Bản tiến hành đàm phán để thực hiện các bước sáp nhập.
Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của ô tô điện giá rẻ từ Trung Quốc, từ Tesla, những hãng xe hơi truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản bị sụt giảm doanh số và gặp khó khăn về tài chính. Để tồn tại, họ buộc phải tụ lại để gom sức mạnh, tạo động lực với tham vọng lấy lại ngôi vị. Hãng xe Honda và Nissan của Nhật Bản thông báo vào ngày 23/12/2024 rằng hai bên tiến hành đàm phán để thực hiện các bước sát nhập.
Ít người để ý rằng, mặc dù là phương tiện chính để di chuyển của loài người, nhưng giá ô tô gần nửa thế kỷ nay không thay đổi nhiều. Tiền trượt giá và tính năng xe cũng như động cơ đã được cải tiến ưu việt hơn rất nhiều, chứng tỏ sự cạnh tranh về sản xuất xe hơi rất mạnh mẽ giữa các thương hiệu và quốc gia.
Sinh sau đẻ muộn nhưng Geely, Chery của Trung Quốc, Tesla của Mỹ lớn mạnh nhanh chóng, chiếm lĩnh thị phần của những thương hiệu truyền thống của Đức như Mercedes, BMW, của Nhật Bản như Toyota, Honda, Nissan, Subaru, Mazda… Các nhãn hiệu xe của Hàn Quốc như Hyundai, Kia cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nhiều dòng xe của Đức gần như phải đóng cửa nhà máy sản xuất (một phần cũng do giá khí đốt tăng quá cao).
Lộ trình sáp nhập sẽ kết thúc đàm phán vào tháng 6/2025 và lập liên doanh vào tháng 8/2025. Mục tiêu sau sát nhập là đạt doanh số bán hàng 30 nghìn tỉ Yên (khoảng 191 tỉ USD) và lợi nhuận ước đạt 3 nghìn tỉ Yên.
Thực tế, Nissan đang đứng trước bờ vực tan rã nếu không sát nhập. Thị trường Bắc Mỹ, truyền thống quen thuộc của Nissan, không còn sử dụng nhiều xe của hãng này như trước, cũng như ở thị trường Trung Quốc. Nội địa Nhật Bản thì dân số già hoá, sức mua giảm, và Nissan cũng không chen chân vào thị trường các nước khác ở châu Á.
Honda là thương hiệu ô tô lớn thứ hai Nhật Bản, xếp sau Toyota, với vốn hoá thị trường trị giá hơn 40 tỉ USD, trong khi Nissan đứng thứ ba với giá trị khoảng 10 tỉ USD. Nếu cả hai sát nhập, sẽ tạo ra hãng xe chế tạo ô tô lớn thứ ba trên thế giới.
Việc sáp nhập này đang thu hút sự chú ý của Mitsubishi Motors và khả năng gia nhập liên minh của hãng xe này để thành bộ ba Honda, Nissan, Mitsubishi là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Rõ ràng, việc không tập trung ưu tiên phát triển xe điện mà vẫn bảo thủ với dòng xe dùng nhiên liệu hoá thạch truyền thống đang khiến nhiều hãng xe của Nhật Bản, châu Âu gặp rất nhiều khó khăn. Họ phải cắt giảm nhân công do giảm doanh số bán hàng trong khi xe điện ngày càng được trang bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, hình thức và thiết kế đẹp mắt.
Nếu đã từng thử dòng xe điện cao cấp của Trung Quốc, với giá tiền cho phân khúc xe hạng C tầm trên một tỉ đồng, trải nghiệm về ghế ngồi, độ ồn, độ đầm và sự mạnh mẽ của động cơ còn vượt trội hơn hẳn Santafe, thậm chí hơn cả Mercedes dòng GLC.
Honda tuy không gặp phải khó khăn nhiều như Nissan với bộ máy lãnh đạo cũ, bảo thủ và sự can thiệp sâu vào chính sách chiến lược của công ty từ các cổ đông lớn, những người luôn không muốn mạo hiểm mà chỉ muốn giữ an toàn, nhưng Honda cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Họ không có công nghệ lõi mang tính đột phá về xe điện, một xu hướng tất yếu trong tương lai. Honda chưa bao giờ được đánh giá cao về kiểu dáng và thiết kế phục vụ người lái, người ngồi, mà chỉ có ưu điểm về tiết kiệm nhiên liệu và động cơ bền bỉ.
Liệu việc sát nhập có giúp cả hai lớn mạnh và vượt qua khủng hoảng, hay sẽ trở thành một thương vụ mạo hiểm nếu như Honda "ốc chưa mang nổi mình ốc"?
Việc tập trung phát triển xe điện và xe tự lái, cải tiến mẫu xe hybrid và xe chạy bằng nhiên liệu hydrogen của Honda bị đánh giá là xuất phát chậm. Trong khi đối thủ đã âm thầm nghiên cứu và vượt lên, Honda chỉ công bố chuyển hướng mạnh mẽ sang xe điện từ năm 2021, trong khi các hãng xe điện của Mỹ và Trung Quốc đã tràn ngập thị trường.
Nissan có bề dày lịch sử và phát triển hơn cả Honda khi thành lập từ năm 1933, là hãng xe sản xuất rất nhiều xe quân sự cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ II. Xu hướng phát triển xe điện được Nissan phát triển sớm hơn cả Honda, khi vào giai đoạn 2010, mẫu xe Nissan Leaf đã trở thành mẫu xe điện bán chạy trên thế giới. Liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi đã một lần giúp Nissan thoát hiểm. Liệu liên minh với Honda lần này có đảm bảo thành công?
Chắc chắn với thông tin này, giá cổ phiếu của Nissan sẽ tăng cao, đồng nghĩa với việc Honda phải mua lại cổ phần của Nissan với giá cao hơn. Vì vậy, có thể coi đây là một nước đi khá mạo hiểm của Honda. Nếu thành công, nền công nghiệp xe hơi Nhật Bản một lần nữa khẳng định được vị thế của mình. Còn nếu không, việc thương hiệu hãng xe này biến mất chỉ còn là vấn đề thời gian.