Hải Phòng: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái

HẢI NGÂN 14/09/2023 01:45

Việc phát triển KCN sinh thái trên thực tế gặp không ít thách thức, nhất là đối với những KCN chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống.

>>>Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út

Đó là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tại hội thảo trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển KCN sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia do BQL KKT Hải Phòng phối hợp Ban Quản lý Dự án "Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu" (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây.

Còn nhiều lực cản

Việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái được cho là sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động

Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động

Ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, Hải Phòng có 14 KCN đang hoạt động, thu hút 688 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 36,32 tỷ USD, bao gồm 473 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,39 tỷ USD và 216 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 13,93 tỷ USD. Các KCN trên địa bàn TP Hải Phòng đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của TP Hải Phòng.

Tuy nhiên, theo ông Hải, việc xây dựng các KCN sinh thái chưa theo kịp với yêu cầu trong khi đây là mô hình, là xu thế phát triển tất yếu. Hiện 14 KCN đã được thành lập trên địa bàn TP Hải Phòng đều được triển khai theo mô hình KCN tổng hợp chứ chưa có tiêu chuẩn KCN sinh thái.

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển KCN sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia vừa được tổ chức mới đây tại Hải Phòng

Hội thảo trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển KCN sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia vừa được tổ chức mới đây tại Hải Phòng

Đồng quan điểm trên, theo ông Kustanto Heru - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công nghiệp Indonesia), việc phát triển KCN sinh thái trên thực tế gặp không ít thách thức, nhất là đối với những KCN chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống.

“So với KCN sinh thái được thiết kế từ đầu thì các KCN chuyển đổi đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn để thay đổi hạ tầng hoạt động, chuyển đổi toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo đảm được các tiêu chí xanh, phải nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên cùng hệ thống KCN để tạo ra chuỗi hoạt động kinh tế tuần hoàn”, ông Kustanto Heru cho biết.

Mặt khác, cơ chế giám sát, quản lý KCN sinh thái cũng đòi hỏi phải có tính bao quát để thúc đẩy và bảo đảm nhà đầu tư thực hiện các tiêu chí sản xuất, vận hành KCN theo hướng sinh thái như đã cam kết như: tối ưu việc xử lý rác thải, sử dụng năng lượng sạch, các yếu tố “đầu ra” phải thực sự thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cách thức thuận tiện để nhà đầu tư KCN sinh thái chứng minh được hiệu quả trong hoạt động theo hướng sinh thái để được chứng nhận là KCN sinh thái và hưởng ưu đãi... cũng là những thách thức thực tế trong quá trình vận hành một số KCN sinh thái tại Indonesia.

Đề xuất được hỗ trợ

Mới đây, tại buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm và chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái giữa Việt Nam và Indonesia, BQL KKT Hải Phòng đã đề nghị Ban quản lý Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” và đoàn công tác Indonesia góp ý, hỗ trợ để Hải Phòng định hướng xây dựng các KCN sinh thái. Phía đại diện các ngành, đơn vị, nhà đầu tư Indonesia đã đánh giá cao kết quả xây dựng, phát triển các KCN của Hải Phòng và những cố gắng trong xây dựng các KCN sinh thái. Đồng thời, trao đổi nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các KCN sinh thái, nhất là cơ chế, chính sách ưu đãi, việc xử lý chất thải trong KCN.

Được biết, Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1,821 triệu USD do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024 tại 5 tỉnh/thành phố, gồm: TP HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng; cụ thể tại các khu công nghiệp: Hiệp Phước, Amata - Biên Hoà, Đình Vũ (DEEP C), Hoà Khánh và Trà Nóc 1 và 2.  Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Đến nay, khoảng 295/612 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn được đề xuất cho 37/68 doanh nghiệp và 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp KCN, giữa KCN và đô thị tại các KCN Đình Vũ - DEEP C (Hải Phòng), Hiệp Phước (TP HCM) và AMATA (Đồng Nai), đem lại tiềm năng tiết kiệm điện 4,4 triệu KWh/năm, tiết kiệm nước 20,8 nghìn m3/năm, dự kiến giúp tiết kiệm 800 ngàn USD/năm và giảm phát thải 87 nghìn tấn CO2 tương đương/năm, góp phần tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực tại KCN và khu đô thị hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ và Công an quận Hải An ký kết thỏa thuận hợp tác cộng sinh công nghiệp-đô thị

Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ và Công an quận Hải An ký kết thỏa thuận hợp tác cộng sinh công nghiệp-đô thị

Liên quan đến phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng, hiện địa phương này đang thử nghiệm 2 mô hình chuyển đổi các mô hình từ mô hình KCN tổng hợp sang KCN tại KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền, để đáp ứng yêu cầu mới về sinh thái, tiêu dùng xanh, sản xuất xanh của các thị trường mà chúng ta đang xuất khẩu sản phẩm sang.

“Nghị định số 35 của Chính phủ thay thế cho Nghị định 82 trước đây đã có những quy định rất rõ ràng về KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, trình tự thủ tục như thế nào để công nhận là KCN sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ khác để ban hành thông tư về tiêu chuẩn cụ thể như thế nào là một KCN sinh thái. Hiện, phía TP Hải Phòng cũng đang hướng dẫn KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để được công nhận là KCN sinh thái trong thời gian tới”, ông Hải cho biết thêm.

>>>Hải Phòng: Nghiên cứu thành lập khu kinh tế ven biển thứ hai

Theo đại diện Tổ hợp KCN DEEP C, phát triển KCN sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo hướng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, DEEP C mong muốn được chính quyền Trung ương và địa phương hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân và thiết lập khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ. Đặc biệt có các hướng dẫn và chính sách nhằm tạo điều kiện cho các KCN có thể thực hiện các sáng kiến phát triển năng lượng tái tạo một cách thuận lợi.

“Để gắn mục tiêu chuyển đổi năng lượng với các mục tiêu khác trong chiến lược phát triển bền vững, mô hình phát triển KCN sinh thái cần phải được quan tâm và hỗ trợ về khung pháp lý để hiện thực hóa các sáng kiến, xóa bỏ các rào cản trong quá trình thực hiện. Để kêu gọi được sự tham gia của các KCN, cần phải xem xét các chính sách và ưu đãi hỗ trợ khả thi hơn cho mô hình KCN sinh thái”, đại diện Tổ hợp KCN DEEP C cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út

    Hải Phòng: Thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út

    01:02, 13/09/2023

  • Hải Phòng: Tạo sức bật cho sản xuất công nghiệp

    Hải Phòng: Tạo sức bật cho sản xuất công nghiệp

    22:08, 12/09/2023

  • Hải Phòng: Nghiên cứu thành lập khu kinh tế ven biển thứ hai

    Hải Phòng: Nghiên cứu thành lập khu kinh tế ven biển thứ hai

    13:07, 12/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO