Chuyển đổi số không chỉ là yếu tố thúc đẩy kinh tế số mà còn là khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh tại TP Hải Phòng.
Nằm trong tốp 10 bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Theo đó, TP Hải Phòng đã vươn lên đứng vị trí thứ 8 cả nước trong xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.
Cụ thể, chính quyền số xếp hạng 28 (0,7684) bằng xếp hạng năm 2022. Kinh tế số xếp hạng 9 (0,7793) tăng 3 bậc so năm 2022. Xã hội số xếp hạng 10 (0,7383) tăng 11 bậc so năm 2022. Trước đó, năm 2022, TP Hải Phòng xếp thứ 14 cả nước về chỉ số DTI cấp tỉnh.
Được biết, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số quốc gia (DTI) được ban hành lần đầu tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông. DTI là công cụ quan trọng giúp theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, qua đó, đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhân rộng những điển hình, cách làm hiệu quả.
Sau gần ba năm triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cập nhật Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số quốc gia mới để phù hợp với xu hướng thế giới và thực tiễn triển khai tại Việt Nam với 3 cấp: Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số cấp Bộ và chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia. Trong đó, DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. DTI với các chỉ số chính như: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng; hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số; cùng nhiều chỉ số thành phần… giúp đánh giá toàn diện mức độ chuyển đổi số.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, kết quả này đã phản ánh quyết tâm, nỗ lực của TP Hải Phòng trong quá trình thực hiện Chuyển đổi số quốc gia, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh
Từ kết quả trong bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh đã cho thấy quá trình Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại TP Hải Phòng.
Thực tế, thời gian qua, TP Hải Phòng luôn xác định chuyển đổi số không chỉ là yếu tố thúc đẩy kinh tế số mà còn là khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh của thành phố. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, chuyển đổi số xanh là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, cảng biển, du lịch và y tế.
Chỉ riêng trong năm 2024, TP Hải Phòng xác định thực hiện 81 nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi số với kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 400 tỷ đồng. Đặc biệt, mới đây, địa phương này đã khai trương Dự án chính quyền số Hải Phòng, chính thức công bố đưa vào vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung, tạo nền tảng thúc phát triển kinh tế số, xã hội số tại TP Hải Phòng.
Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “TP Hải Phòng xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố. Đồng thời, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo. Thời gian vừa rồi, đặc biệt sau 2 năm thực hiện kế hoạch Nghị quyết 03, chúng ta đã tập trung vào việc số hoá và tạo lập dữ liệu. Các ngành liên tục vừa số hoá, xây dựng các phương án thu thập tạo ra số liệu chuyên ngành. Như vậy, chúng ta cần có một hệ thống để kết nối các số liệu đó lại với nhau thì mới tạo được sức mạnh tổng hợp. Đầu tiên là xây dựng một kho dữ liệu dùng chung của thành phố để tất cả các sở, ngành rồi tiến tới các doanh nghiệp, người dân cùng được sử dụng. Qua đó, các doanh nghiệp, người dân được tái sử dụng các dữ liệu đã có, không cần thiết phải nhập lại các dữ liệu nữa”.
Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Chính vì vậy, thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết 57-NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các Chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Bên cạnh đó, năm 2025, TP Hải Phòng sẽ có cơ chế đột phá thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, phát triển kinh tế số, phấn đấu đến 2030 chiếm tỷ trọng 40% GRDP thành phố.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA cho biết, “VINASA và các doanh nghiệp công nghệ số hội viên sẵn sàng đồng hành cùng Hải Phòng cho những bước chuyển đổi tiếp theo về số về xanh và những lĩnh vực công nghệ mới tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn”.