Việc triển khai DDCI để thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các đơn vị, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch tại TP Hải Phòng.
Nhiều điểm mới
Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường kinh doanh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Là một trong những cực tăng trưởng của cả nước, TP Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Một trong những sáng kiến và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của TP Hải Phòng chính là triển khai khảo sát DDCI Hải Phòng nhằm đánh giá chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành và quận, huyện thông qua cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Năm 2024 là năm thứ 5 liên tiếp địa phương này thực hiện đánh giá chỉ số DDCI thông qua đơn vị tư vấn độc lập. Cục Thống kê thành phố thực hiện khảo sát, điều tra thông qua mạng lưới các điều tra viên. Việc tiến hành khảo sát, đánh giá DDCI được nghiên cứu khoa học, thực hiện minh bạch, khách quan, với sự giám sát của một cơ quan hoàn toàn độc lập.
Năm 2024, DDCI Hải Phòng có 5 điểm mới. Đó là, điều chỉnh phạm vi khảo sát, điều tra. Mở rộng thu thập dữ liệu về đối tượng cơ sở sản xuất kinh doanh trong khảo sát. Cải tiến và hoàn thiện chỉ số thành phần. Bổ sung câu hỏi về ảnh hưởng của bão Yagi. Tách vai trò thực hiện giám sát quá trình khảo sát DDCI.
Đáng chú ý trong các điểm mới đó là trong quá trình nghiên cứu phương pháp luận PCI 2021 và thực tế rút kinh nghiệm triển khai thực hiện DDCI giai đoạn 2020-2023, Bộ chỉ số DDCI năm 2024 của TP Hải Phòng đã bổ sung thêm chỉ số "Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững" gồm 3 tiêu chí nhưng không đưa vào tính điểm ở các sở, ban, ngành và địa phương. Cụ thể, theo xu thế hiện tại về phát triển xanh bền vững, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, đồng thời VCCI đã xây dựng và công bố chỉ số xanh PGI năm 2023, để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chỉ số xanh, đơn vị tư vấn đã đề xuất bổ sung chỉ số thành phần trong phiếu khảo sát về chỉ số xanh mang tính chất thí điểm để cung cấp thê thông tin. Chỉ số thành phần này không đưa vào tính điểm nhưng sẽ cung cấp một khía cạnh chi tiết về chỉ só xanh tại TP Hải Phòng và được phân tích trong một phần báo cáo DDCI Hải Phòng.
Theo UBND TP Hải Phòng, kết quả DDCI Hải Phòng năm 2024 được đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ công tác khảo sát, điều tra 2.507 phiếu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố với 70,4% phiếu khảo sát trực tuyến, 29,6% phiếu khảo sát trực tiếp. Trong đó, 851 phiếu DDCI địa phương, 1.656 phiếu DDCI sở ban ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, việc triển khai DDCI để thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tại thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại TP Hải Phòng. Tiếp nối chủ đề của các năm trước, DDCI Hải Phòng năm 2024 với chủ để “Hải Phòng - Tăng tốc và bứt phá” tiếp tục thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ và sự quyết tâm của TP Hải Phòng trong năm 2024, 2025 để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Trong Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 03/06/2020 của UBND TP. Hải Phòng về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 đã nhấn mạnh các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu “Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”. Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 25/12/2020 của Ban Chấp hàng Đảng bộ TP Hải Phòng thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã nêu mục tiêu “Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phấn đấu Hải Phòng luôn là một trong 10 địa phương đạt thứ hạng cao nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”. Do vậy, DDCI chính là công cụ hữu hiệu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại TP Hải Phòng.
Theo kết quả khảo sát, điểm số DDCI trung bình chung cấp sở, ban, ngành đạt 75,15 điểm, giảm 1,44 điểm so với năm 2023, đạt mức khá, trong đó có 21 cơ quan đạt mức điểm khá. Điểm số DDCI trung bình chung cấp địa phương đạt 80,80 điểm, giảm 2,64 điểm so với năm 2023, đạt mức tốt, trong đó có 1 cơ quan đạt mức điểm rất tốt, 8 cơ quan đạt mức điểm tốt, 5 cơ quan đạt mức điểm khá.
Cụ thể, tại bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành của TP Hải Phòng năm 2024, đứng đầu là Cục Thuế TP Hải Phòng với 78,35 điểm. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng xếp thứ hai với 77,99 điểm. Xếp thứ ba, tư, năm lần lượt là Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao, Công an thành phố.
Đối với kết quả điểm số, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp địa phương, đứng đầu là UBND quận Hồng Bàng với 90,01 điểm. UBND quận Ngô Quyền xếp thứ hai với 89,44 điểm. Xếp thứ ba, tư, năm lần lượt là UBND huyện Thủy Nguyên, UBND quận Hải An, UBND huyện Tiên Lãng.
Theo ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, TP Hải Phòng ghi nhận sự nỗ lực trong năm qua của các sở, ban, ngành địa phương tích cực bám đuổi nhau trên bảng xếp hạng, điểm số về Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2024. Đặc biệt là các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên giữ vững top 3 địa phương đứng đầu cả về Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số cạnh tranh. Đồng thời, mong muốn các đơn vị, địa phương còn lại quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng, rút ngắn khoảng cách trong thời gian tới.
Được biết, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại TP Hải Phòng, thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, phát triển năng lực cán bộ công chức, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, tăng cường các biện pháp hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp, đẩy mạnh công khai minh bạch thông tin, xây dựng cơ chế phản hồi và giám sát
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, đơn vị đề xuất tiếp tục tăng cường liên kết giữa các sở, ban, ngành và địa phương để tránh chồng chéo trong thực thi chính sách và thủ tục hành chính. Triển khai cơ chế đánh giá định kỳ về hiệu quả phối hợp, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các cơ quan hành chính, tạo điều kiện cho việc xử lý thủ tục hành chính trực tuyến hiệu quả hơn. Đồng thời, xây dựng hệ thống hỗ trợ trực tuyến như chatbot hoặc hotline giải đáp 24/7, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xử lý nhanh các thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính...
Ông Nguyễn Trung Tuyên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ phát triển công nghiệp Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng CDS chia sẻ, việc tạo lập môi trường thông tin thuận lợi, lành mạnh, trung thực sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin làm cơ sở cho việc đầu tư kinh doanh. Phía doanh nghiệp mong muốn, thời gian tới, TP Hải Phòng sẽ triển khai bộ chỉ số DDCI tới nhiều đối tượng hơn nữa. Qua đó, làm cơ sở để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng”.