Đây là mong muốn của cử tri Hải Phòng trong buổi tiếp xúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng nay 21/11 tại huyện An Lão.
“Là thành phố có số thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước, có vị trí quan trọng trong sự phát triển vùng và cả nước, cử tri rất mong muốn thành phố Hải Phòng cũng sẽ một số cơ chế đặc thù để phát triển thành phố như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” - ông Trần Văn Hùng– nguyên Chủ tịch UBND huyện An Lão, nguyên phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng nói.
Về kiến nghị này, Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã thảo luận và có Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị chương trình hành động của Chính phủ và một số cơ chế, tạo nền tảng quan trọng cho Hải Phòng phát triển giai đoạn tới. “Thậm chí chúng tôi nghiên cứu đến vấn đề chính quyền đô thị của Hải Phòng như thế nào, có vận dụng nên như một số thành phố khác hay những cơ chế đặc thù nào để Hải Phòng có thể thành một thành phố động lực cho đất nước, thành phố phát triển ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thành phố có tên tuổi ở khu vực Đông Nam Á”. “Về các cơ chế và nội dung chương trình hành động như thế nào thì chúng tôi sẽ xem xét ban hành thấu tình đạt lý, cân đối các mặt của nước ta, trong đó có nghiên cứu các đặc điểm của Hải Phòng” – Thủ tướng nói.
Ngoài ra, các cử tri huyện An Lão đã đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí vốn triển khai thực hiện dự án nâng cấp sông Đa Độ - nơi cấp 40% lượng nước sinh hoạt cho người dân thành phố, bổ sung các hạng mục thu gom, xử lý nước thải tại các làng nghề, khu dân cư, các cụm công nghiệp xả thải vào sông Đa Độ.
Thủ tướng cho biết, công trình này đã được thành phố đề nghị, được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, là một trong những dự án được quan tâm. “Cái gì chống ô nhiễm, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân thì bằng ngân sách của Trung ương hoặc địa phương, chúng tôi sẽ xem xét cái này”, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra lại mức độ cấp bách của dự án để có hướng xử lý mà cử tri nêu.
Cử tri vẫn băn khoăn, dù thiên tai liên tiếp xảy ra có nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng cực đoan của thời tiết mấy năm gần đây thì vẫn có nguyên nhân xuất phát từ con người, đó là: Tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ, khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra ở một số địa phương mà báo chí đã đưa tin trong thời gian vừa qua. Cử tri mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cần có các biện pháp quyết liệt trước mắt cũng như dài hạn để chỉ đạo giải quyết tình trạng trên.
Giải đáp ý kiến này, Thủ tướng nêu rõ, cùng với thiên tai còn có nhân tai, tác động của con người đến tự nhiên. Hiện tượng lũ lụt vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là mưa bão với tần suất lớn, kèo dài liên tục nhiều ngày, trên địa hình dốc đứng như ở miền Trung. Nhưng cũng cần xem xét đến trách nhiệm, tác động của con người trong vấn đề này. Thủ tướng đặt vấn đề, phải tiếp tục phát triển rừng ở mỗi vùng, miền của Tổ quốc, nhất là những vùng hứng chịu nhiều thiên tai thì càng phải chú ý đến môi trường tự nhiên. Thủ tướng nhắc lại phát biểu trước Quốc hội đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, tương đương với 5 triệu ha rừng. Với số dân gần 100 triệu người thì mỗi người trồng 2 cây một năm, “chưa phải là nhiều”. Làm chương trình này rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội. Cho rằng việc sạt lở ở các dòng sông có trách nhiệm của hành vi khai thác cát trái phép, Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng khai thác gỗ, cát, khai thác rừng trái phép… phải tiếp tục được chấn chỉnh, xử lý.
Trả lời kiến nghị của cử tri Đoàn Văn Tân (xã Bát Trang) về tình hình dịch bệnh những năm gần đây luôn tiềm ẩn, thường xuyên đe dọa. Bên cạnh đó sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp, các nhà đầu tư do lợi nhuận thấp và tính rủi ro cao…Để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm ban hành, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất như chính sách về đất đai, vốn, giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.
Thủ tướng cho biết, phải tiếp tục xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam, nhất là đại gia súc, gia cầm để xuất khẩu. Đây là một lĩnh vực quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Thủ tướng mong muốn TP. Hải Phòng quan tâm chỉ đạo phát triển lĩnh vực này để có những trang trại lớn, cung cấp thực phẩm cho thị trường trong nước, cho Thủ đô Hà Nội và cả xuất khẩu.
Sau khi giải đáp các vấn đề cử tri quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số kết quả về tình hình kinh tế - xã hội cả nước thời gian qua. Đó là khống chế được đại dịch COVID-19 mà nhiều người nhìn nhận là một kỳ tích Việt Nam và giữ được tốc độ tăng trưởng dương. Đây cũng là thành tích Thủ tướng đã tự hào phát biểu về kết quả này tại Hội nghị Cấp cao APEC ngày 20/11.
“Từ miền xuôi đến miền núi, từ thành phố đến nông thôn, từ vùng thiên tai cho đến đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chúng ta giảm xuống 3% khi vào đầu nhiệm kỳ là 7-8% và cách đây mấy chục năm lên đến 60%. Cuộc sống thay đổi nhanh lắm. Ít có nhà nào của thành phố Hải Phòng hay ở vùng quê nào mà không có điện thoại di động, có rất ít nhà không có ti vi. “Chúng ta không có ước mơ nào khác hơn là nâng cao mức sống của người dân cả về vật chất và tinh thần. Chúng ta thực hiện điều đó trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, nhất là trong bối cảnh khó khăn năm 2020 này” - Thủ tướng nói.
Sau khi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ Khởi công Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo đường 359 đoạn từ xã Thủy Triều đến đường trục giao thông Khu đô thị và công nghiệp bến Rừng, huyện Thủy Nguyên.
Đây là dự án hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, nâng cao năng lực hạ tầng và an toàn giao thông, kết nối Hải Phòng với Quảng Ninh.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1,1 nghìn tỷ đồng đồng do UBND huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư, nguồn ngân sách thành phố cấp.
Dự án có quy mô xây dựng gồm 2 hợp phần: Hợp phần xây dựng đường tỉnh 359, xây dựng 5.076m đường phố chính đô thị thứ yếu với vận tốc thiết kế: 60km/h, (trong đó, đoạn 1 qua xã Thủy Triều và Ngũ Lão dài 3.975m, quy mô mặt cắt ngang: 31.5m; đoạn 2 qua xã Tam Hưng, dài 1.101m, quy mô mặt cắt ngang: 23m) và Hợp phần xây dựng khu Tái định cư, xây dựng đường vào khu tái định cư dài 720m với quy mô mặt cắt ngang: 24,75m (bao gồm cả cầu qua kênh Hòn Ngọc), xây dựng hạ tầng gồm: san lấp mặt bằng; hệ thống đường giao thông nội bộ, hè đường, cây xanh; hệ thống thoát nước mưa, nước thải; hệ thống cấp điện dân dụng, điện chiếu sáng...
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, sau khi hoàn thành, cùng với cầu Bến Rừng sắp được triển khai xây dựng, tuyến đường 359 sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc tại khu vực, nâng cao tính kết nối đồng bộ giữa trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên và kết nối với tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển du lịch và tiếp tục mở ra cơ hội khai thác quỹ đất để phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường.
Có thể bạn quan tâm
Vụ doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu: Thủ tướng yêu cầu TP Hải Phòng kiểm tra
11:00, 20/11/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển
09:51, 16/11/2020
Hải Phòng: Dự án đường Lạch Tray - Hồ Đông hơn 10 năm vẫn nằm trên giấy
07:40, 18/11/2020
Hải Phòng: Xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất bảng mạch điện tử 200 triệu USD
07:52, 14/11/2020
Hải Phòng: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
12:00, 13/11/2020