Hải Phòng: Doanh nghiệp phải dừng tàu vì thuyền viên không được cách ly

TRUNG THÀNH 19/05/2021 16:06

Không thay được thuyền viên, tàu TLC 01 phải dừng chạy để chờ phán quyết.

Công ty TNHH vận tải biển Tuấn Long (Công ty Tuấn Long) có trụ sở tại Hải Phòng vừa gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng, UBND thành phố Hải Phòng để giải quyết việc cho 2 thuyền viên của tàu TLC 01 được đi cách ly tập trung sau khi đã nhập cảnh vào Hải Phòng từ 12/5.

Tàu TLC 01 phải neo tại cảng đề chờ quyết định từ UBND thành phố Hải Phòng

Tàu TLC 01 phải neo tại cảng đề chờ quyết định từ UBND thành phố Hải Phòng

Doanh nghiệp "dở khóc" với quy định

Theo đó, tàu TLC 01 của Công ty Tuấn Long rời cảng Songkhla (Thái Lan) ngày 07/5/2021 về Việt Nam. Trong thời gian tại cảng Thái Lan, thuyền viên tàu TLC 01 không tiếp xúc với người địa phương và thực hiện đầy đủ các trang bị phòng dịch COVID-19. Ngày 12/5/2021, tàu TLC 01 về tới cảng Hải Phòng và được Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế thực hiện kiểm tra y tế toàn bộ thuyền viên trên tàu, không phát hiện có Covid-19. Sau đó, tàu được xử lý y tế và cập cảng Transvina an toàn.

Theo kế hoạch thay người, tàu TLC 01 có 02 thuyền viên là thuyền trưởng Đặng Văn Bình và thủy thủ Hoàng Văn Tư hết hạn hợp đồng sẽ rời tàu. Trong đó thuyền trưởng Bình đã làm việc từ ngày 04/10/2019, đến ngày 04/10/2020 đã hết thời hạn Hợp đồng lao động theo quy định của công ước lao động hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Công ty Tuấn Long không thể thay thế được thuyền viên tại các cảng nên đã gia hạn hợp đồng lao động từ 02/10/2020 tới ngày 02/3/2021 và đến thời điểm hiện tại đã quá thời hạn hợp đồng lao động với thuyền viên.

Do thời gian làm việc quá lâu trên tàu (19 tháng trên tàu) và do dịch bệnh, thuyền viên không thể lên bờ để khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe dẫn tới sức khỏe thuyền viên sa sút, mệt mỏi có biểu hiện trầm cảm, tình thần không ổn định. Theo đại diện chủ tàu, thuyền trưởng Bình có biểu hiện đau đầu, mất ngủ và hay ngất xỉu. Thậm chí hay to tiếng, căng thẳng với các thuyền viên khác.

“Hiện nay tình thần của các thuyền viên khác trên tàu rất hoản sợ, lo lắng cho sinh mạng có thể bị đe dọa bởi những hành động mất kiểm soát mà thuyền trưởng có thể gây ra. Về phía chủ tàu, công ty chúng tôi cũng lo ngại rằng ở một trạng thái mất kiểm soát, bằng cách nào đó thuyền viên có thể gây ra tại nạn cho con tàu khi hành trình dẫn tới thiệt hại lớn về tài sản cũng như nhân mạng của 19 thuyền viên khác trên tàu” – ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng thuyền viên Công ty TNHH vận tải biển Tuấn Long cho biết.

Không được lên bờ cách ly, 2 thuyền viên

Không được lên bờ cách ly, 2 thuyền viên "vật vờ" ngoài bến cảng

Trường hợp thứ hai là thủy thủ Hoàng Văn Tư. Thuyền viên này được ký hợp đồng làm việc trên tàu từ tháng 6/2020 tới nay cũng đã hết thời hạn hợp đồng lao động. Thuyền viên này đã nhiều lần liên hệ với công ty để xin nghỉ việc vì tâm lý không ổn định, thường xuyên chống đối và gây gổ với các thuyền viên khác. Ban chỉ huy tàu đã nhiều lần đề nghị công ty thay đổi thuyền viên này nhưng do dịch bệnh nên công ty chưa thể thay thế được thuyền viên này.

“Dịp về Việt Nam này là điều kiện thích hợp nhất để thay 2 thuyền viên trên bởi kế hoạch khai thác của tàu chạy tuyến nước ngoài nên sau khi rời cảng Hải Phòng dự kiến 6 tháng sau mới quay trở lại cảng biển Việt Nam trong khi tình hình sức khỏe của thuyền viên trên không đảm bảo để làm việc trên tàu. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ chúng tôi cho thuyền viên nêu trên được rời tàu về điều trị y tế khẩn cấp kể cả thực hiện cách ly tập trung theo quy định để tránh các tai nạn đáng tiếc cũng như bảo vệ sinh mạng cho các thuyền viên khác. Chúng tôi cam đoan rằng mọi chi phí cho việc điều trị, cách ly của thuyền viên trên chúng tôi sẽ thanh toán đầy đủ theo quy định” – Công văn của Công ty Tuấn Long nhấn mạnh.

Trước kiến nghị của Công ty Tuấn Long, sáng 18/5 Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng: Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế, Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng, Sở Ngoại vụ cùng đại diện chủ tàu và gia đình thuyền viên để bàn biện pháp tháo gỡ. Các ngành chức năng đều thống nhất rằng các thuyền viên trên đã nhập cảnh vào Việt Nam rồi thì đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hải Phòng cho được rời tàu để cách ly y tế tập trung theo quy định theo nguyện vọng của gia đình và chủ tàu TLC 01. Chiều cùng ngày, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Hải Phòng, Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng, Trung tâm y tế dự phòng,… bố trí sắp xếp cách ly tập trung 02 thuyền viên trên tại địa điểm cách ly là Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng, thời gian cách ly 21 ngày.

Vì sao thuyền viên không được cách ly tập trung?

Trao đổi vởi PV Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Phạm Thu Xanh – nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, Tổ trưởng tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hải Phòng cho biết, về nguyên tắc 02 thuyền viên nói trên không được nhập cảnh vì theo Công văn 893/VP-QHQT ngày 29/4/2021 của văn phòng Chính phủ về việc tạm dừng nhập cảnh đối với toàn bộ các trường hợp xin nhập cảnh từ các quốc gia Ấn Độ, Thái Lan, Camphuchia, Lào đến hết 30/5/2021.

“Tuy nhiên, trường hợp 02 thuyền viên nói trên đang có biểu hiện trầm cảm, tinh thần không ổn định, phá phách, gây gổ,… chúng tôi đề nghị UBND thành phố xem xét để đưa đi cách ly y tế tập trung” – Bà Xanh nói.

Điều đáng nói là 2 thuyền viên trên đã được các cơ quan chức năng cho phép nhập cảnh và đã hoàn tất thủ tục nhập cảnh sau khi đã được kiểm tra y tế và thực hiện các quy định về phòng dịch. Vậy mà họ lại không được rời tàu. Được biết chiều 18/5, Trung tâm kiểm dịch đã cử bác sĩ đến tàu kiểm tra tình trạng sức khỏe của 2 thuyền viên trên và nhận định là bị trầm cảm giai đoạn 1 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định nào cho phép 2 thuyền viên trên đi khám bệnh hoặc đi cách ly tập trung trong khi tàu chưa thể rời cảng.

Thiệt hại do tàu nằm bờ không khai thác được là không hề nhỏ song vấn đề sức khỏe, tinh thần của thuyền viên là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Vợ của thuyền viên Bình cũng bày tỏ rất lo ngại cho sức khỏe của chồng: “Anh ấy gọi điện về nhà rất bức xúc, hay cáu gắt vô lý rồi kêu đau đầu, đau bụng, muốn phát điên. Tôi mong các cơ quan sớm giải quyết cho chồng tôi được lên bờ đi khám bệnh”, chị Trịnh Thị Thục nói.

Được biết, đã từng có trường hợp thuyền viên bị khủng hoảng tinh thần tự nhảy xuống biển hoặc mới đây là thắt cổ tự tử trong khu cách ly.

Theo lịch trình tàu TLC 01 sẽ phải rời cảng Hải Phòng từ 18 giờ hôm qua (18/8) để thực hiện các hợp đồng vận tải hàng hóa đi quốc tế. Tuy nhiên, do "số phận" 02 thuyền viên chưa được quyết định nên lãnh đạo Công ty Tuấn Long chưa thể cho tàu chạy. "Mỗi giờ tàu chết như vậy, doanh nghiệp phải mất chi phí cả trăm triệu đồng" - đại diện một hãng tàu cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Đưa Hải Phòng thành trung tâm gom hàng

    Đưa Hải Phòng thành trung tâm gom hàng

    01:00, 17/05/2021

  • Hải Phòng: Vượt sóng lớn chuyển mình vươn xa

    Hải Phòng: Vượt sóng lớn chuyển mình vươn xa

    01:06, 13/05/2021

  • Hải Phòng: Hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế

    Hải Phòng: Hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm logistics quốc tế

    14:15, 13/05/2021

  • Hải Phòng: Thêm dự án 2 bến cảng container số 3, 4

    Hải Phòng: Thêm dự án 2 bến cảng container số 3, 4

    13:46, 12/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Doanh nghiệp phải dừng tàu vì thuyền viên không được cách ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO