Huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng đang nỗ lực khôi phục các trò chơi dân gian độc đáo, trong đó có trò chơi pháo đất. Qua đó, đưa pháo đất “vượt” khỏi lũy tre làng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
>>>Chính thức hợp long cây cầu kết nối liên vùng Hải Phòng – Quảng Ninh
“Pháo nổ, pháo nang, cả làng nghe thấy” - câu đồng dao quen thuộc của những đứa trẻ hát trong trò chơi pháo đất ngày xưa đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người dân quê lúa Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Đối với bà con nơi đây, pháo đất không chỉ là trò chơi dân gian, mà đã trở thành là nét văn hóa độc đáo giúp cho họ có được những phút giây thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.
Độc đáo tiếng pháo đất trên quê lúa
Về huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng những ngày cuối năm Âm lịch, mặc dù thời tiết giá lạnh, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều nhóm trẻ con, thanh niên, trung niên rủ nhau ra đồng lựa đất đẹp về để dành dùng làm pháo đất đánh chơi dịp Tết đến, Xuân về.
Tương truyền, trò chơi pháo đất ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng có từ xa xưa, khi quân lính của nữ tướng Lê Chân dùng tiếng pháo để dọa giặc. Sau này, người dân tại các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo đã học cách làm pháo đất để đánh chơi tại các lễ hội đầu xuân. Đặc biệt, vào thời khắc tiễn năm cũ, đón năm mới, tiếng pháo đất được tin tưởng xua đi điềm gở, đón sự may mắn, tốt lành.
Theo ông Lê Văn Ứng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, cứ lúc rảnh rỗi hay nông nhàn không kể trai gái, già trẻ trên địa bàn lại cùng nhau chọn đất ngoài ruộng, dưới sông nặn thành những quả pháo đất, từ nhỏ bằng lòng bàn tay, đến lớn cỡ vanh nong, nia, để đánh chơi.
Mỗi năm một lần, hàng tổng nơi đây lại tổ chức hội thi đánh pháo đất giữa các làng, các hội chơi với nhau. Để giữ gìn nét văn hoá truyền thống và tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn cho người dân cũng như thu hút khách du lịch, từ năm 2011 đến nay, năm nào UBND xã Tân Liên cũng tổ chức hội thi pháo đất vào thời điểm thích hợp.
“Hội thi pháo đất thu hút hàng nghìn người dân địa phương, du khách trong và ngoài TP Hải Phòng đến tham dự. Sau lễ hội, rất nhiều du khách tìm về với mong muốn được xem đánh pháo đất, được trải nghiệm làm pháo và đánh pháo”, ông Ứng cho biết thêm.
Được biết, không chỉ xã Tân Liên, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo vẫn duy trì có trò chơi dân gian đánh pháo đất. Ở mỗi địa phương lại có loại pháo đất đặc trưng riêng như: pháo thuyền không xương, pháo đơn, pháo tép hay pháo thuyền có xương.
Theo ông Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, vượt khỏi lũy tre làng, pháo đất Vĩnh Bảo nổi tiếng và được biết đến khắp trong và ngoài thành phố. Cùng với tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xem trò múa rối cạn Bảo Hà (xã Đồng Minh), múa rối nước Nhân Hòa, nhiều khách du lịch tìm về Vĩnh Bảo để thỏa ước nguyện được xem đánh pháo đất, trải nghiệm làm và tự tay đánh pháo đất.
Xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Huyện Vĩnh Bảo đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 2,5 triệu lượt du khách so với 1,2 triệu lượt du khách năm 2022 và sẽ đón 3,5 triệu lượt du khách vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND huyện Vĩnh Bảo đề ra nhiều giải pháp, bao gồm khôi phục các di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi dân gian độc đáo, tiêu biểu, qua đó xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn.
Đối với trò chơi dân gian pháo đất, địa phương dự kiến mỗi năm tổ chức hội thi cấp huyện một lần vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tuyên truyền, có cơ chế ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành đưa khách du lịch về tham quan, trải nghiệm, lưu trú tại huyện.
Theo ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, địa phương thường xuyên tổ chức hội thi pháo đất giữa các xã trong huyện để kích cầu du lịch cũng như giữ gìn nét văn hóa truyền thống quý giá của quê hương. Sau khi Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Múa rối nước Nhân Hòa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính quyền huyện Vĩnh Bảo nghiên cứu, xem xét thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với trò chơi đánh pháo đất truyền thống của quê hương.
Còn theo ông Nguyễn Nam Phương - Phó Giám đốc Vietravel Hải Phòng: “Những màn gieo pháo xoay tròn trên không trung như đưa người xem ngược về tuổi thơ bình dị, an nhiên. Trò chơi pháo đất tại huyện Vĩnh Bảo không những làm phong phú thêm các kho tàng trò chơi dân gian mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tôi hy vọng trong tương lai trò chơi dân gian pháo đất sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch. Qua đó, góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo cũng như phát triển kinh tế địa phương”.
Có thể bạn quan tâm