Hải Phòng chính thức giảm từ 11 xuống còn 6 điểm thu phí hạ tầng cảng biển nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách hành chính và thanh toán không dùng tiền mặt.
Đây cũng là giải pháp nhằm ứng phó với dịch COVID-19 tác động tới kinh tế và thu ngân sách của TP Hải Phòng.
Năm 2020 dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hải Phòng là hơn 98.000 tỷ đồng. Trong đó riêng số thu nội địa là 33.000 tỷ đồng, tăng gần 6000 tỷ đồng so với số thực thu của năm 2019. Có thể nói số thu nội địa hơn 27.000 tỷ đồng năm 2019 là thành tích chưa từng có nhưng trước mắt con số 33.000 tỷ đồng thu trong năm 2020 là một thách thức không hề nhỏ vì dư địa tăng thu ngày càng ít đi.
Theo đó, 5 điểm thu phí dừng hoạt động là điểm thu số 4 (tòa nhà Lê Phạm - số 508 Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, TP. Hải Phòng); điểm thu số 7 (tầng 1, Khách sạn Dầu Khí - số 441 Đà Nẵng, Ngô Quyền); điểm thu số 8 (tầng 2, tòa nhà Nam Phát, Km 105 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hải An); điểm thu số 11 (tầng 1, tòa nhà Cảng Hải An – đường 356, quận Hải An); điểm thu số 16 (Văn phòng Cảng container quốc tế Hải Phòng, huyện Cát Hải).
Theo Sở Tài chính Hải Phòng, việc sắp xếp này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và thu phí hạ tầng cảng biển qua Cổng thanh toán điện tử hải quan của thành phố, từ 6/1. Đồng thời, đây cũng được xem là giải pháp nhằm ứng phó với dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách của thành phố năm nay.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Hải Phòng, tạm nhập tái xuất… ký ủy quyền trích nợ tài khoản với Ngân hàng TMCP ngoại thương (Vietcombank) có thể nộp phí cảng biển qua Cổng thanh toán điện tử Hải quan theo phương thức 24/7.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, TP Hải Phòng đã phối hợp với Tổng cục Hải quan bổ sung phương thức nộp phí cảng biển vào Cổng thanh toán điện tử hải quan.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng hoàn thành việc nâng cấp và kết nối với Cổng thanh toán điện tử hải quan. Ngoài trường hợp thực hiện tại Vietcombank, khi có thêm ngân hàng mới sẵn sàng kết nối để thực hiện việc thực hiện thu, nộp phí, UBND TP Hải Phòng tiếp tục thông báo cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.
Hải Phòng là địa phương tiên phong trong việc thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển. Khi tiến hành áp dụng loại phí này, Hải Phòng gặp phải phản ứng của rất nhiều doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, việc thu phí dịch vụ cảng biển được Hải Phòng thực hiện khá "trơn tru”. Đây cũng chính là mô hình để nhiều địa phương có cảng biển học tập kinh nghiệm khi chỉ ngay trong năm đầu tiên (2017) nguồn thu phí này đã mang lại cho ngân sách Hải Phòng hơn 1.500 tỷ đồng, năm 2018 đạt gần 2.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 17/12/2019
05:00, 29/11/2019
10:05, 14/11/2018
07:14, 12/12/2017
Ngày 1/1/2017, UBND thành phố Hải Phòng đã triển khai Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND, ngày 13/12/2016 của HĐND thành phố Hải Phòng về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Trong đó có nêu rõ mức phí áp dụng đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan thu 2,2 triệu đồng/container 20 feet hàng khô và 4,4 triệu đồng/container 40 feet hàng khô, 2,3 triệu đồng/container 20 feet hàng lạnh và 4,8 triệu đồng/container 40 feet hàng lạnh, 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời...
Từ ngày 01/01/2018, thành phố Hải Phòng đã điều chỉnh mức thu này. Cụ thể, mức thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu là hàng lỏng, hàng rời được điều chỉnh giảm từ 20.000 đồng/tấn xuống còn 16.000 đồng/tấn (giảm 20%).