Hải Phòng vẫn còn 2.080 căn nhà tự quản đang trong tình trạng "treo", chưa được chuyển giao và quản lý đúng quy định.
Đây không chỉ là một thách thức trong việc quản lý tài sản công mà còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng nghìn hộ đang sinh sống tại các căn nhà này.
Vướng mắc từ lịch sử
Nhà ở xuống cấp, nhưng không thể xin cấp giấy phép xây dựng, cải tạo là tình cảnh của nhiều hộ dân tại khu tập thể 208, phường Hồng Bàng. Ông Lê Công Đông – phường Hồng Bàng cho biết, khu tập thể 208 được Công ty CP Vận tải thủy số 4 xây dựng từ năm 1970, có tổng diện tích hơn 22,73 nghìn m2 với 273 hộ dân. Hiện, khu tập thể này có 66 căn nhà xuống cấp, nhiều hộ muốn sửa chữa, xây mới nhưng không được cấp phép.
Được biết, từ năm 2009, Công ty CP Vận tải thủy số 4 đã có văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng bàn giao quỹ nhà tập thể 208 về địa phương quản lý. Nhưng đến nay, việc bàn giao quỹ nhà này chưa hoàn thành do hồ sơ quản lý quỹ nhà chưa đầy đủ nên không thể bàn giao.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng TP Hải Phòng, tổng cộng có 5.092 căn nhà tự quản do các cơ quan, tổ chức xây dựng cho cán bộ, công nhân viên được xây dựng trên địa bàn Hải Phòng. Trong số đó, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và quản lý 3.012 căn, đưa vào diện cho thuê hoặc bán thanh lý. Tuy nhiên, 2.080 căn còn lại vẫn đang trong tình trạng "treo", chưa được chuyển giao và quản lý đúng quy định.
Quá trình hình thành quỹ nhà tự quản này có nguồn gốc từ giai đoạn 1960 – 1975, khi nhiều cơ quan, đơn vị tại các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng, Kiến An, Hải An, Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên đã xây dựng nhà ở để phân phối cho cán bộ, nhân viên. Sau đó, quỹ nhà này đáng lẽ phải được bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà (đại diện cho UBND TP Hải Phòng) quản lý.
Tuy nhiên, thực tế lại có sự khác biệt rất lớn giữa hồ sơ và hiện trạng. Mặc dù có tới 42 quyết định bàn giao nhà ở tự quản với tổng số 9.281 căn hộ, nhưng qua kiểm tra thực tế, con số này chỉ còn khoảng 5.092 căn. Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà mới chỉ quản lý được 3.012 căn, bỏ lại 2.080 căn chưa được tiếp nhận. Trong số này, có 1.586 căn đã có quyết định thanh lý, 42 căn được sử dụng vào mục đích khác, và 452 căn đã được các hộ tự sửa chữa, cải tạo.
Nguyên nhân của tình trạng này khá phức tạp. Nhiều căn nhà tự quản ban đầu được xây dựng tạm bợ, đến thời điểm rà soát đã không còn tồn tại. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị chủ quản quỹ nhà không hợp tác trong việc chuyển giao, hoặc đã giải thể, phá sản, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, hoặc thậm chí đã chuyển địa bàn hoạt động.
Một vấn đề khác đến từ phía người dân. Nhiều hộ đang sử dụng nhà tự quản cho rằng họ đã trả tiền xây dựng nhà thông qua việc trừ vào lương, hoặc nhà đã được cơ quan chủ quản thanh lý từ trước. Thậm chí, nhiều hộ đã tự phá dỡ nhà cũ để xây dựng, cải tạo nhà mới, dẫn đến việc họ không đồng thuận với việc đưa quỹ nhà này vào diện Nhà nước quản lý để ký hợp đồng thuê nhà hoặc thực hiện thủ tục thanh lý.
"Gỡ khó" quỹ nhà tự quản
Sở Xây dựng TP Hải Phòng nhận định, phần lớn quỹ nhà ở tự quản, dù đã được bàn giao hay chưa, đều là nhà cũ, đã xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có cả nhà nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm nhất, cần di dời khẩn cấp). Việc chưa thiết lập được quyền quản lý khiến thành phố không thể thực hiện các quyền như cho thuê, bán nhà thuộc tài sản công cho người dân, dẫn đến việc người dân không thể thực hiện việc cải tạo, sửa chữa nhà đúng quy định.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Xây dựng TP Hải Phòng đã đề xuất phân loại nhà ở tự quản thành 3 nhóm để tiếp nhận và quản lý. Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị còn hoạt động và có nhà ở tự quản, các đơn vị này phải gửi hồ sơ đề nghị bàn giao về Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà để tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng, trình UBND thành phố tiếp nhận. Trường hợp đơn vị đã giải thể, phá sản, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp sẽ là đơn vị bàn giao.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nhà ở tự quản nhưng không còn cơ quan quản lý, UBND xã, phường nơi có nhà tự quản sẽ có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất UBND thành phố tiếp nhận. Sở Xây dựng sẽ chủ trì cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà thực hiện đo vẽ thực tế để tiếp nhận, bàn giao và quản lý.
Đối với các trường hợp cơ quan, đơn vị quản lý nhà ở tự quản không hợp tác trong việc lập hồ sơ bàn giao, UBND cấp xã nơi có nhà ở tự quản sẽ lập biên bản làm việc với cơ quan, đơn vị đó để xử lý như trường hợp nhà ở không còn cơ quan quản lý, nhằm giúp thành phố Hải Phòng thực hiện việc tiếp nhận bàn giao.
Hải Phòng cũng đặc biệt lưu ý đến các trường hợp nhà ở tự quản có tranh chấp, khiếu kiện. Việc tiếp nhận sẽ phải ghi rõ nội dung trong biên bản bàn giao, tiếp nhận. Đồng thời, thành phố sẽ không thực hiện chuyển giao, tiếp nhận nhà ở tự quản trong các trường hợp chưa có đủ điều kiện, ví dụ như nhà ở tự quản nằm trong khu vực cơ quan, đơn vị tự quản mà không có lối đi riêng biệt, hoặc nhà ở đang có tranh chấp, khiếu kiện.
Theo ông Phạm Văn Đoan - Chủ tịch UBND phường Hồng Bàng, trên địa bàn phường có 10 khu nhà ở tự quản được các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, phân phối hoặc thanh lý cho cán bộ, công nhân viên sử dụng. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát cụ thể, phường sẽ hướng dẫn đơn vị tự quản, người dân thực hiện các thủ tục để bàn giao khu nhà đất trên về địa phương hoặc Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà theo quy định.