Hải Phòng hiện đang áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên, việc ứng dụng quá trình này còn gặp nhiều khó khăn.
>>>Hải Phòng: Tiếp tục “khơi thông” dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp
Những vướng mắc
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đối với Hải Phòng, thành phố trực thuộc Trung ương có công nghiệp và dịch vụ phát triển nhưng khu vực nông thôn chiếm 83,8% diện tích tự nhiên, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 45,76% diện tích tự nhiên; dân số khu vực nông thôn chiếm 54,41% dân số thành phố năm 2020; lao động khu vực nông thôn vẫn là chủ yếu, chiếm 58,85% lao động toàn thành phố. Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là 1 trong 3 trục quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, quá trình này còn gặp nhiều khó khăn như mô hình sản xuất thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng công nghệ; thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định, bất cập trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế.
Theo đại diện công ty TNHH Công nghệ Hipotech cho biết: Hiện tại chúng ta đang gặp rào cản về việc chuyển giao công nghệ cho những doanh nghiệp chăn nuôi hay những hộ làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, người sản xuất tiếp cận với những công nghệ còn gặp nhiều khó khăn.
>>>Hải Phòng: Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp đi đầu trong cả nước
Còn theo đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, hiện nay, người sản xuất tiếp cận công nghệ còn gặp khó. Lý do có lẽ là việc đầu tư rất cao và giá thành sản phẩm chưa được đáp ứng theo nguyện vọng của người sản xuất. Vì vậy, trong tương lai gần, các bộ, ban, ngành, TP Hải Phòng cần có định hướng, hỗ trợ cho người sản xuất áp dụng công nghệ cao”.
Đang được tháo gỡ
Định hướng của TP Hải Phòng là chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu. Do vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian qua luôn được các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức doanh nghiệp và các hộ sản xuất nông nghiệp quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Quảng - Trưởng Phòng Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng cho biết: “Chúng ta phải tranh thủ định hướng chung là tận dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để thúc đẩy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa máy móc, cơ giới hoá, đưa chuyển đổi số vào hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cũng đã thực hiện rất nhiều giải pháp. Đó là hỗ trợ, hướng dẫn dồn điền đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất để đưa cơ giới hoá, khoa học công nghệ vào; quy hoạch lại vùng sản xuất; xây dựng và triển khai cơ chế chính sách mà Trung ương đã ban hành áp dụng vào TP Hải Phòng. Đồng thời, xây dựng những chính sách mới để hỗ trợ cho hộ sản xuất nông nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết, tham gia vào sàn thương mại điện tử, ứng dụng cơ giới hoá để nâng cao năng suất chất lượng...”.
Theo bà Phạm Thị Sen Quỳnh – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, thời gian qua, phía đơn vị tham mưu cho TP Hải Phòng ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và phục vụ xây dựng nông thôn mới; tổ chức kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, ngành khoa học công nghệ chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, phiên kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển và các đơn vị trong nước đến với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực tham mưu thành phố lựa chọn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ thuật phù hợp để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp địa phương.
Thực tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo,… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp các hộ kinh doanh chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Được biết, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổ chức Hội thảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Sen Quỳnh, hội thảo nhằm mục đích cung cấp các thông tin, định hướng chính sách về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trao đổi các giải pháp khoa học công nghệ nhằm khai thác và phát triển lĩnh vực phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế vùng miền, địa phương; tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Còn theo đại diện Công ty CP Nông nghiệp và Thương mại quốc tế, việc tham gia các buổi hội thảo về khoa học công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận những công nghệ mới như chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Phía doanh nghiệp mong các đơn vị quản lý khoa học công nghệ sẽ có thêm nhiều buổi giao lưu, tập huấn, tuyên truyền những giải pháp công nghệ hơn nữa tới các cơ sở sản xuất.
Có thể bạn quan tâm