Với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn, Sở Công Thương vừa tổ chức “Lớp tập huấn chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào thị trường ASEAN”.
>>>Hải Phòng: Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, thời gian qua quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng của Việt Nam đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Đó là sự tham gia của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đến nay, 15 Hiệp định đã có hiệu lực, 01 Hiệp định đã chính thức ký kết chờ hiệu lực và 03 Hiệp định đang trong quá trình đàm phán, nền kinh tế vĩ mô phát triển vững chắc, ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Sở Công Thương: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là Hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối.
Trong đó, Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện ATIGA từ năm 1996. Về cách thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ATIGA hiện được thực hiện theo hai cơ chế, đó là cấp C/O và tự chứng nhận xuất xứ. Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là thương nhân tự thực hiện khai báo xuất xứ của hàng hóa thay cho việc tổ chức có thẩm quyền thực hiện cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế; tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nhân lực, chủ động thời gian so với cơ chế truyền thống đề nghị tổ chức có thẩm quyền cấp C/O. Từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được các quốc gia phát triển trên thế giới áp dụng rộng rãi trong những năm gần đây.
Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết thêm, để song hành cùng các Hiệp hội và doanh nghiệp thành phố trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt những ưu đãi do các Hiệp định thương mại đem lại.
Thời gian tới, Sở Công Thương dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ cho doanh nghiệp về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để đáp ứng điều kiện quy định về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hiện nay.
Theo số liệu thống kê, tại Hải Phòng, 9 tháng đầu năm 2023 một số chỉ tiêu cơ bản về lĩnh vực công thương của thành phố vẫn đạt được những kết quả nhất định, tổng kim ngạch xuất khẩu: Ước đạt 20,97 tỷ USD, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 67,63% kế hoạch năm; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19,33 tỷ USD, giảm 2,04% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 64,45% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 144.518,2 tỷ đồng, đạt 73,78% kế hoạch năm; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,7% so với năm 2022…
Do vậy, việc hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ và vận dụng những ưu đãi do các Hiệp định thương mại đem lại trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.
Trước đó, với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Vụ Chính sách thương mại Đa Biên (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tình hình thực thi EVFTA-Thực trạng và giải pháp tận dụng hiệu quả”.
Theo ông Trần Đình Thăng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt cho biết, Công ty có chức năng hoạt động trong các lĩnh vực, như: Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khai khoáng, xây dựng; máy móc, thiết bị điện, vật liệu điện, máy phát điện, động cơ điện, dây điện, thiết bị khác dùng trong mạch điện, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh...
Theo một số doanh nghiệp XNK chia sẻ: Từ khi hiệp định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA góp phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, đồng thời thức đẩy thương mại đầu tư EU vào thị trường Việt Nam cũng như vào thị trường thành phố cảng Hải Phòng. Giày dép là 1 ngành xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, nên cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng là rất lớn; các doanh nghiệp được vào trong một sân chơi có nhiều cơ hội làm ăn rất lớn.
Ông Ngô Minh Phương, Phó giám đốc Công ty TNHH Việt Trường cũng cho biết, Công ty hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực: Xây dựng công trình đường sắt, công trình điện, công trình thủy, công trình khai khoáng, vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương, bán buôn, xuất khẩu thuỷ sản thực phẩm... Từ khi EVFTA đi vào hiện thực, Việt Trường đã tận dụng cơ hội và tăng kế hoạch xuất khẩu lên trên 30 triệu đôla, và đẩy tốc xuất khẩu tăng trên 150 % so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, dù Hiệp định EVFTA đã gắn với hoạt động của doanh nghiệp và đi vào thực tế, tình hình xuất nhập khẩu đã cải thiện rõ rệt nhưng kim ngạch thị trường EU vẫn chưa được cao, mặt hàng chủ yếu vẫn dừng lại là gia công.
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng được nghe đại diện các cơ quan quản lý liên quan thông tin đến các vấn đề về: tình hình triển khai chỉ đạo của Chính phủ đối với việc giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các khoản tín dụng để tận dụng các FTA của Việt Nam; chính sách thu hút đầu tư; kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; tình hình thực hiện các hoạt động tạo thuận lợi thương mại trong lĩnh vực Hải quan... cũng như quan tâm tháo gỡ khó khăn, các điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp xuất khẩu và có thêm phương cách làm ăn tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm