Cảng biển Hải Phòng được quy hoạch 5 khu với khoảng 70 - 74 bến cảng, đảm bảo đến năm 2030 thông quan được hơn 215 triệu tấn hàng hoá và 22.800 lượt khách mỗi năm.
Thủ tướng Chính Phủ đã có quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng khu vực nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống cảng biển Hải Phòng được quy hoạch thành 5 khu bến cảng, gồm: khu bến Lạch Huyện, khu bến Đình Vũ, khu bến sông Cấm - Phà Rừng, khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc và khu bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ cùng các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hoá.
Được quy hoạch tối đa tới 74 bến
Theo quy hoạch, khu bến Đình Vũ được quy hoạch 15 bến cảng (gồm 35 cầu cảng), đáp ứng nhu cầu thông qua 80 triệu tấn hàng hoá/năm. Khu bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ được quy hoạch 2 cầu cảng nhằm đáp ứng nhu cầu thông qua 100.000 - 200.000 tấn/năm.
Khu bến Lạch Huyện được quy hoạch là cảng hàng hoá và cảng hành khách lớn nhất trong hệ thống cảng biển Hải Phòng với 13 - 16 bến cảng (gồm 14 - 18 cầu cảng). Các bến cảng khu bến Lạch Huyện có công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu thông qua từ 61,4 - 90 triệu tấn hàng hoá/năm, vận chuyển từ 10.500 - 11.000 lượt hành khách/năm. Đến năm 2050, khu bến này có quy mô mở rộng tới 20 bến cảng container.
Khu bến sông Cấm - Phà Rừng không phát triển, mở rộng mà từng bước di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng hiện hữu từ khu vực cầu Bạch Đằng đến hạ lưu cảng Vật Cách với lộ trình phù hợp quy hoạch phát triển TP Hải Phòng và tiến trình đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu bến Văn Úc.
Khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, tại khu vực Nam Đồ Sơn có 2 bến khởi động đáp ứng nhu cầu thông qua từ 10 - 12 triệu tấn hàng hoá/năm, vận chuyển từ 9.900 - 11.800 lượt hành khách/năm. Khu vực sông Văn Úc được phát triển đồng bộ với tiến trình di dời các bến cảng trong sông Cấm và lộ trình đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liền kề.
Khu vực bến sông Cấm - Phà Rừng, Văn Úc được quy hoạch từ 38 - 39 bến cảng (gồm 49 - 54 cầu cảng), các bến cảng này đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hoá từ 23,7 - 32,6 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, theo quy hoạch chi tiết, tại các khu vực trên sông Bạch Đằng, sông Cấm, khu vịnh Lan Hạ, Hòn Dấu, Bến Gót, Ninh Tiếp, Lạch Huyện và một số khu vực khác được xây dựng khu neo đậu tránh, trú báo cho các phương tiện thuỷ hoạt động trên vùng nước cảng biển Hải Phòng.
Cùng với hệ thống bến cảng được quy hoạch, tại khu vực cảng Hải Phòng sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng công cộng như đầu tư xây dựng luồng sông Văn Úc - Nam Đồ Sơn và hệ thống đê (giai đoạn khởi động cảng Nam Đồ Sơn), nâng cấp mở rộng luồng hàng hải kênh Hà Nam, đoạn luồng Lạch Huyện (bao gồm vùng quay tàu). Đối với các dự án phát triển bến cảng biển, ưu tiên đầu tư, đưa vào khai thác từ bến số 3 đến bến cảng số 8 tại khu bến Lạch Huyện.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh, để sẵn sàng khai thác bến 3 và 4, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, từ giữa tháng 11/2024, Cảng Hải Phòng đã phối hợp đơn vị cung cấp thiết bị của Nhật Bản tiến hành vận chuyển, lắp đặt, hiệu chỉnh 6 cẩu bốc xếp container STS và 24 cẩu bánh lốp RTG phục vụ xếp dỡ container tại bến 3, 4. Đây đều là thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và 100% sử dụng năng lượng điện để bảo đảm môi trường, phát triển cảng xanh.
Bên cạnh đó, Cảng Hải Phòng cond ký kết thỏa thuận hợp tác về việc khai thác tàu lai Azimuth tại khu vực Lạch Huyện với Công ty CP hàng hải Tân cảng miền Bắc để sẵn sàng việc khai thác, đón tàu cỡ lớn vào làm hàng tại bến 3, 4. Cũng như phối hợp Liên danh TSB Hàn Quốc tổ chức khóa đào tạo “Vận hành sử dụng phần mềm CATOS và EPORT” phục vụ vận hành, khai thác tại bến số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện với mục tiêu đạt công suất khai thác cảng ở mức 1,1 triệu Teu/năm và sẵn sàng mở rộng đến 2 triệu TEU/năm.
Vươn ra biển lớn
Với quy hoạch sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 215,5 triệu tấn/năm, cảng biển Hải Phòng cùng với cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu (236,9 triệu tấn/năm) và cảng biển TP Hồ Chí Minh (253 triệu tấn/năm) trở thành 3 cảng biển có lượng hàng hoá thông qua lớn nhất cả nước.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 5 nhóm, cảng biển Hải Phòng nằm trong nhóm cảng số 1, bao gồm cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định và cảng biển Ninh Bình.
Cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô lớn, chức năng là cửa ngõ ra biển của khu vực kinh tế phía Bắc và khu vực kinh tế phía Nam nên được phân loại là cảng biển đặc biệt.
Nghị quyết số 45 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị đều xác định Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại với hạt nhân là cảng biển cửa ngõ quốc tế. Việc Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển được phê duyệt là cơ hội để Hải Phòng tiếp tục phát huy lợi thế lớn về tiềm năng, vị trí hướng biển, mở rộng không gian phát triển. Đây cũng là cơ sở để Hải Phòng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 2 bến khởi động khu bến cảng Nam Đồ Sơn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2026, triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác trước năm 2030 như mục tiêu đề ra.
Được biết, Cảng Hải Phòng đang gấp rút chạy đua với thời gian để đưa bến 5, 6 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện vào khai thác ngay trong quý I/2025. Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Hateco Hải Phòng cho biết, 5 cẩu STS và 14 cẩu RTG hiện đại và lớn nhất hiện nay được Hateco vận hành, lắp đặt thành công tại bến. Đặc biệt, cẩu STS của Hateco có tầm với làm hàng đến 24 hàng container (tương đương với cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay). Đây là bước tiến mới về đầu tư nâng cấp thiết bị chuyên dụng trong chiến lược phát triển của cảng nhằm nâng cao năng lực xếp dỡ, gia tăng hiệu quả chuỗi dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa không ngừng tăng qua khu vực cảng biển Hải Phòng.
Theo ông Bùi Nguyên Khôi - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, năm 2024, lần đầu, khu vực cảng biển Hải Phòng đạt sản lượng hàng thông qua hơn 100 triệu tấn (106 triệu tấn), tăng hơn 10% so với năm 2023. Tuyến luồng hàng hải Hải Phòng trở nên sôi động, nhộn nhịp nhất cả nước, với hơn 17 nghìn lượt tàu, thuyền ra, vào cảng làm hàng. Kết quả ấn tượng trên là cơ sở để Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đặt ra mục tiêu cao trong năm 2025, với hơn 115 triệu tấn hàng thông qua.
Cảng biển Hải Phòng ngày thêm sôi động khi các bến số 7, 8 đang thực hiện các thủ tục liên quan để chuẩn bị khởi công dự án. Tương lai không xa, Hải Phòng sẽ có 2 cảng trung chuyển quốc tế là Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn.