Kết thúc 6 tháng đầu năm 2025, Hải Phòng (mới) ghi nhận kết quả thu ngân sách ấn tượng, tạo đà vững chắc cho một tương lai phát triển đầy hứa hẹn.
Với tổng thu ngân sách đạt hơn 96.800 tỷ đồng, con số này không chỉ thể hiện sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế địa phương mà còn khẳng định tiềm năng trở thành cực tăng trưởng hàng đầu khu vực.
Kết quả thu ấn tượng
Tổng kết hai quý đầu năm 2025, TP Hải Phòng mới thu ngân sách đạt hơn 96.800 tỷ đồng. Đóng góp vào con số ấn tượng này, Hải Phòng (cũ) đã thu về khoảng 77.319 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt hơn 38.000 tỷ đồng và thu nội địa ước đạt hơn 38.647 tỷ đồng, tăng 29,4%. Không kém cạnh, Hải Dương, mảnh ghép mới của Hải Phòng cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc với tổng thu ngân sách ước đạt trên 19.500 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, thu nội địa tại Hải Dương đạt 17.313 tỷ đồng, tăng tới 38%, cho thấy nội lực kinh tế của Hải Dương đã được phát huy mạnh mẽ.
Những con số này là minh chứng rõ ràng cho thấy nền kinh tế của cả Hải Phòng (cũ) và Hải Dương đều duy trì đà tăng trưởng tốt trước khi sáp nhập. Hải Phòng (cũ) ghi nhận GRDP ước tăng 11,2%, IIP ước tăng 15,2%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 108 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 17,6 tỷ USD và lượng khách du lịch đạt hơn 5,2 triệu lượt. Tương tự, Hải Dương đạt GRDP ước tăng 11,46%, với sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai địa phương đều vượt mức trung bình cả nước, tạo nên một "bước xuất phát đặc biệt thuận lợi" cho TP Hải Phòng mới.
Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc Hải Phòng (mới) đạt mức thu ngân sách như trên trong 6 tháng đầu năm 2025 là một thành quả đáng tự hào, thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của cả 2 địa phương. Các khoản thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và thuế thu nhập cá nhân đều đạt mức cao, chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh tại cả hai địa phương đều rất thuận lợi.
Tiềm năng bứt phá trong 6 tháng cuối năm
Với nền tảng vững chắc từ hai quý đầu năm, triển vọng thu ngân sách và phát triển kinh tế của Hải Phòng (mới) trong 6 tháng cuối năm 2025 có thể nói là vô cùng lạc quan. Sự kiện sáp nhập không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo ra những cơ hội mới để tối ưu hóa nguồn lực và phát huy lợi thế của từng địa phương.
Năm 2024, kinh tế của TP Hải Phòng (cũ) đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng với mức tăng trưởng 11,01%, còn Hải Dương đạt 10,2% ở vị trí thứ ba. 6 tháng đầu năm 2025, Hải Dương đạt mức tăng trưởng 11,46%, đứng thứ hai cả nước, còn Hải Phòng (cũ) đạt 11,2%, đứng thứ ba cả nước.
10 năm qua, TP Hải Phòng (cũ) liên tục giữ mức tăng trưởng kinh tế 2 con số. Tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm gần 80% cơ cấu kinh tế. Tỷ suất đầu tư của các dự án tại Hải Phòng (cũ) đạt 12 triệu USD/dự án, gấp 3 lần mức trung bình cả nước. Trong khi đó, Hải Dương, với kinh nghiệm 30 năm thu hút FDI và các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, sẽ tiếp tục là "miền đất hứa" cho các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của toàn thành phố.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Hải Dương và TP Hải Phòng, đến năm 2030, TP Hải Phòng sẽ là thành phố cảng biển lớn, trung tâm dịch vụ logistics hiện đại, trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Đồng thời, TP Hải Phòng sẽ đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số, trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Còn Hải Dương sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc… Như vậy, Hải Phòng (mới) có đầy đủ tiềm năng để tiếp tục giữ vững và thậm chí nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng ông Lê Tiến Châu khẳng định, chính quyền hai cấp sẽ là động lực để Hải Phòng tăng tốc, hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước.
TP Hải Phòng (mới) gồm 114 đơn vị hành chính xã, phường và đặc khu, bắt đầu một trang sử mới với vị thế, tầm vóc và khát vọng phát triển mới. Chặng đường phía trước sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội để hiện thực hóa khát vọng về một Hải Phòng (mới), phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu của châu Á, trở thành một thành phố cảng biển quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa – ông châu nhấn mạnh.
Hiện Hải Phòng (mới) đang tiếp tục tập trung hoàn thiện hồ sơ dự thảo về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, triển khai Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển nhà ở xã hội và các dự án giao thông trọng điểm. Những động thái này sẽ tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, thu hút thêm các dự án lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, logistics và dịch vụ biển.