Nhân ngày Môi trường thế giới 5/6, chúng tôi có dịp đến Khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền và có cuộc trò chuyện thú vị với ông Phạm Hồng Điệp Chủ tịch KCN.
KCN Nam Cầu Kiền có cách nhìn đầu tư khá bền vững, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cộng sinh gắn kết và xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ, phủ nhiều cây xanh đem lại một không gian hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp trong KCN.
-Thưa ông, sự phát triển của các khu công nghiệp trên thế giới cũng như tại Việt Nam thường đi kèm với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Khi quyết định đầu tư vào KCN Nam Cầu Kiền, ông cũng sẽ bước vào vòng xoáy đó, ông có biện pháp gì để khắc phục vết xe đã cũ ...
Đúng. Đó là vấn đề thực tiễn xảy ra ở rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nhưng với tôi không như vậy, tôi biết điều này và luôn nghĩ cách để khắc phục nó.
Khi chúng tôi bắt đầu đền bù giải phóng mặt bằng, tôi quan sát và thấy cần phải giải bài toán thu nhập cho người nông dân bị thu hồi đất cho dự án. Tôi luôn đặt câu hỏi và phải trả lời, làm sao cho người nông dân phải sống cộng sinh với khu công nghiệp, họ cũng sẽ phải giàu lên cùng với sự phát triển công nghiệp.
Chúng tôi đã vào từng hộ dân khảo sát nhân khẩu, tập quán sinh hoạt, tập quán canh tác và mức thu nhập bình quân đầu người, trình độ học vấn để từ đó truyền dẫn kiến thức, truyền dẫn thông tin, hướng dẫn cho bà con nông dân cách dùng vốn đầu tư cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm cho khu công nghiệp, làm tăng thu nhập sống cộng sinh với khu công nghiệp. Tiếp đó là đánh giá tác động môi trường, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ công nghệ của các nhà đầu tư, tuân thủ đúng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước phê duyệt, xây dựng bộ quy tắc ứng xử để bảo vệ môi trường ...
Tóm lại, phải học rất nhiều kiến thức quản trị KCN của các nước trên thế giới và quản trị môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu ... từ đó tôi đã có sáng kiến lập thành đề tài ứng dụng thực tiễn xây dựng khu công nghiệp sinh thái an sinh xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường ...
- Việc nghĩ đến một khu công nghiệp xanh thì dễ nhưng bắt tay vào làm thì chắc hẳn không phải là câu chuyện đơn giản, thưa ông?
Khi làm lên thành quả rồi thì chắc chắn cũng còn nhiều thiếu sót và rất nhiều việc phải làm do biến động thời gian, do vận động của sự phát triển, do ý thức của các nhà đầu tư, do ý thức của từng cán bộ công nhân sinh hoạt và làm việc trong khu công nghiệp chứ không phải chỉ do ý chí chủ quan của nhà đầu tư...
Chúng tôi phải vận động quần chúng nhân dân quanh khu công nghiệp để ai cũng có ý thức và thấy được việc làm của khu công nghiệp là tạo ra sự thành công cho chính mọi người sống quanh khu công nghiệp, vận động các nhà đầu tư tạo cảnh quan, chấp hành nghiêm các quy định về quy hoach hạ tầng, quy hoạch nghành nghề, kiểm soát đồng bộ việc xả thải ra môi trường trên các phương diện xả thải nước, xả thải khí, xả thải bụi, xả thải tiềng ồn .... Đây là một công việc rất khó.
Với khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, bảo vệ môi trường là số một. Chúng tôi đã có những biện pháp rất nghiêm khắc với các nhà đầu tư như, đóng cửa xả thải, mời các cơ quan quản lý nhà nước đến để quan trắc, kiểm soát xả thải , áp dụng lắp đặt các thiết bị quan trắc hiện đại truyền dẫn công khai số liệu về sở tài nguyên môi trưởng ở cả 3 chỉ số, điện, camera giám sát và các chỉ số xả nước thải, thường xuyên baỏ hành, bảo dưỡng thiết bị để không xảy ra sự cố.
Riêng đối với việc quy hoạch trồng cây xanh cũng không đơn giản, từ khâu lựa chọn giống cây trồng phù hợp, chịu được khí hậu biến đổi, chịu được gió bão ... chúng tôi đã mất khá nhiều tiền của để đầu tư cho cây xanh trong khu công nghiệp đúng như nhà báo nhận xét để làm xanh khu công nghiệp theo đúng nghĩa đen là một câu chuyện không đơn giản.
- Theo đánh giá của ông, những nỗ lực cho một môi trường xanh của khu công nghiệp nói chung và của riêng ông có được đền đáp xứng đáng không?
Cho đến ngày hôm nay KCN Nam Cầu Kiền có đầy đủ hệ sinh thái các doanh nghiệp định dạng phù hợp với định nghĩa tiêu chuẩn của khu công nghiệp sinh thái trên thế giới. Đây là thành quả làm việc không mệt mỏi của cán bộ công nhân viên toàn khu công nghiệp chứ không phải riêng tôi, trong đó có sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước tại Hải Phòng, luôn quan tâm tạo điều kiện thủ tục hành chính thông thoáng, cách nhìn khuyến khích động viên cho sự sáng tạo để xây dựng Hải Phòng ngày càng giàu đẹp. Đó là sự động viên vô giá với chính tôi, một doanh nhân Hải Phòng cần cống hiến cho mảnh đất quê hương phát triển bền vững.
- Nhân ngày môi trường thế giới thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến mọi người dân Việt Nam là gì ?
Chúng tôi sẽ chung tay xây dựng thành công khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, đem niềm tự hào này từ Hải Phòng để truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong cả nước hãy có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường sống. Hãy tạo ra nhiều hệ sinh thái, nhiều tầng sinh thái sống cộng sinh đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người.
Nhân ngày môi trường thế giới tôi đã cho biên soạn cuốn sách “Phạm Hồng Điệp với sáng tạo trong môi trường bền vững”. Trong đó tổng hợp lại những điều tôi đã làm thực tiễn một cách khoa học, logic để đem đến cho tất cả mọi người Việt Nam. Thông điệp tôi muốn đưa ra là hãy hành động vì một môi trường sống bền vững.
- Xin cảm ơn ông đã có cuộc trò chuyện thú vị nhân ngày Môi trường thế giới. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đem thông điệp đến với mọi người: Hải phòng có Nam Cầu Kiền, nơi hội tụ của hệ sinh thái công nghiệp!
Có thể bạn quan tâm