Sau nhiều ngày chờ đợi, tàu TLC 01 đã rời Hải Phòng đi Quảng Ninh. Tại đây, 02 thuyền viên đã được cách ly y tế tại Cẩm Phả.
Hải Phòng… chờ đợi
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngày 07/5/2021 tàu TLC 01 rời cảng Songkhla (Thái Lan) về Việt Nam. Ngày 12/5/2021, tàu TLC 01 về tới cảng Hải Phòng và Biên phòng Hải Phòng cho nhập cảnh. Sau đó, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế thực hiện kiểm tra y tế toàn bộ thuyền viên trên tàu, xử lý y tế và cập cảng Transvina xếp dỡ hàng hóa an toàn.
Tuy nhiên, trên tàu có 01 thuyền trưởng và 01 thuyền viên đã hết thời hạn Hợp đồng lao động theo quy định của công ước lao động hàng hải quốc tế. Do thời gian làm việc quá lâu trên tàu (19 tháng trên tàu) và do dịch bệnh, thuyền viên không thể lên bờ để khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe dẫn tới cả 02 thuyền viên có biểu hiện trầm cảm, tình thần không ổn định.
Ngay sau khi nhập cảnh, Công ty TNHH VTB Tuấn Long và gia đình các thuyền viên đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cùng các ngành chức năng xem xét cho 02 thuyền viên đã hết hạn Hợp đồng lao động và đang mắc bệnh trầm cảm được cách ly y tế và chữa bệnh. Và theo khai báo y tế, trong thời gian tại cảng Thái Lan, các thuyền viên tàu TLC 01 không tiếp xúc với người địa phương và thực hiện đầy đủ các trang bị phòng dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị của doanh nghiệp này, các ngành chức năng thành phố Hải Phòng đã họp và đều thống nhất đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hải Phòng cho phép 02 thuyền viên trên được rời tàu để cách ly y tế tập trung theo quy định theo nguyện vọng của gia đình và chủ tàu TLC 01. Công ty Tuấn Long cam kết chịu mọi chi phí cách ly y tế cho 02 thuyền viên này.
Thậm chí, chiều 18/5 Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Hải Phòng, Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng, Trung tâm y tế dự phòng,… bố trí sắp xếp cách ly tập trung 02 thuyền viên trên tại địa điểm cách ly là Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng, thời gian cách ly 21 ngày.
Thế nhưng, sau nhiều ngày mòn mỏi chờ đợi, UBND thành phố Hải Phòng vẫn im lặng. Doanh nghiệp không thể đẩy thuyền viên ra ngoài nên đành phải neo tàu tại cảng chờ phán quyết của thành phố Hải Phòng.
Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên lạc với nhiều ngành chức năng Hải Phòng để tìm câu trả lời. Thế nhưng, tất cả đều cho biết đã báo cáo thành phố và xin ý kiến chỉ đạo. Vì theo như cơ quan Kiểm dịch y tế quốc tế và Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng thì theo Công văn 893/VP-QHQT ngày 29/4/2021 của văn phòng Chính phủ về việc tạm dừng nhập cảnh đối với toàn bộ các trường hợp xin nhập cảnh từ các quốc gia Ấn Độ, Thái Lan, Camphuchia, Lào đến hết 30/5/2021.
Nếu theo công văn trên, các thuyền viên sẽ không được nhập cảnh. Thế nhưng, lực lượng Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng vẫn cho các thuyền viên làm thủ tục nhập cảnh.
Sau nhiều ngày chờ đợi vẫn không có kết quả. Trước nguy cơ bị chậm tiến độ vận chuyển hàng và phát sinh chi phí neo đậu tại cảng. Công ty Tuấn Long đã quyết định cho tàu rời cảng mang theo 02 thuyền viên “quá date” đang trầm cảm lên tàu.
Quảng Ninh… luôn và ngay
Ngay sau khi tàu TLC 01 cập cảng Cẩm Phả, ngày 20/5/2021, UBND thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã có Quyết định 2392/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt danh sách các trường hợp áp dụng biện pháp cách ly y tế tự nguyện trả phí. Theo đó, thành phố Cẩm Phả đã phê duyệt danh sách 02 thuyền viên nói trên của tàu TLC 01 để thực hiện cách ly tại Khách sạn Việt Hoàng (183 đường Bà Triệu, phường Cẩm Đông, TP. Cẩm Phả); thời gian cách ly 21 ngày ngay sau khi thuyền viên lên bờ vào cách ly.
Thậm chí, thành phố Cẩm Phả còn chỉ đạo các ngành chức năng bố trí phương tiện đưa – đón, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thường trực y tế 24/24 để theo dõi sức khỏe cho 02 thuyền viên; khử trùng, xử lý môi trường phòng chống lấy nhiễm trong quá trình tiếp nhận,…
Được biết, ngày 23/5 các thuyền viên sẽ được vào cách ly. Hiện, sức khỏe và tinh thần 02 thuyền viên tàu TLC 01 đã ổn định.
Ông Bùi Mạnh Cường, đại diện Công ty Tuấn Long cho biết, chiều 20/5 ngay khi tàu cập cảng Cẩm Phả, các lực lượng chức năng như: Cảng vụ, Biên phòng, Y tế,…đã phối hợp nhiệt tình để tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp, hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. “Tôi thấy cách giải quyết của các cơ quan chức năng Cẩm Phả rất linh hoạt, nhanh chóng mà vẫn phù hợp các quy định phòng chống dịch” – ông Cường nói.
Rõ ràng, chỉ 1 sự việc nhưng 2 địa phương đã có 2 cách làm khác nhau. Thay vì máy móc “theo quy định” thì Quảng Ninh đã giải quyết sự việc linh hoạt và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch tốt nhất. “Nếu cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng linh hoạt xử lý vụ việc như thành phố Cẩm Phả thì doanh nghiệp chúng tôi đã không tốn kém chi phí hàng trăm triệu đồng tiền neo đậu, chi phí đi lại 1 tuần trời. Mặt khác, nếu được cách ly tại Hải Phòng, bản thân gia đình các thuyền viên cũng thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, đưa đón các thuyền viên trong quá trình cách ly, vì 02 thuyền viên này đều có gia đình ở Hải Phòng” – ông Cường cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Doanh nghiệp phải dừng tàu vì thuyền viên không được cách ly
16:06, 19/05/2021
Hải Phòng: Gian nan giải bài toán bãi đỗ xe
05:29, 20/05/2021
Hải Phòng: Áp dụng nhiều biện pháp an toàn cho ngày bầu cử
23:47, 21/05/2021
Hải Phòng: Gần 2 triệu cử tri Hải Phòng đã hoàn thành việc chọn người tài, đức
14:41, 23/05/2021