Nhằm thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan và định hướng trong Chiến lược phát triển đến năm 2030, Hải quan Hải Phòng đã tích cực triển khai kế hoạch này tại tất cả các khâu nghiệp vụ.
>>>"Cánh tay nối dài" giữa doanh nghiệp và hải quan
Tiên phong đi đầu...
Nhiều năm qua, Cục Hải quan Hải Phòng luôn là đơn vị đi đầu trong công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan. Theo Hải quan Hải Phòng: Xác định việc triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan luôn có sự song hành gắn với lợi ích của doanh nghiệp, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường mối quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp.
Trong đó, phối hợp tổ chức các chương trình trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp về xu thế và tính tất yếu của chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng nguồn dữ liệu mở để khai thác các giá trị nhằm phát triển doanh nghiệp trong thời đại số. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng, logistics triển khai số hoá, CĐS đảm bảo phù hợp, đồng bộ với cơ quan Hải quan khi thực hiện quản lý trên môi trường số.
Được biết, Cục Hải quan Hải Phòng đang triển khai mạnh mẽ hệ thống hải quan số, hải quan thông minh; vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cộng đồng doanh nghiệp.
Làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan và kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu cảng biển lớn nhất phía bắc, Cục Hải quan Hải Phòng luôn là đơn vị tiên phong cải cách hành chính của Tổng cục Hải quan. Ðây cũng là đơn vị tham mưu, trực tiếp chủ trì xây dựng nhiều hệ thống công nghệ thông tin, quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số và thực hiện đơn giản hóa thủ tục hướng tới hải quan phi giấy tờ.
Cục Hải quan Hải Phòng là một trong những đơn vị của Tổng cục Hải quan sớm triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo kế hoạch, lộ trình, chỉ đạo của Tổng cục. Ðến nay, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối, 252 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia; trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử của chín nước ASEAN.
Theo thống kê trong năm 2022, tuy số lượng tờ khai thực hiện đo giải phóng hàng hóa tăng tới 26% so với năm 2020, nhưng thời gian kiểm tra chi tiết hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra hoàn thành nghĩa vụ thuế, thời gian tiếp nhận tờ khai cho đến khi thông quan… đều giảm từ 7-21% so với cùng kỳ năm 2020…
Theo Hải quan Hải Phòng: Thười gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hệ thống thông quan tự động Vnaccs/Vcis, thông quan hàng hóa nhanh chóng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Hiện nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động với hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất, nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút ngắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó giúp giảm chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Trong năm 2022, đã có gần 1,2 triệu hồ sơ làm thủ tục hải quan được tiếp nhận trực tuyến.
Cùng với đẩy mạnh thông quan tự động, ngành hải quan đã phối hợp các ngân hàng thương mại thực hiện nộp thuế điện tử thông qua cổng thanh toán điện tử Hải quan. Ðến nay tất cả thuế, phí, lệ phí hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bằng phương thức điện tử tiên tiến. Ðồng thời, Hải quan Hải Phòng cũng thực hiện sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát, hàng hóa giúp kiểm soát chặt quá trình vận chuyển hàng hóa, bảo đảm giám sát chặt chẽ lô hàng xuất nhập khẩu có nhiều nguy cơ rủi ro, kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm để xử lý.
Được biết, đến nay Cục Hải quan Hải Phòng và các chi cục hải quan đều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Việc mở và nộp tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan khác, kể cả nộp thuế, phí, thủ tục thông quan đều diễn ra trên môi trường mạng. Tại các chi cục hải quan đều thành lập các tổ hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp, người dân về từng lĩnh vực như: Thủ tục, giám sát, quản lý thuế, xử lý vi phạm… và công khai danh sách cán bộ, công chức hải quan của từng lĩnh vực cùng số điện thoại để người dân, doanh nghiệp liên hệ giải đáp, xử lý kịp thời…
Phấn đấu thuộc 4 nước hàng đầu trong ASEANvề Hải quan điện tử
Theo bà Nguyễn Thị Hải Hồng - Ðội trưởng Ðội Giám sát hải quan (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3) cho biết, thực hiện cải cách hành chính, hải quan điện tử, công việc của các công chức hải quan tăng lên so với trước đây do phải trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp ngay từ khâu mở tờ khai, tiếp nhận đến kiểm soát thủ tục, đối chiếu hàng hóa, xem xét, đánh giá mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của doanh nghiệp.
Nhiều công chức hải quan cố gắng làm cả ngoài giờ hành chính để sớm hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trong ngày. Qua đó, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm chi phí lưu kho, bãi, container và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh khi vật tư, hàng hóa đáp ứng kịp thời…
Theo ông Trần Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng chia sẻ, với truyền thống luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành hải quan về cải cách, hiện đại hóa, Hải quan Hải Phòng sớm triển khai áp dụng hệ thống hải quan số, mô hình hải quan thông minh. Ðây là giải pháp quan trọng vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cộng đồng doanh nghiệp.
Hải quan Hải Phòng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung và tham mưu cho UBND TP Hải Phòng phương án triển khai việc tự động chia sẻ các thông tin vào kho dữ liệu tập trung. Các đơn vị trong Cục đã xây dựng phương án tin học hóa việc tổng hợp số liệu kim ngạch, sản lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thông tin phương tiện vận tải, hành khách xuất nhập cảnh qua cảng biển, cảng hàng không quốc tế; thông tin doanh nghiệp FDI trên địa bàn...
Ðồng thời, các số liệu, thông tin này được cung cấp cho các sở, ngành thành phố… nhằm chuẩn hóa dữ liệu để chia sẻ vào cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố. Việc xây dựng và chia sẻ kho dữ liệu tập trung đã giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận sớm nhất với nguồn thông tin chính xác từ các cơ quan quản lý, từ đó chủ động xây dựng, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thời gian, giảm chi phí vận hành, chi phí logistics, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Để công tác chuyển đổi số được triển khai một cách hiệu quả và thực chất, Cục Hải quan đã xây dựng Kế hoạch về việc CĐS đến 2025, định hướng 2030. Kế hoạch đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng để xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp CĐS cụ thể tại đơn vị theo lộ trình, kế hoạch đề ra, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm công nghệ mới, mô hình mới, ứng dụng công nghệ mới; hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch CĐS của ngành Hải quan:
“Đến 2025 hoàn thành xây dựng Hải quan điện tử thông minh, bền vững, có mức độ tích hợp cao, có tính mở, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng toàn diện nhu cầu xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối; thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện và nhu cầu khai thác thông tin; sử dụng thông tin từng bước hình thành Hải quan số trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ của CMCN 4.0, trở thành cơ quan Hải quan điện tử thuộc 4 nước hàng đầu trong ASEAN”.
Có thể bạn quan tâm