Đứng trước khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách, Chi cục Hải quan Thái Bình đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu thực hiện chỉ tiêu dự toán thu ngân sách.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã qua 7 tháng nhưng tổng thu thuế xuất, nhập khẩu do Chi cục Hải quan Thái Bình thực hiện mới chỉ đạt 49,11% dự toán với tổng thu hơn 620 tỷ đồng. Theo nhận định của ngành hải quan, thời gian tới, hoạt động thu thuế xuất, nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn bởi một số nguyên nhân khách quan. Chính vì thế, Chi cục Hải quan Thái Bình đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm tăng khả năng hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024 do Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao.
Trong tổng thu ngân sách do Chi cục Hải quan Thái Bình thực hiện đến hết tháng 7/2024, tổng thu thuế xuất khẩu đạt hơn 37 tỷ đồng, đạt 748% dự toán, tổng thu thuế nhập khẩu đạt 132 tỷ đồng, đạt 73% dự toán và thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 454 tỷ đồng, đạt 42% dự toán. Ngay từ đầu năm, Chi cục đã kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có trụ sở đóng tại tỉnh Thái Bình có hoạt động xuất nhập khẩu, trên cơ sở đó tiếp xúc, động viên các doanh nghiệp nộp thuế xuất, nhập khẩu cho tỉnh.
Tuy nhiên đến nay, một số doanh nghiệp lớn có số thực nộp ngân sách còn thấp so với dự kiến, như: Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam, đến nay mới nộp khoảng 16 tỷ đồng đối với các lô hàng là nguyên liệu vật tư, thiết bị thay thế có trị giá và số tiền thuế nhập khẩu thấp, đạt khoảng hơn 30% số dự kiến. Trong đó, đối với các lô hàng nhập khẩu là thép phế liệu, làm nguyên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất thép có trị giá và số thuế lớn, Công ty lại làm thủ tục hải quan ở đơn vị khác.
Chi nhánh Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần tại Thái Bình, đến nay mới nộp khoảng 300 tỷ đồng, đạt gần 40% số dự kiến do sản lượng tiêu thụ khí trên địa bàn tỉnh giảm. Ngoài ra, số thu ngân sách do Chi cục Hải quan Thái Bình thực hiện từ đầu năm đến nay còn thấp là do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp được miễn thuế xuất, nhập khẩu; một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh nhưng không nộp tờ khai hải quan tại Thái Bình...
Theo số liệu thống kê, trung bình hàng năm, Chi cục Hải quan Thái Bình làm thủ tục hải quan cho khoảng 500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 230 - 250 doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Thái Bình.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Chi cục Hải Quan Thái Bình đã nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp thu thuế xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc thực hiện này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi một số nguyên nhân khách quan.
Ông Trần Quốc Chính - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức và yếu tố tác động đến kết quả thu ngân sách, ngay từ cuối tháng 3/2024, Chi cục Hải quan Thái Bình đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng phối hợp trong công tác vận động thu nộp ngân sách.
Đặc biệt là gỡ khó cho Chi cục Hải quan Thái Bình trong quá trình vận động thu nộp ngân sách tại Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam và Chi nhánh Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần tại Thái Bình.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xuất, nhập khẩu; đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Rà soát, kiểm tra hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các chính sách ưu đãi thuế; tăng cường tuyên truyền và thực hiện nghiêm tuyên ngôn phục vụ khách hàng với phương châm “chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả”.
Quán triệt cán bộ, công chức trong đơn vị nói không với hành vi sách nhiễu, phiền hà, lợi dụng chức vụ thực hiện vụ lợi cá nhân, tham nhũng; thường xuyên nắm chắc tình hình và duy trì tốt hoạt động của tổ giải quyết vướng mắc nhằm giải quyết kịp thời, nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục và thông quan hàng hóa.
Ngoài ra, để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, Chi cục Hải quan Thái Bình cũng chú trọng thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra...
Song song với đó, cơ quan Hải quan thường xuyên rà soát dữ liệu thông tin trên các hệ thống phần mềm nghiệp vụ thuế XNK (MHS, GTT02, KTTT...) để kiểm tra việc thực hiện công tác phân loại, trị giá, kế toán thuế và kịp thời chỉ đạo các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định. Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, thông qua kết quả đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) tỉnh Thái Bình năm 2023, Chi cục Hải quan Thái Bình sẽ tiến hành rà soát lại các khâu nghiệp vụ để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, giảm thời gian thông quan, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu.
Mới đây, để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu, Chi cục Hải quan Thái Bình phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức lớp tập huấn, phổ biến các quy định mới về thủ tục hải quan, công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Hải quan Thái Bình đã phổ biến hoạt động cải cách hiện đại hóa theo hướng xây dựng hải quan thông minh, hải quan số năm 2024. Những quy định liên quan về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, kiểm tra báo cáo quyết toán đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.