Nghị quyết 48/NQ-CP nói riêng và chủ trương hạn chế xe máy vào năm 2030 đang thu hút được sự quan tâm của mọi người dân, mặc dù câu chuyện này không mới.
>>Hạn chế xe máy: Chắc chắn sẽ khả thi!
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu: “5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. HCM nghiên cứu xây dựng “Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy” tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030. Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn...”.
Cũng như nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tại Việt Nam xe máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất. Hầu hết mỗi gia đình có ít nhất một chiếc xe máy để phục vụ việc đi lại. Bên cạnh những lợi ích mang lại, xe máy cũng gây ra nhiều tác động bất lợi về an toàn giao thông và môi trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ, số vụ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm tuyệt đại đa số vụ tai nạn. Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm tới 82,95% số vụ, làm 84,23% số người chết và 89,52% số người bị thương.
Vì thế, vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó phần lớn là xe máy đã được bàn đến rất nhiều. Nhiều năm nay, Nhà nước đã đặt ra mục tiêu và thực hiện nhiều giải pháp quản lý xe máy nhằm kiểm soát tăng trưởng ồ ạt, đảm bảo ATGT và bảo vệ môi trường.
Chẳng hạn, Hà Nội và TP.HCM không phải bây giờ mới “nóng” lên việc cấm xe máy mà cả hai thành phố đã xây dựng lộ trình đến năm 2030. Các cơ quan quản lý, các chuyên gia, giới truyền thông và người dân đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay chuyện cấm - hạn chế xe máy ở Hà Nội nói riêng và một số đô thị khác nói chung thực sự có quá nhiều phức tạp và nan giải. Các giải pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả cao.
Kinh nghiệm từ một số nước như Đài Loan, Thái Lan, dù phát triển hơn Việt Nam rất nhiều nhưng nhà nước họ vẫn không có chủ trương cấm xe máy, đường phố vẫn đầy xe máy. Trong khi, Việt Nam mới đáp ứng được 10 đến 20% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, còn lại là giao thông cá nhân.
Tức là, nếu cấm hoàn toàn xe máy thì không bao giờ làm được nhưng hạn chế thì có thể và đây là chủ trương biện pháp hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ, nếu cấm người đi xe máy thì giao thông công cộng phải đảm bảo 100% nhưng hiện nay, nước ta chưa thể làm được điều này.
>>Cấm xe máy vào nội đô từ năm 2025 – Hà Nội đang nóng vội?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Do xe máy là phương tiện quá tiện lợi nên nhiều khi người dân chỉ đi vài trăm mét cũng dùng xe máy lưu thông. Tuy nhiên, khi phương tiện công cộng phát triển, ô tô phát triển và văn minh hơn, thì người dân sẽ tự động đi ô tô nhiều hơn. Nhưng chắc chắn, vẫn còn tồn tại từ 5 đến 10% đi xe máy trong tương lai”.
Theo đó, “Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy” tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030. Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn... mà Nghị quyết 48 vừa được ban hành được triển khai khả thi thì chúng ta còn có nhiều việc phải làm.
Một là:Giao thông công cộng phải thật sự tiện lợi, đi phải đúng giờ, tiện nghi và thái độ phục vụ phải tốt thì chắc chắn người dân sẽ đi nhiều. Và khi người dân đi nhiều các phương tiện công cộng thì các phương tiện cá nhân sẽ dần được hạn chế.
Hai là: Hạ tầng giao thông vận tải phải nâng cấp, đường xá, hè phố phải thoáng, các ngã tư phải mở rộng. Và các cửa ngõ thành phố phải mở rộng hơn nữa thì mới hạn chế được ùn tắc và tai nạn giao thông.
Ba là: Giáo dục, tuyên truyền ý thức người dân. Khi giao thông công cộng tốt lên, cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, khi đó, người dân tham gia giao thông sẽ dần nhận thức được mức độ của xe cá nhân: Vừa tốn tiền hơn, vừa gây ùn tắc, ô nhiễm hơn, và gây tai nạn nhiều hơn.
Bốn là: Vấn đề quy hoạch đô thị phải được phát triển một cách hài hòa. Các nhà cao tầng phải bớt ở trung tâm, mở rộng, xây dựng thêm các thành phố vệ tinh. Đưa các trường học, các cơ quan, bệnh viện, các viện nghiên cứu ra phía ngoài trung tâm thành phố….v..v.
Có thể nói, bất cứ chính sách cấm hay hạn chế phương tiện nào trước hết đều ảnh hưởng xã hội rất lớn. Chủ trương, chính sách đã có, nên các ban, ngành chức năng hết sức thận trọng trong việc đưa ra các quyết định thực thi. Quá trình thực hiện cần được triển khai từng bước cùng với những điều chỉnh nếu cần.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 08/04/2022
16:49, 03/12/2019
02:10, 09/12/2021
04:10, 09/12/2021