Mặc dù thời hạn 31/10 đang đến gần, tuy nhiên cả Vương quốc Anh và EU đều không đạt được đột phá nào trong các cuộc đàm phán.
Cụ thể, các phiên đàm phán trong ngày 13/10 đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ sự thay đổi nào. Trong phiên họp để thông báo kết quả với Đại sứ các nước EU tại Brussels, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier cho biết, đề xuất về hải quan ở biên giới Ireland mà phía Anh đưa ra vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro chưa được kiểm chứng, cũng như nhiều điểm mập mờ nên EU không thể ủng hộ.
Hai bên vẫn tồn tại quan điểm khác biệt về cách thức quản lý hoạt động thương mại và thuế quan trên đảo Ireland. Ngoài ra, các nhà đàm phán EU mong muốn Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết duy trì một sân chơi bình đẳng trong các quy tắc thương mại hậu Brexit, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một thỏa thuận thương mại tự do trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 17/09/2019
15:00, 09/09/2019
05:15, 31/08/2019
11:00, 19/08/2019
"Do đó, khả năng đạt được thoả thuận Brexit trong tuần này tại Thượng đỉnh EU là gần như không thể nếu Vương quốc Anh không đưa ra được một đề xuất mới khả thi hơn từ nay cho đến cuối ngày thứ Tư, 16/10 tới, trước khi Thượng đỉnh EU bắt đầu vào ngày 17/10", ông Barnier nhấn mạnh.
Có thể thấy, trước việc các đàm phán Brexit bế tắc trong khi Thượng đỉnh EU sắp diễn ra, giới phân tích châu Âu đang nghiêng về khả năng Brexit sẽ lại được gia hạn lần nữa. Theo Holger Schmieding và Kallum Pickering, chuyên gia kinh tế trưởng của Berberg Bank nhận định, sự gia hạn lần này sẽ không kéo dài đến 31/1/2020 như Hạ viện Anh yêu cầu mà chỉ là một sự gia hạn kỹ thuật qua ngày 31/10 và Brexit sẽ lập tức có hiệu lực ngay sau khi hai bên đạt được thoả thuận.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh vẫn kiên quyết Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU vào đúng hạn 31/10. Do đó, hiện tại tương lai của nước Anh vẫn còn nằm trong màn sương mờ; đồng thời nếu xảy ra Brexit "cứng", trong mối quan hệ thương mại với EU trong tương lai, nước Anh sẽ phải tuân thủ những quy định về thuế nhập khẩu vào khối này giống như một nước thứ ba hay các nguyên tắc về kiểm soát biên giới và đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn chất lượng.
Điều này vô hình dung sẽ tạo áp lực với người tiêu dùng trong việc quyết định mua hàng, do đó việc doanh số bán lẻ giảm không có gì là đáng ngạc nhiên. Bên cạnh đó, những bế tắc chính trị liên quan đến vấn đề Brexit đang gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và các nhà bán lẻ nước Anh.
Người đứng đầu bộ phận theo dõi lĩnh vực bán lẻ của công ty tư vấn KPMG, Paul Martin chỉ rõ,tương lai không chắc chắn do Brexit rõ ràng có tác động lớn đến tâm lý tiêu dùng. "Người tiêu dùng hiện chỉ tập trung vào những thứ thiết yếu, do đó thực phẩm là một trong số ít danh mục hàng hóa có doanh số bán lẻ tăng", ông cho biết.
Trong nhiều năm, nước Anh đã được hưởng lợi từ một nền kinh tế mở. Nhưng Brexit sẽ làm thay đổi điều đó và khiến những người tài năng rời khỏi nước này để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác, dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát cao và thất nghiệp triền miên.
Hiện tại, Vương quốc Anh đang chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận. Chính phủ Anh đã công bố điều chỉnh chế độ thuế quan áp dụng trong trường hợp quốc gia này rời EU khi cho phép 88% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu được xin miễn thuế với mục đích hạn chế leo thang giá tiêu dùng mà không làm ảnh hưởng tới các nhà sản xuất trong nước.
Quy trình đánh giá đặc biệt mới cũng cho phép Anh áp dụng những thay đổi đối với chế độ thuế quan ngay từ ngày đầu tiên rời EU nếu cần thiết.
Chỉ còn nửa tháng nữa để Anh chuẩn bị cho quá trình rời khỏi EU. Nhưng với một chặng đường rất dài còn ở phía trước với "nút thắt" đường biên giới Ireland vẫn còn chưa được tháo gỡ, màn sương mờ vẫn che phủ tương lai nước Anh.