Sapo vừa ký thỏa thuận kết nối với Gojek. Một hướng phải đi cho các công ty làm phần mềm quản lý nhà hàng, quán cà phê (như kiểu Sapo) và các ứng dụng giao đồ ăn ở Việt Nam.
>> Năm 2024 của các nền tảng giao đồ ăn Đông Nam Á ra sao?
Sapo vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Gojek. Thỏa thuận này nhằm kết nối Phần mềm quản lý nhà hàng, quán cà phê Sapo FnB của Sapo với nền tảng quản lý đơn hàng GoFood của Gojek.
Theo thông cáo của Sapo, hợp tác này sẽ mang đến giải pháp vận hành tối ưu và dễ sử dụng trong ngành FnB, nhà kinh doanh chỉ cần dùng một phần mềm để quản lý đơn hàng từ nhiều nền tảng.
Phần mềm Sapo FnB sẽ tích hợp các tính năng quản lý đơn hàng từ Gojek như nhận đơn, theo dõi đơn hàng GoFood, tổng hợp báo cáo doanh thu, đồng bộ thực đơn, v.v. tạo trải nghiệm liền mạch, tối ưu hóa quy trình kinh doanh cho chủ quán. Trước GoJek, phần mềm của Sapo cũng đã kết nối với Grabfood tương tự.
Có thể nói, trong thời đại hiện nay, các đơn hàng trên các nền tảng gọi đồ ăn như Grabfook, Gojek (ở Việt Nam và Đông Nam Á) hay Uber Eats, DoorDash (quốc tế) là một phần rất quan trọng, chiếm một tỷ trọng khá lớn và đang ngày càng tăng trong doanh thu của các nhà hàng, quán cà phê. Thành thử, các nhà quản lý nhà hàng, quán ăn, cà phê ngày càng cần một công cụ để quản lý cả các đơn hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn này lẫn các đơn hàng của chính mình một cách nhất quán.
Vấn đề là các hệ thống quản lý nhà hàng và hệ thống quản lý đơn của các ứng dụng giao đồ ăn lại là những hệ thống công nghệ hoàn toàn riêng biệt, thuộc sở hữu (và độc quyền) của nhiều bên khác nhau. Từ đó sinh ra một công đoạn, đó là kết nối để 2 hệ thống đó có thể giao tiếp được với nhau (thuật ngữ công nghệ thông tin gọi là system integration). Và để 2 hệ thống kết nối được thì 2 người chủ phải bắt tay với nhau. Thỏa thuận của Sapo và Gojek chính là một dạng như vậy.
Vì đây là một nhu cầu lớn có thật, nên các ứng dụng giao đồ ăn lớn trên thế giới cũng rất nhiệt tình đi bắt tay với các nhà hàng từ rất lâu rồi. Ví dụ như hãng Uber Eats hay DoorDash của Mỹ đã xây dựng sẵn các công nghệ cổng kết nối, thỏa thuận sẵn với nhiều bên phần mềm thứ 3 như kiểu Toast hay Clover để các nhà hàng nếu muốn kết nối là kết nối được luôn, không phải thỏa thuận dài dòng, tốn thời gian.
Những thỏa thuận kiểu này là 3 bên cùng có lợi. Ba bên đó là ứng dụng giao đồ ăn, nhà hàng và công ty làm phầm mềm nhà hàng.
Chủ nhà hàng có được một công cụ quản lý tập trung nhiều cả đơn của mình lẫn đơn trên ứng dụng. Điều đó dẫn tới nhà hàng sẽ hoạt động hiệu quả hơn và “có cảm tình” hơn với các đơn từ các ứng dụng giao hàng. Các ứng dụng giao hàng cũng được hưởng lợi. Và cuối cùng là công ty làm phần mềm cũng dễ bán phần mềm hơn cho các chủ nhà hàng.
Chính vì thế mà các ứng dụng giao đồ ăn rất nhiệt tình làm sẵn các giải pháp kết nối như vậy.
NHƯ VẬY LÀ
Thỏa thuận hợp tác giữa Sapo và Gojek sẽ mang lại lợi ích cho cả Sapo, Gojek lẫn các chủ nhà hàng sử dụng phần mềm của Sapo. Tuy có vẻ hơi chậm và phần nào rườm rà hơn thế giới, nhưng đây cũng là hướng phải đi cho các công ty làm phần mềm quản lý nhà hàng, quán cà phê (như kiểu Sapo) và các ứng dụng giao đồ ăn ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm