"EVN sẽ đẩy nhanh đầu tư lưới điện để giải toả cho các dự án điện gió, điện mặt trời".
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, nhưng nếu các dự án năng lượng tái tạo này không vào đúng tiến độ thì việc đầu tư lưới sẽ kém hiệu quả.
Nhiều nhà đầu tư “thở phào”
Bộ Công thương đã yêu cầu Tập đoàn điện lực VN (EVN) sớm triển khai thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh một số dự án lưới điện, trạm biến áp nhằm giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời, điện gió tại khu vực Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời Thanh Niên cuối tháng 2, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Thủ tướng đã có văn bản chấp thuận với đề nghị của Bộ trong việc đẩy nhanh thực hiện một số dự án lưới điện đã có trong quy hoạch giai đoạn sau, cũng như bổ sung, điều chỉnh nhiều dự án hạ tầng điện nhằm giải quyết bài toán quá tải lưới điện do sự phát triển rất nhanh của các dự án điện gió, điện mặt trời.
Theo đó, để giải tỏa cho các dự án năng lượng tái tạo, điển hình như khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Chính phủ giao Bộ Công thương và EVN thống nhất với tỉnh về giải pháp đầu tư các công trình truyền tải để giải phóng toàn bộ công suất các dự án này từ nay đến 2020. Cụ thể, bổ sung trạm biến áp 500/200 kV Thuận Nam, đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân; 2 đường dây 200 kV mạch kép Ninh Phước - Vĩnh Tân và Ninh Phước - Thuận Nam vào danh mục đầu tư trước 2020. Cùng với đó, 4 công trình lưới điện 220 kV và 5 công trình lưới điện 110 kV vốn được duyệt đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 cũng được đẩy lên trong giai đoạn này.
Nhà nước sẽ chịu thiệt?
Theo một chuyên gia, việc triển khai các dự án truyền tải không phải nói là làm ngay được. “Trình tự thủ tục để thực hiện một dự án công không dễ. Nếu bây giờ khởi công thì nhiều dự án đường dây phải năm sau mới vào được. Khi đó, nếu các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió làm thật để hưởng cơ chế giá ưu đãi thì không lo chuyện đường dây bị thừa”, chuyên gia này phân tích và cũng cho rằng từ giữa năm 2018, trước sức nóng của các dự án điện mặt trời, Chính phủ khi ấy đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương và các địa phương việc bổ sung các dự án vào quy hoạch cần được xem xét một cách tổng thể để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý quy hoạch, phù hợp cung - cầu điện, khả năng đấu nối… Song, đến hết năm 2018, số dự án điện gió, điện mặt trời được phê duyệt vào quy hoạch lên đến gần 8.000 MW, cao gấp gần 5 lần mục tiêu 1.650 MW mà Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đề ra.
Đáng ngại hơn là tình trạng các dự án đổ xô vào một vài địa phương. Theo tính toán được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra hồi tháng 11.2018, riêng các dự án điện mặt trời đã hợp đồng mua bán điện (PPA) và dự án đang đàm phán PPA, thì tổng công suất điện mặt trời tại Bình Thuận lên tới 750 MW. Tại Ninh Thuận, số dự án đã ký PPA là gần 690 MW và trên 1.000 MW đang chờ ký PPA. Trong khi hệ thống truyền tải khu vực này chỉ đáp ứng khoảng 1/3 đến 1/2 công suất.
Điều này dẫn tới kịch bản sẽ phải giảm đồng thời các nhà máy điện mặt trời đang cùng được đấu vào lưới, khiến các nhà máy sẽ bị giảm sâu công suất huy động so với thiết kế và thiệt hại là nhà đầu tư. Nhưng để ký được PPA, nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận bổ sung điều khoản phụ về sa thải phụ tải khi quá tải lưới. Do đó, từ chỗ 35 dự án ký được PPA tính đến tháng 10.2018 thì chỉ 2 tháng sau đó, con số này đã gấp đôi. “Cho nên, trong thời gian chờ đường dây, chưa có gì đảm bảo rằng nhà đầu tư sẽ hết thiệt”, chuyên gia này nói.