Với hàng loạt các quy định cụ thể ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào các giao dịch trên môi trường điện tử, Luật Giao dịch điện tử 2023, sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số bứt phá trong thời gian tới…
Đây là chia sẻ của luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với DĐDN.
Từ ngày 01/7/2024, Luật Giao dịch điện tử 2023 chính thức có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là một văn bản luật quan trọng trong việc xác định tính pháp lý của các giao dịch trên nền tảng điện tử hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về nhận định đã nêu?
So với Luật Giao dịch điện tử 2005 (đã hết hiệu lực), Luật Giao dịch điện tử 2023 đã bổ sung quy định về giá trị pháp lý của việc chuyển đổi giữa bản giấy và bản điện tử, quy định về chứng thư điện tử, mở rộng đối tượng điều chỉnh... đây được coi là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử khi việc giao dịch có thể thực hiện hoàn toàn, từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.
Cụ thể theo Luật Giao dịch điện tử 2023, thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật, được tạo ra, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc được chuyển đổi từ văn bản giấy. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, như “bản gốc” và “không bị phủ nhận giá trị pháp lý”…
Đáng nói, Luật cũng còn dành cả một Chương cho giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, bao gồm các loại hình giao dịch như: Giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan Nhà nước; Giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước với nhau; Giao dịch điện tử giữa cơ quan Nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Vì vậy, Luật sẽ tạo tác động lớn đến hoạt động trên môi trường điện tử của cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, các quy trình thực hiện giao dịch điện tử được luật hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử.
Theo ông đâu sẽ là những quy định mở đường cho công tác chuyển đổi số hiện nay?
Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định các bộ, ngành sẽ có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong các lĩnh vực tương ứng do mình quản lý. Quy định mới này mở ra khả năng sẽ có các quy định mang tính chất đặc thù trong hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử đối với một số lĩnh vực chuyên ngành.
Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng về thông điệp dữ liệu, giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử Luật cũng sẽ mở đường cho sự ban hành các quy định pháp luật liên quan đến công chứng điện tử trong thời gian tới khi Điều 9.2 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định liên quan đến dịch vụ tin cậy - ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bao gồm các dịch vụ: cấp dấu thời gian để gắn thông tin về thời gian vào thông điệp dữ liệu; chứng thực thông điệp dữ liệu gồm dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu bảo đảm; và chứng thực chữ ký số công cộng sẽ giúp nâng cao tính xác thực định danh điện tử, đảm bảo an toàn, bảo mật, tránh được các rủi ro cho người dùng do rò rỉ thông tin, dữ liệu khi tham gia vào các giao dịch điện tử.
Bằng cách đó, Luật sẽ tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo có ý nghĩa rất quan trọng đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung, trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay.
Vậy, để các chính sách đã nêu sớm đi vào thực tiễn, ông có lưu ý, khuyến nghị gì?
Để các quy định của Luật này nhanh chóng đi vào thực tiễn, theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn về các vấn đề liên quan để các tổ chức, người dân và doanh nghiệp có thể triển khai, áp dụng trên thực tế.
Chẳng hạn như thực tế hiện nay, việc chuyển đổi hình thức thông tin từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu chỉ được thực hiện thông qua việc sao chụp bằng điện thoại, chuyển đổi tài liệu hoặc sử dụng máy scan văn bản thành định dạng tập tin PDF. Do đó, sẽ cần có văn bản hướng dẫn có liên quan của Chính phủ về vấn đề này để xác định tính phù hợp và tính tuân thủ quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023.
Bên cạnh đó, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp cũng nên tự trang bị cho mình những kiến thức cũng như trang thiết bị kỹ thuật cần thiết khác, nhằm phục vụ cho các giao dịch điện tử có thể sẽ phổ biến hơn trong giai đoạn sắp tới.
Trân trọng cảm ơn ông!