Diễn đàn “Hành trình người khởi nghiệp” cho học sinh, sinh viên được tổ chức tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Thực hiện đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 theo quyết định số 1665 của Thủ tướng Chính phủ, Diễn đàn "Hành trình người khởi nghiệp" do Công ty CP Công nghệ Giáo dục NOVA EDU (Hội viên HANSIBA) phối hợp đồng hành từ Hiệp hội Doanh nghiệp Ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cùng Tập đoàn N&G tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường trung học phổ thông trên toàn quốc.
Tham dự chương trình có Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova; Đại diện Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nhà trường; Đại diện Lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban, Viện, Trung tâm; Cán bộ, Giảng viên phụ trách Công tác hỗ trợ hoạt động Khởi nghiệp; Đại diện các đơn vị đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai Đề án 1665 về việc hỗ trợ HSSV Khởi nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.
Diễn đàn Hành trình người khởi nghiệp nhằm giúp học sinh, sinh viên hiểu được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với sự phát triển của Quốc gia. Qua đó, nâng cao tư duy, kiến thức, kỹ năng và khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh, sinh viên trong phạm vi giáo dục khởi nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn TS. Lê Thị Hằng - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chia sẻ, Diễn đàn Hành trình người khởi nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức là dịp giúp Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội triển khai Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 239 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm thành lập và đào tạo học sinh, sinh viên nêu cao tinh thần khởi nghiệp.
Ngoài ra, Trường chủ động xây dựng lộ trình và kế hoạch để đưa môn học Khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa trong chương trình đào tạo của trường, coi đó là những môn điều kiện trước khi tốt nghiệp ra trường. Tạo điều kiện và ủng hộ các khoa chuyên ngành đưa sinh viên đi tham quan, khảo nghiệm thực tế tại một số doanh nghiệp đã khởi nghiệp thành công hoặc kinh doanh có hiệu quả để giúp sinh viên của trường hiểu thực tế về khởi nghiệp trước khi bắt đầu khởi nghiệp.
Theo TS. Lê Thị Hằng, để bắt tay vào một dự án khởi nghiệp, mỗi học sinh, sinh viên cần được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Từ kiến thức chuyên sâu về sản phẩm khởi nghiệp đến cách tạo dựng sản phẩm, marketing sản phẩm, bán sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Hay như cách kêu gọi vốn đầu tư, cách chia cổ phần và hưởng lợi nhuận. Để đưa được một dự án khởi nghiệp từ trên trang giấy ra đến thực tế cần trải qua rất nhiều quy trình. Mỗi quy trình lại đòi hỏi những kỹ năng khác nhau.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Cương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án đã có một số kết quả ban đâu được thể hiện thông qua các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã tham gia Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm.
Trong 02 năm tổ chức các Cuộc thi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được gần 350 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và 150 dự án đến từ các trường THPT trong toàn quốc. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử.
Hiện tại nhiều dự án của học sinh, sinh viên đã được thành lập doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp lớn mua lại để đưa vào sản xuất đại trà. Kết quả đó mặc dù không lớn nhưng cũng đã tạo ra được điểm nhấn ban đầu đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các trường đại học và các em học sinh, sinh viên.
Tiếp nối sự thành công đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, NOVA EDU tổ chức Hành trình người khởi nghiệp cho sinh học sinh sinh viên với mong muốn giúp các em sinh viên hiểu thêm về khởi nghiệp và từng bước hình thành tâm thế người khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Thường trực ban Tổ chức Chương trình Khởi Quốc chia sẻ, "suy nghĩ của tôi về sinh viên khởi nghiệp đó là hiện nay các bạn đang có một môi trường rất tốt cho khởi nghiệp kinh doanh. Qua nhiều năm làm khởi nghiệp tôi rất bất ngờ nhận thấy các bạn có đã có tư duy nắm bắt được thời cơ rất thời sự trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh".
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, trong quá trình khởi nghiệp các bạn cần phải có cả con tim và khối óc, nếu bạn đã có tim thì bạn lên tìm khối óc còn đã khối óc thì bạn cần đi tìm con tim.
Hiện nay môi trường kinh doanh có rất nhiều thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thì chúng ta không có đáp án nào đúng mà nó chỉ có những giải pháp mang tính phù hợp và khi ngồi tại diễn đàn các bạn học sinh, sinh viên lên lắng nghe các chuyên gia chia sẻ bởi đó là những kinh nghiệm vô cùng bổ ích nhằm giúp ngắn thời gian thành công của các bạn.
"Qua đây tôi cũng chia sẻ với các bạn, chúng ta không nên quá rạch ròi là trong bao thời gian thì chúng ta sẽ thành công mà chúng ta hãy tiếp cận bằng khả năng, tư duy của mình để khởi nghiệp. Chúng ta không nên bắt mình phải khởi nghiệp hay phải đi làm thuê mà chúng ta nên đi vào tương lai của mình bằng chính khả năng của mình". - ông Phạm Ngọc Tuấn nói.
Hành trình khởi nghiệp có gian nan nhưng cũng có quả ngọt. Đi trên chặng đường khởi nghiệp là một sự thách thức lớn đối với bản thân. Vừa huy hoàng lại vừa gian nan. Nhưng đó cũng là một trong những cơ hội để học sinh, sinh viên khẳng định và khám phá chính mình.
Theo ông Tuấn, hiện nhiều học sinh, sinh viên cho rằng, khởi nghiệp tức là xây dựng doanh nghiệp, đứng lên làm chủ. Nhưng đó chỉ là kết quả, còn hành trình khởi nghiệp như thế nào nếu không trải qua thì sẽ không nắm bắt hết được. Và cũng không hiểu được mục tiêu, giá trị thực sự của việc tham gia vào hành trình khởi nghiệp.
Khởi nghiệp không chỉ tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho bản thân mà còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho người khác. Khi tham gia hành trình khởi nghiệp, học sinh, sinh sẽ có được “tâm đức” của người khởi nghiệp.
Đặc biệt, học sinh, sinh viên sẽ nhận được sự hỗ trợ của các bên tham gia đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để giao lưu cọ xát với các bạn học sinh, sinh viên khác đang xây dựng các dự án khởi nghiệp. Từ đó có thêm động lực và tinh thần để nỗ lực hơn trong dự án khởi nghiệp của riêng mình.