Hanoimilk chật vật tìm lại chỗ đứng

Nha Trang 10/10/2019 14:51

Dù đã hơn 10 năm kể từ khủng hoảng sữa nhiễm melamine khiến tình kinh kinh doanh của Hanoimilk lao dốc, đến nay công ty vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Được thành lập năm 2001 và chính thức đi vào hoạt động năm 2003, Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk – Mã: HNM) đã lớn mạnh và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp chế biến sữa.

Chưa hết long đong

Đã một thời, Hanoimilk chiếm lĩnh được thị trường và tạo được niềm tin của người tiêu dùng với những sản phẩm sữa mang nhãn hiệu IZZI, Yotuti, Sữa tươi Hanoimilk 100%, Sữa chua Hanoimilk.

Từ

Từ "đại gia" làng sữa, Hanoimilk sa lầy khó khăn và trở thành doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bấp bênh.

Tuy nhiên thương hiệu sữa gặp phải khó khăn khi xuất hiện khủng hoảng sữa nhiễm Melanine 2008 và quyết định sai lầm với chiếc vỏ hộp sữa khiến người tiêu dùng quay lưng, lựa chọn các nhãn hiệu sữa khác.

Kể từ đó, kết quả kinh doanh của Hanoimilk dường như lao dốc không phanh khi biên lợi nhuận chỉ quanh quẩn ở mức 0,6%-1% (2013-2018). Riêng năm 2017 công ty ghi nhận lỗ hơn 23 tỉ đồng.

Năm 2018, theo báo cáo tài chính tự lập Công ty đạt doanh thu 188,8 tỷ đồng, lãi vẻn vẹn 1 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, Công ty hoàn thành 90,8% chỉ tiêu doanh thu và 42,5% chỉ tiêu lợi nhuận. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty ghi nhận lỗ 11,4 tỷ đồng.

Năm 2019, Hanoimilk đặt kế hoạch doanh thu 242 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý II của Công ty, doanh thu nửa đầu năm đạt 91,5 tỷ đồng (mới đạt 37,8% kế hoạch năm); tổng lợi nhuận trước thuế là 856 triệu đồng.

"Tin buồn" lại  tiếp tục đến với Hanoimilk khi cổ phiếu HNM của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (HanoiMilk) vừa bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định cho tạm ngừng giao dịch từ 7/10.

Lý do được HNX cho biết là Hanoimilk không khắc phục được nguyên nhân dẫn tới việc bị kiểm soát đặc biệt và tiếp tục vi phạm công bố thông tin. Tới thời điểm này, Công ty chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 và báo cáo soát xét bán niên năm 2019.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu cổ phiếu HNM bị tạm dừng giao dịch. Trước đó, HNX ra quyết định tạm dừng giao dịch cổ phiếu này từ 25/7/2017 và đến 23/1/2018 thì được đưa vào diện cảnh báo. Đến ngày 21/11/2018, cổ phiếu HNM lại bị đưa vào diện kiểm soát do tiếp tục vi phạm lỗi công bố thông tin.

Được biết, hồi tháng 7/2019, tại đại hội cổ đông của Hanoimilk, giải thích cho việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát từ tháng 11/2018, Ban lãnh đạo Công ty cho biết Công ty chưa thống nhất với đơn vị kiểm toán về việc trích lập thêm khác khoản chi phí. Theo đó, Công ty sẽ cố gắng xử lý trong thời gian sớm nhất.

Kì vọng vào mở rộng quy mô sữa

Được biết, để lấy lại những gì đã có cũng như thực hiện tham vọng trở thành 1 trong top 3 thương hiệu sữa, trong giai đoạn 2016-2020, Hanoimilk đặt trọng tâm phát triển hai dự án nhằm mở rộng quy mô sản xuất sữa.

Trong đó, dự án Đổi mới công nghệ, tăng công suất Nhà máy sản xuất Sữa UHT lên 300 tấn/ngày để phục vụ bán hàng trong nước, gia công và xuất khẩu, đến nay vẫn dự án này vẫn "dậm chân tại chỗ".

Có thể bạn quan tâm

  • Hanoimilk gian nan vượt khó

    Hanoimilk gian nan vượt khó

    06:15, 30/06/2019

  • Hanoimilk

    Hanoimilk "đi trên dây" bằng 2 kịch bản gọi vốn

    05:30, 25/08/2018

  • Hanoimilk bao giờ qua “cơn bĩ cực”?

    Hanoimilk bao giờ qua “cơn bĩ cực”?

    17:00, 27/06/2017

Đối với dự án trồng cỏ nuôi bò tự nhiên tại Mê Linh hơn 72 tỉ đồng, hiện Hanoimilk vẫn đang thực hiện công tác hỗ trợ đền bù và giải phóng mặt bằng trong năm 2019.

Công ty dự kiến lập hồ sơ thiết kế quy hoạch, thiết kế kĩ thuật, thiết kế xây dựng và các thủ tục xin phép xây dựng để có thể bắt đầu triển khai xây dựng vào cuối năm 2019.

Đồng thời, HNM xác định tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ASEAN, hợp tác gia công sản xuất cho các đối tác trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, sẽ triển khai dự án đổi mới công nghệ, tăng công suất nhà máy để phục vụ bán hàng trong nước, gia công, xuất khẩu.

Để thực hiện các dự án trên, bên cạnh nguồn vốn tự có và vay vốn ngân hàng, năm 2018, Hanoimilk từng dự kiến phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi (không có tài sản đảm bảo) và 30 triệu cổ phiếu (tương đương 300 tỉ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược.

Với thực tế hoạt động hiện tại, nhiều cổ đông lâu năm của Hanoimilk bày tỏ sự lo ngại về khả năng thành công của hai kế hoạch phát hành trên.

Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk từng chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 rằng, công ty cũng nhìn thấy sự khó khăn trong kế hoạch phát hành này.

Nhưng nếu tiếp tục huy động vốn bằng cách vay ngân hàng, Hanoimilk sẽ tiếp tục lỗ bởi gánh nặng chi phí lãi vay.

Dù vậy, ông Tuấn cam đoan, việc phát hành trái phiếu ít nhất sẽ… hoàn thành một nửa, bởi nếu không có ai mua, ông sẽ đứng ra mua 100 tỉ đồng trái phiếu.

Trong bối cảnh của Hanoimilk hiện tại, theo các chuyên gia tài chính, giải bài toán về tài chính vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu, nhưng để tìm kiếm được một nhà đầu tư chiến lược song hành cùng Hanoimilk trong lúc này không phải là một chuyện dễ dàng.

Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên thị trường sữa Việt cũng rất khốc liệt, “miếng bánh” thị phần đang chủ yếu thuộc về các ông lớn, như Vinamilk tiếp tục dẫn đầu với khoảng gần 60% thị phần, TH true Milk cũng đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường sữa tươi vào 2020…

Do vậy, các chuyên gia tài chính nhấn mạnh rằng, lúc này Hanoimilk nên cơ cấu lại nợ vay, thay vì đầu tư dàn trải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hanoimilk chật vật tìm lại chỗ đứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO