“Hạt nhân” tái cấu trúc giai đoạn 2021-2025: Nâng chất và lượng doanh nghiệp

NGUYỄN HỒNG LONG, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương 16/12/2021 11:00

Để tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam được coi là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu.

>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp

LTS: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025 với những mục tiêu cụ thể đối với sự phát triển doanh nghiệp.

gdfg

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn "Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp".

Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 khép lại với cơ bản các mục tiêu được hoàn thành.

Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025

Nghị quyết bao gồm 06 mục tiêu đến năm 2020: Xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP; Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP; Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm; Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Nhìn vào các mục tiên này, một mục tiêu được nhắc đến khá nhiều đó là Việt Nam đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì chưa đạt được.

Với giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu của việc tái cơ cấu nền kinh tế đặt ra với DNNN là nâng cao hiệu quả hoạt động năng lực cạnh tranh trên cơ sở đổi mới sáng tạo, áp dụng các công nghệ hiện đại… DNNN cơ bản được sắp xếp lại theo tiêu chí tại Quyết định số 22/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khi, mục tiêu tổng quan là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam với khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025. Trung bình tốc độ gia tăng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đạt khoảng 12-14%/năm giai đoạn 2021-2025. Số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn đạt khoảng 60.000- 70.000 doanh nghiệp vào năm 2025.

Theo Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Quốc hội, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở kế thừa và phát triển, vừa toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới và 03 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu lại thị trường tài chính, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Cơ cấu lại các khu vực

Để đạt được các mục tiên trên, nhiệm vụ đầu tiên chúng ta cần làm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, DNNN, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và triển khai theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, chúng ta cần sơ kết đánh giá, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tế.

Các cơ quan cần tập trung nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cơ chế chính sách để gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước.

Chúng ta cũng cần thực hiện nghiêm việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ công chức, viên chức theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 161/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao, hiệu quả hoạt động của DNNN. Bên cạnh đó triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch.
Đây là nhưng cơ sở quan trọng để Chính phủ hoàn thiện Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”.

Đối với khu vực tư nhân, Chính phủ cần tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP của Chính phủ, qua đó nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp thực tiễn, có giải pháp đột phá. Đặc biệt, Chính phủ chú trọng nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo về môi trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục rà soát, công bố công khai, xử lý trách nhiệm đối với việc chậm, không niêm yết, đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện.

>>TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ: Doanh nghiệp cần tìm cách gỡ nút thắt của ngành hoạt động

PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam:
Tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư cao tốc tham gia

Qua theo dõi và tổng kết một số dự án đầu tư theo phương thức PPP trong vòng 10 năm qua, tôi đánh giá, các công trình đươc đầu tư theo PPP đã khắc phục được 3 “căn bệnh nan y” của đầu tư công là: chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng cũng còn những nghi ngại. Phương thức đầu tư PPP đã thực sự mang lại hiệu quả như vậy, nhưng rất tiếc, từ 2016 tới nay, rất ít hợp đồng dự án theo phương thưc PPP được ký kết. Trong thực tiễn, rào cản lớn nhất đối với các dự án PPP hiện nay đó là bài toán tài chinh vơi hai nội dung nóng là: thị trường vốn và hoàn lãi vay.

Ở các nước phát triển mạnh phương thức đầu tư PPP. Trong đó, quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi Quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc ở Việt Nam chưa được hình thành, Nhà nước cần có cơ chế cho các Quỹ quốc tế về đầu tư được hoạt động ở Việt Nam.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Tái cơ cấu gắn với kinh tế số, kinh tế đô thị

So với Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn trước, Kế hoạch lần này có nhiều điểm mới và đột phá hơn. Cụ thể: Kế hoạch được bổ sung điểm mới để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới; trong đó nổi bật nhất là kinh tế số, kinh tế đô thị và phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 có một số điểm đột phá khi nêu rõ vai trò của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Từ đó, chúng ta sẽ có các giải pháp về hoàn thiện thể chế, giải pháp thức đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được đề xuất để thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại không gian kinh tế và phát triển lực lượng doanh nghiệp. Theo đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của người Việt được phát triển có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Ông PHẠM TUẤN ANH, Cục Phó Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương):
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp

Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước cần thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp đất nước là chủ trương lớn của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, trọng tâm của các chính sách công nghiệp cần phải hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp tư nhân nội địa. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Hạt nhân” tái cấu trúc giai đoạn 2021-2025: Nâng chất và lượng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO