Hãy giữ mãi thương hiệu "Thành phố Cảng Sài Gòn"!

Diendandoanhnghiep.vn Cho dù không gian của Cảng Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh ngày nay vươn ra rất xa, nhưng thiếu vắng cảnh thuyền bè tấp nập, thì thương hiệu "Thành phố Cảng Sài Gòn" sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa...

>>> Nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, khơi tiềm năng phát triển khu vực Cảng Sài Gòn

Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử, tôi phải nói rằng những công trình nghiên cứu và công bố về Lịch sử Cảng Sài Gòn quá ít và quá sơ sài so với tầm vóc và giá trị của nó. Hiện tại nước ta chỉ có 5 thành phố được coi là "thành phố cảng" là Sài Gòn, Vũng Tàu (xưa là Cap Saint Jacques), Quy Nhơn, Đà Nẵng (Tourane) và Hải Phòng. Mặc dù nhiều tỉnh khác cũng có những cảng quy mô không nhỏ như Vân Phong (Khánh Hòa), Cái Lân (Quảng Ninh), Dung Quất (Quảng Ngãi), Cửa Lò (Nghệ An), Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), riêng Khánh Hòa có 2 cảng quan trọng là Vân Phong và Cam Ranh… nhưng không thể mang danh xưng là "thành phố cảng".

Lược sử "Thành phố Cảng Sài Gòn"

"Thành phố Cảng" là những đô thị mà yếu tố "cảng" không những từng là cội nguồn lịch sử hình thành mà còn là động lực cho sự phát triển của đô thị ấy. Nó trở thành một khái niệm chứa đựng cả giá trị lịch sử (tuổi thọ và vị thế trong nền kinh tế quốc dân cũng như hệ thống hàng hải quốc tế). Trong số 5 "thành phố Cảng" ấy, mỗi thành phố có những đặc thù riêng nhưng "Thành phố Cảng Sài Gòn" phải được xem là sớm nhất theo kháí niệm "thành phố" hiện đại với những tiêu chí phổ quát của thế giới. Với lịch sử hình thành, Thành phố cảng Sài Gòn có các cái mốc lớn sau:

Tranh bút sắt dựa trên bản khắc ảnh Thương cảng Sài Gòn 1863 trong dịp đón vua Campuchia và du khách (khi đó ảnh chụp trên kính chưa có giấy ảnh để in ra)

Tranh bút sắt dựa trên bản khắc ảnh Thương cảng Sài Gòn 1863 trong dịp đón vua Campuchia và du khách (khi đó ảnh chụp trên kính chưa có giấy ảnh để in ra)

Một là, cho dù ở cửa ngõ để theo Sông vào Sài Gòn-Gia Định, hạm đội của thực dân đã đánh chiếm, neo đậu để làm bàn đạp tiến vào đánh chiếm Sài Gòn (1859), rồi sau đó xây dựng tại biển chiếc hải đăng đầu tiên đầu tiên (1862), nhưng ngay sau khi đánh chiếm được thành Sài Gòn (17/2/1859) thì cũng chỉ một năm sau đó, ngày 22/2/1860, người đứng đầu đạo quân của Pháp khi đó là Chuẩn đô đốc Page đã quyết định "mở Cảng Sài Gòn để tự do thông thương".

Chủ trương đó cho thấy, trước khi Pháp đánh chiếm đã có một Cảng Sài Gòn của triều Nguyễn trên mảnh đất Nam Bộ và người Việt đã "cắm dùi" hai thế kỷ và có thể còn kế thừa truyền thống sông nước vốn rất thạo của người Chăm, chủ nhân sớm hơn khai thác mảnh đất này. Nhưng chính nền kinh tế sản xuất lúa gạo của người Việt trên Châu thổ Sông Mê Kông mới tạo ra tiềm lực xuất cảng gạo cũng như kỹ thuật đóng tàu của triều Nguyễn có tiếp cận với công nghệ đóng tàu của phương Tây) đã là nền tảng cho sự phát triển của Cảng Sài Gòn trong vai trò giao thương trong khu vực có đóng góp của cả Hoa và Ấn kiều.

Chủ trương ấy cũng cho thấy thực dân Pháp muốn nhanh chóng phát huy vai trò của thương và quân cảng này để nối kết với chính quốc và thị trường châu Âu và rộng hơn bên cạnh mối giao thương với khu vực. Và cũng thể hiện ý đồ chiếm đóng lâu dài và mở rộng thuộc địa trên bán đảo Đông Dương.

Hai là, thêm đúng một năm sau, tháng 2/1861, Hãng Vận tải Hoàng gia (Messageries Impériales sau đổi thành Messageries Maritimes) được chính phủ Pháp chỉ định bảo đảm tuyến hàng hải nối Đông Dương với chính quốc đã tiến hành xây dựng toà trụ sở đầu tiên mà sau này được gọi là Nhà Rồng (1862) và ngày 15/8/1862 đã hoàn thành cây đèn biển quan trọng ở cửa ngõ Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) là những khởi động mạnh mẽ cho Cảng Sài Gòn phát triển. Tiếp đó, một số ngọn hải đăng khác được xây dựng như: Hải đăng "bẩy cạnh" ở Côn Đảo (1883), Hải đăng Cù lao Xanh ở Bình Định (1890), Hải đăng Đại lãnh ở Tuy Hòa, Phú Yên, Hải đăng Hòn Dấu ở Đồ Sơn, Hải Phòng (1894), Hải đăng Long Châu, Hải Phòng (1894), Hải đăng Kê Gà , Bình Thuận (1897), Hải đăng Hòn Khoai, Cà Mau (1899)...

>>> TP.HCM: Đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng xây cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức PPP

Ngay trong năm 1861, Cảng Sài Gòn đã đón 251 chuyến tàu cập bến với tổng trọng tải là 81.595 tấn, còn số tàu rời bến là 860 chuyến với tổng trọng tải là 2.104.433 tấn... Và cho đến năm 1930 thì trong hệ thống các cảng của nước Pháp và các thuộc địa, Cảng Sài Gòn xếp thứ 8 (sau các cảng Rouen, Marseille, Le Havre, Dunkerque, Bordeaux, Nantes và Caen.

Việc mở cảng còn thúc đẩy xuất khẩu và tăng giá gạo mang lại nguồn thu cho Nam kỳ, báo cáo của Đô đốc de La Grandière cho biết thu nhập năm 1864 của Nam kỳ đã lên tới 2.981.709 France, trong đó có những đóng góp to lớn của việc mở cửa giao thương qua cảng Sài Gòn. Báo chí đương thời đã nhận định "Nam kỳ và cảng Sài Gòn không những là một vị trí quân sự và chính trị rất quan trọng mà còn có thể trở thành kho chứa hàng ở vùng Viễn Đông, tâm điểm giao thương các khu vực xa xôi đổ vào và từ đó tỏa ra khắp nơi..."(La Gazette de France 5/11/1864).

Ba là, một mốc quan trọng khác là ngày 25/8/1862, sau 2 năm rưỡi mở cửa (18/2/1860) chính quyền thuộc địa ban hành "Quy chế hoạt động của Cảng Sài Gòn" do Phó đô đốc Bonard ký quy định các điều kiện, thủ tục, các cấm kỵ và chế tài xử phạt đối với các phương tiện hàng hải muốn sử dụng Cảng Sài Gòn. Rồi hai thập kỷ sau đó, ngày 23/1/1882, Thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers ký nghị định về việc thu lệ phí cũng như những quy định miễn giảm góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển quan trọng bậc nhất của Đông Dương và Nam kỳ.

Khu vực thương cảng ở Sài Gòn, với Nhà Rồng (ngày nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) đang được xây dựng. Hình ảnh được đăng tải trên website của Thư viện Wellcome, London (Anh)

Khu vực thương cảng ở Sài Gòn, với Nhà Rồng (ngày nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) đang được xây dựng. Hình ảnh được đăng tải trên website của Thư viện Wellcome, London (Anh)

Đồng thời cũng phải nhắc tới quyết định Nhà nước Pháp công nhận Sài Gòn mang quy chế "thành phố" (ville) như ở chính quốc và trong thời gian đầu được xác định là thủ phủ xứ Đông Dương thước Pháp, đến năm 1902 thì có thêm Hà Nội (ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn về chính trị và ngọai giao của Liên bang Đông Dương).

Cho đến 1945, thời thuộc địa kéo dài 80 năm (1860-1945), tuy bị những tác động của tình hình thế giới trong đó có chiến tranh thế giới (chủ yếu ở chính quốc) và các cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng về căn bản Cảng Sài Gòn vẫn phát triển tạo nên một nhân tố phát triển cho chính thành phó Sài Gòn và toàn thuộc địa Đông Dương, trong đó ta hay nhắc đến khái niệm "Hòn Ngọc Viễn Đông" thì cũng có vai trò của Cảng đối với Thành phố.

Không gian cho "Thành phố Cảng Sài Gòn"

Từ sau năm 1945, cùng với cả nước, Thành phố Sài Gòn chịu chung những tác động mang tính đảo lộn của cách mạng và chiến tranh, những cuộc chiến tranh trực tiếp trên lãnh thổ nước ta kể từ khi chế độ thuộc địa sụp đổ, nước Việt Nam độc lập rồi lâm vào hoàn cảnh chiến tranh, chia cắt dưới tác động của các nước lớn thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên trong bối cảnh ấy, Cảng Sài Gòn vẫn tiếp tục phát triển trong đó có cả tác động của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Đông Dương mà Cảng Sài Gòn vẫn là một cửa khẩu quan trọng nhất...

Thủ Thiêm, Ba Son, Thủ Ngữ, Bến Nghé là tên 4 cây cầu từ quận 1, 4, 7 và Bình Thạnh bắc qua bán đảo Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Những cái tên này đều mang ý nghĩa lịch sử gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Tên của những cây cầu Thủ Thiêm, Ba Son, Thủ Ngữ, Bến Nghé - 4 cây cầu từ quận 1, 4, 7 và Bình Thạnh bắc qua bán đảo Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) - đều mang ý nghĩa lịch sử gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Cầu Thủ Thiêm bắc qua Bình Thạnh về đêm

Sau ngày nước thống nhất, Thành phố Sài Gòn có tác động hạn chế sự phát triển do những tác động quản lý kinh tế, cấm vận và khủng hoảng phát triển. Nhưng kể từ sau Đổi Mới (1986) và nhất là hội nhập ngày một sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Cảng Sài Gòn cũng như các cảng cũ và mới xây trong cả nước đều phát triển. Sự phát triển của khoa học công nghệ liên quan đến hàng hải và logistic đã làm thay đổi khá căn bản bộ mặt của các cảng biển. Không gian phải mở rộng theo chiều hướng xây những thiết bị và kho tàng logistic gần biển hơn, xa trung tâm thành phố hơn. Tuy nhiên du lịch và văn hóa phát triển lại đòi hỏi phải khai thác tối đa những di sản vật thể và phi vật thể về giá trị một "Thành phố Cảng " mang tính "kinh điển" của Thành phố Sài Gòn nay đã mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Mà trung tâm mang tính tiêu biểu của "Thành phố Cảng Sài Gòn" chính là không gian từ Quận 4 qua Quận 1 gắn với Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ cho đến Bến Bạch Đằng.

Cho dù không gian của Càng Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay vươn ra rất xa và chiếm lĩnh những không gian rất rộng lớn cũng như những trang thiết bị, kho tàng hiện đại hơn rất nhiêu, nhưng hình ảnh thiếu vắng cảnh thuyền bè tấp nập, trên bến dưới thuyền, đặc biệt là những phương tiện gắn với du lịch... thì hình ảnh hay thương hiệu "Thành phố Cảng Sài Gòn" với bề dày hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại cho đến nay sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa. Nó sẽ giống như Huế có cảng nằm ở Chân Mây, Khánh Hòa có tới 2 cảng nhưng lại nằm ở Vân Ông và Cam Ranh… trong khi thủ phủ Nha Trang nằm ngay trên bãi biển...

Nhìn lại cái không gian mà ta tạm gọi là kinh điển: hay cái lõi giá trị lịch sử thì ngoài trụ sở của Doanh nghiệp quản lý Cảng Sài Gòn, thì tất cả đã có những điều chuyển theo chiều hướng giảm dân hình ảnh. Ví như Cột Cờ Thủ Ngữ thì không còn dấu ấn công năng của một thiết chế tín hiệu của một cảng biển; Tòa trụ sở sớm nhất của Hãng Tàu biển sớm nhất (Nhà Rồng) tuy đã trở thành một bảo tàng nhưng chủ đề chính lại là chi nhánh Bảo tàng HCM tại TPHCM, tuy có liên quan đến cảng, nơi "Bác ra đi tìm đường cứu nước" nhưng cũng chỉ là một hần nhỏ của "Thành phố Cảng"; Cả khu Công nghiệp đóng tàu Ba Son đã bị xóa sổ, ngay cả cái chứng tích quý và đáng giữ nhất là cái âu tầu cũng không còn. Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng chi là một chứng tích có ít nhiều liên quan....

Và hệ trọng hơn hết là dòng Sông Sài Gòn đi sâu vào trong lòng thành phố cũng có nguy cơ bị đứt đoạn nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cầu đã và sẽ xây. Nếu chỉ coi là công trình giao thông đường bộ nội đô thì cũng có nghĩa là khai tử không gian lõi cũng như danh vị "Thành phố Cảng". Hình ảnh những con tàu, nhất là những tàu du lịch, một phương tiện mà thế giới đang phát triển mạnh mẽ lừng lững đi sâu vào lòng thành phố, cập bến ngay trong trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp cận rất gần các thiết chế chính trị văn hóa và kinh tế của thành phố như Tòa thị chính, Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh (biểu tượng của Thành phố), Nhà hát Thành phố, các khu Thương mại, du lịch trung tâm... thì hình ảnh và thương hiệu của TPHCM sẽ thể hiện được đẳng cấp và giá trị của một "Thành phố Cảng".

Không phải tự nhiên mà cây cầu thép đầu tiên người Pháp xây dù chỉ trên nhánh (Kênh Tàu Hủ) có liên quan đến Cảng Sài Gòn của hãng Messageries Maritimes chỉ làm một nhịp và mang dáng Cầu Vồng (nên dân gọi là Cầu Mồng, Tây gọi là Pont s'Artificiel), để cho tàu thuyền dân bản xứ hay tàu nhỏ của Tây ra vào. Còn cầu lớn qua Sông Sài Gòn chủ yếu dành cho đường sắt là Cầu Bình Lợi cũng phải dành 1 nhịp làm cầu quay để bảo đảm tàu biển vẫn qua được đoạn sông bắc cấu. Tại Cảng Hải Phòng cũng vây, cây cầu thép sớm nhất cũng là một cầu quay quy mô rất lớn... Nhìn lại Đà Nẵng một thời xây cây cầu đầu tiên qua Sông Hàn (không tính đến các cầu làm tạm của quân fội Mỹ trong chiến tranh như cầu Nguyễn Văn Trỗi) cũng làm cầu quay. Và về sau này với những công nghệ mới (cầu dây văng) nhiều cầu dựng ở những nơi có nhu cầu phát triển đường thủy nội địa, nhất là có cảng biển đều xây cầu có khoảng cách tĩnh không rất cao, tiêu biểu như Cầu Bãi Cháy...

Do vậy muốn bảo vệ danh xưng hay thương hiệu "Thành phố Cảng Sài Gòn" cho Thành phố Hồ CHí Minh của chúng ta, thì trước tiên phải bảo vệ chính không giam cái lõi của Cảng Sài Gòn trong lịch sử và con sông Sài Gòn dẫn tàu bè vào sát trung tâm thành phố, cũng có nghĩa là không có chướng ngại nào trên dòng sông ấy...

Một phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM

Một phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM

Bài học từ 2 "Thành phố Cảng" thế giới

Chúng ta có thể thấy rõ những vấn đề trên hơn khi nhìn từ hai dẫn chứng, là hai thành phố Cảng nổi tiếng. 

Trường hợp Thành phố Busan của Hàn Quốc: Thành phố lớn thứ hai có 3,5 triệu dân này cũng là một đầu mối kết nối xứ này với thế giới mà trước hết là Nhật Bản. Ngoài cảng biển, Busan cũng là nơi xây tuyến đường sắt đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 1924 (so với Sài Gòn từ lâu đã là thành phố lớn nhất Việt Nam về quy mô, nay đã là siêu đô thị về dân số vượt xa Busan, có đường sắt từ 1881 nối với Mỹ Tho dài 70km, từng là thủ phủ của Đông Dương...).

Nhưng Busan hơn hẳn Sài Gòn ở chỗ biết khai thác ưu thế của một "thành phố cảng" và "thành phố đóng tàu" trở thành cửa ngõ xuất và nhập tất cả những tiềm năng của nó, không chỉ là sản phẩm công nghệ mà chính là nguồn lực của con người, trong đó có văn hóa của cư dân thành phố biển". Tự biến thành "thủ đô mùa Hè" của Hàn Quốc và đầu mối giao lưu văn hóa với thế giới, Busan nổi tiếng với Liên hoan phim quốc tế mang tên thành phố của mình và Busan Biennale 2 năm tổ chức một lần như liên hoan nhiều nghệ thuật quốc tế, rồi Busan là nơi diễn ra thường niên One Asia Festival, K-pop lớn nhaát ở Hà Quốc (từ 2016), Lễ hội Cát tại bãi biển Hauendae... Ngoài ra đây cũng là thành phố đại học nổi tiếng của quốc gia này....

Thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta ít quan tâm và ý thức mình là thành phố Cảng trong khi năng lực cảng biển của chúng ta vẫn phát triển nhưng khuất xa trong đời sống văn hóa của khu trung tâm thành phố. Người ta đến thành phố này chỉ nhận thấy sự thay đổi "chóng mặt" do thị trường bất động sản đem lại, quy mô hoành tráng nhưng cũng ngày một ngột ngạt. Dấu hiệu dễ nhận biết và nhắc là biết Sài Gòn, là một "thành phố biển" mỗi khi triều cường làm ngập đường phố, tắc nghẽn giao thông (!?). Tôi đến Bangkok thật bất ngờ thấy có một Bảo tàng Ốc Biển tầm cỡ quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, một quốc gia có hơn 3 ngàn cây số bờ biển, có tỷ lệ bờ biển so với diện tích lãnh thổ loại lớn thế giới, có cái bè mảng bằng tre đã được thế giới công nhận rằng có khả năng vượt qua Thái Bình Dương sang tận Châu Mỹ ở những thế kỷ xa xưa mà chưa thấy ở đâu, nhất là ở Sài Gòn này - một bảo tàng về các phương tiện đi biển và năng lực đi biển của người Việt Nam.

Trường hợp Thành phố Liverpool của Nước Anh: Là địa danh mà nhiều người Việt Nam và thành phố của chúng ta biết tới trước hết là một đội bóng đá có thành tích oanh liệt và phong cách độc đáo. Nhưng Liverpool trước hết nổi tiếng là một thành phố của cảng biển và công nghệ đóng tàu. Những di sản vật thể và phi vật thể của thành phố cảng này đã được UNESCO công nhận vào năm 2004. Nó đã mang lại cho thành phố Liverpool một sự thu hút mạnh mẽ về du lịch nhưng những nhà quản lý và giới thương gia bất động sản cũng coi đây là cơ hội để phát triển thành phố theo hướng tăng hạ tầng và tiện nghi.

Năm 2012 UNESCO cảnh báo về việc xây dựng quá nhiều căn hộ và một công trình thể thao quá lớn tại "lõi" của di sản... Lời cảnh báo không có tác dụng khiến danh hiệu Di sản của Thành phố Liverpool bị UNESCO thu hồi ngày 21/7/2021 ! Đến nay cuộc tranh luận về chủ đề "bảo tồn và phát triển" vẫn đang nóng để bênh vực hay lên án thành phố đã để "mất di sản" này. Cũng trong năm đó (2021), UNESCO tước bỏ danh hiệu Di sản văn hóa đối với Thung lũng Dresden Elbe của Đức chỉ vì một cây cầu bắc ngang Sông Elbe để giải quyết giao thông đường bộ có quy mô và kết cấu không phu hợp với cảnh quan và giá trị của dòng sông ảnh hưởng đến toàn bộ không gian của di sản...

Nhắc đến những trường hợp trên, thành phố Busan để thấy người Hàn Quốc có di sản "thành phố biển" điểm xuất phát khiêm nhường hơn ta (mặc dù sự so sánh này là khập khiễng) nhưng họ đã sáng tạo và năng động trong việc khai thác giá trị của "thành phố cảng" của mình mà tạo nên những thành quả to lớn tầm quốc tế. "Thành phố Cảng Sài Gòn" của chúng ta chưa có danh hiệu nào về di sản nhưng mọi người đã thấy những di sản thực sự mà chúng ta có đã bị mai một như thế nào trong cuộc đấu không cân sức giữa "bảo tồn và phát triển". Bài học Ba Son và có thể còn liên quan đến những cây cầu (số 3&4) với độ thông thủy rất thấp sẽ chặn đứng những con tàu đi sâu vào thành phố như biểu trưng sống động và đầy "nhớ nhung" (nostalgie) về một "thành phố Cảng" đang dễ bị phai mờ và có thể mất hẳn cho dù các cơ sở của công nghệ cảng và logistic có mạnh mẽ đến đâu ở những nơi xa dù vẫn trong không gian hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh.

Một lễ hội hoành tráng và lẽ ra nó phải có từ lâu, "Lễ hội Sông Nước" đầu tiên được tổ chức mới đây mà tôi có may mắn được chứng kiến phải chăng là dấu hiệu khởi động cho một "thành phố Cảng Sài Gòn" sống dậy trong lòng Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu Đổi Mới?!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hãy giữ mãi thương hiệu "Thành phố Cảng Sài Gòn"! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714396483 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714396483 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10