Chính trị

"Hãy vững bước" - lời hiệu triệu cho nền hành chính mới

Nguyễn Giang 12/07/2025 05:00

Khi tổ chức đã chỉnh tề, điều được đặt ra không phải là vận hành thông thường, mà là chứng minh năng lực cải cách và trách nhiệm chính trị thực chất.

Sau gần hai tuần bộ máy mới chính thức vận hành, câu nói “Đội ngũ đã chỉnh tề, hãy vững bước” của Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn vang lên như một mệnh lệnh cải cách. Đây không chỉ là một phát ngôn trong lễ ra mắt bộ máy mới, mà là lời hiệu triệu cả hệ thống chính trị, trong bối cảnh chính quyền không còn thời gian để làm quen, mà phải bước ngay vào giai đoạn chứng minh năng lực cải cách và trách nhiệm chính trị thực chất.

cai-cach-that-su-bat-dau-sau-sap-nhap.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi gắm một lời nhắn rất ngắn, nhưng là một chuẩn mực hành động rất dài. “Đội ngũ đã chỉnh tề, hãy vững bước”.

Sáp nhập đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, nhưng Tổng Bí thư đã yêu cầu phải nhìn xa hơn: “Không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được”. Ý chí chính trị ấy đặt ra một yêu cầu rất rõ: từ việc gộp đơn vị phải dẫn đến việc gọn quy trình, từ giảm đầu mối phải đi đến tăng hiệu quả, từ tổ chức phải chuyển thành hành động.

Vận hành bộ máy mới là một thử thách kép. Vừa phải ổn định tổ chức, không để chệch nhịp sau sắp xếp; vừa phải chứng minh năng lực phục vụ tốt hơn, tiếp dân nhanh hơn, ra quyết định chuẩn hơn. Tại một số xã điểm như Phúc Thịnh (Hà Nội), Tổng Bí thư đã trực tiếp ghi nhận chuyển biến từ mô hình phục vụ hành chính công rõ ràng hơn, trách nhiệm cụ thể hơn. Đó là những biểu hiện tích cực đầu tiên. Nhưng chính Tổng Bí thư cũng lưu ý: không để “treo tổ chức”, không để “ngắt dòng quản trị”, và đặc biệt không để tinh gọn bộ máy mà đánh mất sự gần dân.

Không thể gọi là “vững bước” nếu chỉ đứng yên. Không thể xem là “cải cách” nếu chỉ lo xếp ghế, mà chưa rà lại quy trình, phân cấp, phân quyền, ngân sách, phối hợp dọc – ngang. Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh gọn là “rất đúng, rất trúng, hợp ý Đảng, lòng dân”, nhưng cũng nhấn mạnh rõ rằng cần tiếp tục “rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương”. Tức là, sắp xếp tổ chức chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ phải là thể chế đồng bộ, quyền hạn rõ ràng, quy chế nhất quán và có cơ chế giám sát đi kèm.

Một trong những nguy cơ lớn nhất sau cải cách bộ máy là sự “chùng xuống về tư tưởng”, khi tổ chức đã ổn, con người đã an vị, thì hệ thống lại dừng lại ở trạng thái cũ. Chính vì vậy, tinh thần mà Tổng Bí thư liên tục nhắc tới sau ngày 1/7 là “phải chuyển động đồng bộ và thống nhất”, “không để sót việc, không để chậm trễ”. Một bộ máy không vướng mắc gì trên sơ đồ, nhưng ngập ngừng trong thực tiễn thì không khác gì chiếc xe mới nhưng không dám vào số.

Cải cách lần này có thể không ồn ào như những lần đổi mới cơ chế lớn trước đây. Nhưng đây là cải cách tổ chức quyền lực ở cấp địa phương, nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân, xử lý thủ tục, điều hành ngân sách, thực hiện chính sách công. Vì thế, mỗi sự trì trệ đều nhìn thấy, mỗi sự cải thiện đều được ghi nhận. Bộ máy càng gọn, trách nhiệm càng không thể chia nhỏ. Cán bộ càng ít tầng, sự chính danh và hiệu quả càng dễ kiểm chứng.

Sự chỉnh tề, về mặt hình thức, đến thời điểm này có thể coi là hoàn tất. Nhưng từ chỉnh tề đến vững bước là một chặng đường cần chứng minh. Vững không chỉ ở ý chí, mà ở quy trình. Vững không chỉ ở sự chỉ đạo, mà ở từng hành vi công vụ cụ thể. Vững không chỉ ở báo cáo sơ kết, mà ở sự thay đổi cảm nhận của người dân, doanh nghiệp – những đối tượng phục vụ trực tiếp của một chính quyền cải cách.

Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi gắm với một lời nhắn dù rất ngắn, nhưng là một chuẩn mực hành động rất dài ... “Đội ngũ đã chỉnh tề, hãy vững bước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Hãy vững bước" - lời hiệu triệu cho nền hành chính mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO