Hệ giá trị quốc gia - nguồn lực nội sinh mạnh mẽ

HẠNH LÊ 29/11/2022 17:30

Hệ giá trị quốc gia - hệ giá trị cốt lõi, tinh tuý nhất của nền văn hoá, chi phối các hệ giá trị khác - có ý nghĩa định hướng, dẫn dắt suy nghĩ, tình cảm, ý chí của mỗi người và cả dân tộc.

>>>Hệ giá trị văn hóa mới

Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì được tổ chức ngày 29/11 là sự kiện quan trọng nhằm nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021.

Phát biểu định hướng hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các đơn vị phối hợp chủ trì hội thảop/

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các đơn vị phối hợp chủ trì hội thảo (ảnh: PV)

Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.

Đề cập đến sự cấp thiết xây dựng hệ giá trị quốc gia, GS.TS Trần Văn Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn xây dựng hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị quốc gia vừa là đích đến vừa là tiêu chuẩn được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động.

Nhiều năm qua, hệ giá trị quốc gia được đề cập và đến Đại hội XIII của Đảng đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nhận thức tầm quan trọng, sự cần thiết phải nghiên cứu, xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người trong sự gắn kết với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đây là điểm mới, bởi lẽ chỉ trên cơ sở xác định các hệ giá trị này chúng ta mới khơi dậy, phát huy, phát triển nguồn lực cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.

“Hệ giá trị quốc gia nằm trong sự gắn kết, thống nhất với hệ giá trị văn hóa quốc gia, hệ giá trị (chuẩn mực) con người Việt Nam mới, hệ giá trị gia đình Việt Nam. Tổng hợp những giá trị này là nền tảng tinh thần của xã hội mà chúng ta vừa phấn đấu xây dựng vừa hướng tới hành động” - GS.TS Trần Văn Phòng chia sẻ.

Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho hay: đa số các nước trên thế giới đều rất quan tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia, lấy đó làm kim chỉ nam cho sự phát triển, biến thành động lực để cả xã hội phấn đấu thực hiện. Thậm chí xuất hiện những hệ giá trị chung cho cả một châu lục, một liên minh, như người ta thường nói đến “các giá trị châu Á”, “các giá trị phương Tây”.

Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” thu hút rất đông các nhà khoa học hàng đầu cả nước tham gia

Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” thu hút rất đông các nhà khoa học hàng đầu cả nước tham gia

Đối với Việt Nam, GS.TS Từ Thị Loan khẳng định, việc xác định và xây dựng hệ giá trị quốc gia hiện nay là cần thiết và cấp bách trên các phương diện: địa chính trị, kinh tế, văn hoá. Trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu… đang đặt ra những thách thức lớn đối với mục tiêu chúng ta đặt ra: “Đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Vì thế, theo GS.TS Từ Thị Loan, cần xác định một hệ giá trị quốc gia chuẩn xác, phù hợp, có sức thuyết phục để cổ vũ, dẫn dắt, “khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong các tầng lớp nhân dân.

Hệ giá trị quốc gia cần được xác lập trong bối cảnh kinh tế thị trường, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những biểu hiện xuống cấp đạo đức, băng hoại lối sống, tha hóa nhân cách, tình trạng tham nhũng, xa hoa, lãng phí, tiêu cực có chiều hướng gia tăng... GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, đó là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị, thậm chí có ý kiến còn cho rằng đó là tình trạng khủng hoảng giá trị trong khi giá trị cũ chưa được cấu trúc lại và cái mới chưa được xác lập.

“Việc giữ gìn, phát huy và phát triển các hệ giá trị, trong đó có hệ giá trị quốc gia - hệ giá trị nền tảng, tiên quyết, chi phối các hệ giá trị khác - càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hệ giá trị quốc gia sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn dân Việt Nam hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc” - GS.TS Từ Thị Loan.

Để từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, GS.TS Trần Văn Phòng cho rằng cần quán triệt tốt một số yêu cầu như xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia; dựa vào nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam; có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; chủ động tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hóa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam trong xây dựng hệ giá trị quốc gia.

“Bốn yêu cầu này phải được quán triệt đồng bộ, toàn diện trên thực tế thì việc xây dựng hệ giá trị quốc gia mới hiệu quả, thiết thực, thống nhất với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam, tránh được giáo điều cũng như thành tích và hình thức” - GS.TS Trần Văn Phòng chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng Hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam trong giai đoạn mới

    Xây dựng Hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam trong giai đoạn mới

    20:00, 01/12/2021

  • Văn hoá doanh nghiệp -

    Văn hoá doanh nghiệp - "bộ gene" làm nên hệ giá trị doanh nghiệp

    05:00, 22/11/2021

  • Hệ giá trị mới trong kinh doanh

    Hệ giá trị mới trong kinh doanh

    02:50, 04/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hệ giá trị quốc gia - nguồn lực nội sinh mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO