Xác định hệ giá trị Việt Nam: Khó nhưng vẫn phải thực hiện

NGUYỄN VIỆT 09/01/2023 04:00

Hệ giá trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người. Việc xác định hệ giá trị Việt Nam, dù là một việc làm vô cùng khó khăn, nhưng vẫn phải thực hiện.

>>“Long Phụng trình tường” tại Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam

PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ về việc xác định hệ giá trị Việt Nam.

PGS,TS. Bùi Hoài Sơn đánh giá, hệ giá trị được xem là những định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam. Nhờ có những định hướng lớn này, chúng ta có thể huy động sự tập trung, thống nhất, đoàn kết, từ đó, giúp dân tộc ta đạt thắng lợi một cách thuận lợi hơn. Nhờ có định hướng giá trị, chúng ta mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội.

Lễ hội đu tiên truyền thống tại làng Gia Viên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được giữ gìn qua hàng trăm năm_Nguồn: vietnam.vnanet.vn

Lễ hội đu tiên truyền thống tại làng Gia Viên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được giữ gìn qua hàng trăm năm_Nguồn: vietnam.vnanet.vn

Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác định và ứng dụng hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Khó khăn lớn nhất trong việc xác định hệ giá trị Việt Nam (hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người) đến từ sự đa dạng của chính xã hội.

Định hướng phát triển con người

Trên thực tế, trong Nghị quyết 33-NQ/TW, chúng ta đã xác định đầy đủ phẩm chất con người Việt Nam như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, đặc trưng của văn hóa Việt Nam: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Ở phương diện nào đó, đây chính là hệ giá trị. Song sự đa dạng của xã hội không cho phép chúng ta hiểu và vận dụng một cách chung chung. Có nghĩa là, yêu nước sẽ cần phải được hiểu khác nhau ở các nhóm đối tượng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, công việc khác nhau.

"Yêu nước trong thời kỳ Covid-19 là ở nhà, yêu nước đối với người nông dân đôi khi đơn giản chỉ là làm tốt, có trách nhiệm đối với công việc đồng áng của mình, với học sinh đó là học thật giỏi để kiến thiết đất nước... Như vậy, từ những giá trị chung, chúng ta cần cụ thể hóa hệ giá trị văn hóa Việt Nam thành những tiêu chí hết sức cụ thể, phù hợp, khả thi", PGS,TS. Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Nhìn chung, hệ giá trị văn hóa Việt Nam được thể hiện ở giá trị dân tộc được phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc. Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc.

Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc ngang tầm thế giới và thời đại.

Giá trị dân chủ là một giá trị tiến bộ của thời đại, đề cao các quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa, mọi công dân đều bình đẳng và được tôn trọng.

Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ các giá trị văn hóa; Giá trị nhân văn đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam vốn trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình nghĩa.

Trong khi đó, giá trị khoa học là hướng các hoạt động xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Trải qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài trong lịch sử, con người Việt Nam luôn được thử thách, tôi luyện, hun đúc để hình thành nên nhiều giá trị tốt đẹp.

Giáo sư Trần Văn Giàu từng đưa ra 7 giá trị con người Việt Nam truyền thống tiêu biểu: “Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”.

Những giá trị này trong một thời gian dài đã trở thành hằng số giúp dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, giữ vững nền độc lập trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước.

Năm 1943, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời và được xem là một trong những định hướng chính sách quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Sau gần 80 năm, những giá trị của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức sống của Đề cương trong xã hội đương đại.

Những nguyên tắc phát triển văn hóa, như Dân tộc hóa – Khoa học hóa – Đại chúng hóa là những tiền đề để hình thành nên hệ giá trị dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, đang được bổ sung những nội dung mới, để làm phong phú thêm những giá trị văn hóa, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn lao tới hệ giá trị con người Việt Nam.

>>NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Sứ mệnh doanh nhân

>>NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản là nguồn lực để phát triển du lịch

Xuất hiện những “lệch chuẩn”

Vẫn theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy, thì cũng có không ít biểu hiện “lệch chuẩn”, hành vi “phản giá trị”, ứng xử vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống.

Cây tre trong văn hóa Việt. Ảnh: Internet

Cây tre trong văn hóa Việt. Ảnh: Internet

Những năm gần đây, sự xuống cấp về đạo đức, sự băng hoại về lối sống, sự tha hóa về nhân cách có chiều hướng gia tăng đang là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng các giá trị.

Giáo sư Phan Huy Lê từng nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khủng hoảng hệ giá trị nghiêm trọng. Đây là lúc hệ giá trị cổ truyền bị giải thể, giải cấu trúc, không còn nguyên giá trị và tính hệ thống, nhưng hệ giá trị mới lại chưa thành hình để có thể thay thế hệ giá trị cũ. Cái cũ thì giải thể, chưa được cấu trúc lại, cái mới chưa được xác lập. Đây đúng là giai đoạn quá độ, rối loạn từ trong hệ giá trị”.

Do vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang đặt ra vô cùng cấp thiết. Chính vì thế, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, và đến Kết luận 76 của Bộ Chính trị một lần nữa cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế."

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã kêu gọi: “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hoá, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam”.

Gần đây nhất, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định yêu cầu: “Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Cũng phải nói thêm rằng, hệ giá trị nêu trên mới là “hệ giá trị tổng quát”, “hệ giá trị gốc”, “hệ giá trị chủ đạo” mà từ đó có thể triển khai thành các “hệ giá trị bộ phận”, “hệ giá trị cụ thể”, “hệ giá trị phái sinh” cho sát hợp hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội.

"Có thể thấy, hệ giá trị này đã cố gắng kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bổ sung những giá trị mới của nhân loại và thời đại nhằm hướng đến hiện đại, hướng ra thế giới và hướng tới tương lai", PGS,TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • CEO IPPG: 7 giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

    02:30, 24/12/2022

  • “Long Phụng trình tường” tại Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam

    17:12, 23/11/2022

  • NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Sứ mệnh doanh nhân

    12:15, 23/11/2022

  • NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Di sản là nguồn lực để phát triển du lịch

    11:49, 23/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xác định hệ giá trị Việt Nam: Khó nhưng vẫn phải thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO