Theo Hiệp hội Nghiên cứu khởi nghiệp toàn cầu, trong 12 chỉ số tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp, có 2 chỉ số liên quan đến giáo dục và đào tạo khởi nghiệp.
Điều này cho thấy đào tạo giữ vai trò quan trọng và có tác động tới các thành tố khác để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh.
Một số nghiên cứu tại Mỹ và EU đã khẳng định có một mối quan hệ tích cực giữa giáo dục - đào tạo khởi nghiệp và hành vi khởi nghiệp cũng như sự gia tăng các công ty khởi nghiệp. Còn ở Việt Nam, do hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn non trẻ nên vai trò của các chương trình đào tạo càng quan trọng hơn nhằm xây dựng một hệ nhận thức chung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Không chỉ đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà ở bất kỳ lĩnh vực nào, hiểu đúng luôn là tiền đề tiên quyết để thực hiện đúng. Các thành phần trong Hệ sinh thái không thể giao tiếp hiệu quả được chứ chưa nói đến việc có thể gắn kết và phối hợp với nhau nếu không dùng chung một thứ ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ ĐMST. Và thứ ngôn ngữ này không thể tự nhiên sinh ra nếu không thông qua các hoạt động đào tạo.
Hiện tại, có các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các thành phần trong Hệ sinh thái dành cho nhiều đối tượng khác nhau như: cán bộ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái, giảng viên, cố vấn dẫn dắt (mentor), nhà đầu tư cho tới các khoá huấn luyện chuyên sâu (bootcamp) dành cho các startup. Tuy nhiên, những chương trình này đều do các tổ chức hoặc cá nhân độc lập thực hiện nên tính đồng bộ và thống nhất về nội dung đào tạo còn hạn chế. Thực tế này đã ảnh hưởng ít nhiều, gây hoang mang cho cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp cũng như bản thân các startup trong việc lựa chọn con đường đi của mình.
Thậm chí, ngay cả hai khái niệm căn bản là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh cũng không được nhiều người phân định rạch ròi nên sẽ khó đi đến thực hiện những việc lớn hơn như là xây dựng một Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia. Chưa kể đến những biến tướng mạo danh đào tạo khởi nghiệp sáng tạo để trục lợi ngày càng phổ biến của người tự xưng là chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp hoặc những nhóm kinh doanh không liêm chính đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Nhìn nhận được thực tế trên, một trong những sứ mệnh cốt lõi của Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia chính là hướng đến giải quyết những thách thức của công tác đào tạo thông qua xây dựng một bộ khung chương trình đào tạo tiêu chuẩn và cập nhật nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển giao nội dung thông qua các chương trình đào tạo cho các thành phần (ecosystem builder) có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các địa phương trên cả nước. Các chương trình và đối tượng hướng đến bao gồm: Đào tạo cho cán bộ hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương; Đào tạo cho giảng viên nguồn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đào tạo cho các cố vấn khởi nghiệp.
Một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có hiệu lực cần hội tụ các cấu phần đã được nhận diện hết sức cụ thể, sẵn sàng phục vụ; đặc biệt hơn là phải có sự kết nối để phối hợp chặt chẽ với nhau xuyên suốt hành trình hỗ trợ sự phát triển của những startup - đối tượng mục tiêu của hệ sinh thái. Hãy hình dung, một hệ sinh thái như một cỗ máy tính và các cấu phần của hệ sinh thái như là những thiết bị trong cỗ máy đó, để những thiết bị chính là các cấu phần của hệ sinh thái có thể giao tiếp được với nhau, kết nối và phát huy hết hiệu quả của chúng thì cần một hệ điều hành chung được xây dựng dựa trên ngôn ngữ của ĐMST. Do vậy, vai trò đào tạo của Hội đồng Cố vấn KNĐSMT Quốc gia chính là để lập trình nên hệ nhận thức và ngôn ngữ giao tiếp chung đó cho một hệ sinh thái.
Kì II: Sự cần thiết của tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp và các vườn ươm
Có thể bạn quan tâm