Từ đầu những năm 2000, khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp bắt đầu xuất hiện phổ biến trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Nhưng trước đó gần 10 năm, Chương trình khởi nghiệp Quốc gia đã “nhào nặn” những thành tố đầu tiên xây dựng lên một hệ sinh thái khởi nghiệp “đa mầu” và “đa biên”.
Năm 2011, Tổ chức IPP (Innovation Partnership Program) – Phần Lan đặt chân vào Việt Nam mang theo nền tri thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàng loạt những khái niệm mới, triết lý mới về cách làm khởi nghiệp. Cũng từ đó, trong từ điển tiếng Việt du nhập thêm cụm từ “hệ sinh thái khởi nghiệp”. Thực sự hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò rất lớn đối với việc thúc đẩy sự phát triển bền vững nền khởi nghiệp quốc gia. Nó bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng “hàng nhập khẩu” không chắc đã là cái Việt Nam chưa hề có. Nếu nhìn nhận một cách sâu sắc và tinh ý, “hệ sinh thái khởi nghiệp” đã được phác thảo “hình hài” từ những năm 2003 bởi Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia. Mặc dù thời điểm đó không ai nói cũng chẳng ai biết đến “cụm từ” này nhưng với chiến lược xây dựng một mạng lưới hỗ trợ tổng thể các hoạt động khởi nghiệp cho thanh niên – sinh viên, Chương trình đã tự “vẽ” chân dung sơ khai hệ sinh thái khởi nghiệp cho riêng mình.
Đi tìm những mảnh ghép ban đầu
Đặt trung tâm các hoạt động hỗ trợ của Chương trình là những dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp, ngay từ ngày đầu, Chương trình Khởi nghiệp đã xác định, để đưa các dự án từ ý tưởng ban đầu tới hiện thực hoá thành những doanh nghiệp thực thụ cần phải có sự vào cuộc, góp sức của toàn xã hội tạo thành hệ thống nguồn lực bao quanh, hỗ trợ, thúc đẩy các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Nhưng lúc đó, ở Việt Nam, việc xây dựng 1 mạng lưới hỗ trợ tổng thể về khởi nghiệp là chưa có tiền lệ, chưa ai làm, cũng chẳng có sách nào hướng dẫn. Mặc dù mọi thứ còn “mông lung” thật nhưng với quyết tâm theo đúng tinh thần “khởi nghiệp”, Chương trình đã “dong buồm” đi tìm từng mảnh ghép đầu tiên cho mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, tiền thân của hệ sinh thái khởi nghiệp sau này.
Một thực tế cho thấy ý tưởng khởi nghiệp sẽ mãi chỉ là ý tưởng nếu không được “uơm tạo” và thúc đẩy phát triển. Từ năm 2009, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp có sự “nâng cấp” đáng kể dẫn đến sự ra đời đồng loạt các mảnh ghép tiếp theo trong mô hình.
Hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò rất lớn đối với việc thúc đẩy sự phát triển bền vững nền khởi nghiệp quốc gia.
Cuối năm 2009, bản phác thảo Quỹ đầu tư khởi nghiệp được Chương trình soạn thảo nhằm mục đích thu hút các nguồn lực tài chính từ xã hội để đầu tư vốn cho các dự án khởi nghiệp. Đây là bước đi đột phá, nếu Quỹ đầu tư ra đời sẽ kích thích cũng như tạo nguồn lực lớn nuôi dưỡng các dự án phát triển. Bên cạnh Quỹ đầu tư, Chương trình bổ sung thêm 1 mảnh ghép quan trọng là các nhà đầu tư cá nhân bắt nguồn tư chính các doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp đã trưởng thành và muốn đóng góp, hỗ trợ thế hệ doanh nhân trẻ khởi nghiệp.
Năm 2013, nhận thấy nhu cầu đào tạo khởi nghiệp tại các địa phương và trường đại học tăng mạnh nhưng số lượng giảng viên bị thiếu hụt trầm trọng, trong khi đó chưa có 1 bộ giáo trình khởi nghiệp chuẩn nào áp dụng cho từng đối tượng cụ thể. Chương trình đã lên dự án biên soạn giáo trình khởi nghiệp và đào tạo giảng viên nguồn Chương trình khởi nghiệp (TOT). Với sự đồng hành của các giảng viên cao cấp của ILO và CEFE và IPP, 5 khoá TOT được triển khai tại Hà Nội và TP. HCM, cung cấp đội ngũ giảng viên khởi nghiệp khắp cả nước mà nòng cốt là giảng viên các trường đại học và doanh nhân.
Song song mạng lưới giảng viên khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp cũng hình thành trong thời gian đó. Xuất phát từ nhu cầu cần được tư vấn các vấn đề sát sườn với doanh nghiệp như tài chính, Marketing, pháp luật… các chuyên gia, doanh nhân trong từng lĩnh vực kinh tế đã đồng hành cùng Chương trình, bồi đắp thêm “chất dinh dưỡng” cho các “mầm non” khởi nghiệp phát triển vững vàng.
Năm 2014, Chương trình Khởi nghiệp chính thức thành lập Hội Đồng Tư vấn – Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam. Với sự ra đời của Hội đồng sẽ đem lại sức sống mạnh mẽ hơn nữa cho các hoạt động khởi nghiệp nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung của phía Nam. Kết hợp với phía Bắc tạo thành 2 trụ cột vững chắc cho hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia.
Hệ sinh thái không giới hạn
Trong suốt thời gian dài, Chương trình đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, đa thành phần và mỗi tỉnh chương trình đi qua, mỗi ngôi trường chương trình đặt chân tới là 1 điểm chấm tạo lên hệ sinh thái khởi nghiệp của Chương trình. Hệ sinh thái này có sự tiến hoá đặc biệt, chính những địa điểm, con người, thành tố tạo nên tấm bản đồ giờ đây dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Chương trình Khởi nghiệp lại tự kết nối, bổ sung nguồn lực tạo ra một hệ sinh thái nhỏ kết nối cùng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn quốc. Và nó cứ lan toả, lan toả dần từ tỉnh này sang tỉnh, từ trường này sang trường khác tạo nên một Hệ sinh thái không giới hạn.
Ngày nay, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và thách thức về đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp. Chương trình khởi nghiệp Quốc gia không nằm ngoài xu thế đó. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Chương trình lại được bổ sung thêm những thành phần mới. Từ năm 2018, các hoạt động phát triển mạng lưới cố vấn khởi nghiệp (Mentor), Quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà cung cấp dịch, vườn ươm được triển khai mạnh mẽ.
Giờ đây với mục tiêu đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ra thế giới, có lẽ sự kết nối với các tổ chức quốc tế sẽ giúp tấm bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng mang tầm vóc lớn hơn.