Hết than, nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng "ngồi trên lửa"

Thu Duyên 23/11/2018 16:12

Nhiên liệu than cho sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) tại Quảng Ninh, Hải Phòng đang thiếu hụt trầm trọng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có công văn số 5997/EVN-KTSX gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc “hết than cho sản xuất điện tại nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng” và đề xuất phương án xử lý thực trạng đáng báo động này.

Nguy cơ ngừng hoạt động

Công văn số 5997/EVN-KTSX  cho biết, ngày 2/10/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có công văn số 383/EVN-HĐTV về việc cung cấp than antraxit cho các nhà máy điện trong dài hạn và công văn số 5776/EVN-KTSX ngày 9/11/2018 về việc giải pháp cấp bách để đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện báo cáo Bộ Công Thương.

Trong các cuộc họp ngày 12/11/2018 và ngày 14/11/2018 do Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) đã cam kết đảm bảo cấp đủ than cho các NMNĐ sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế lượng than cấp cho các nhà máy từ đầu tháng 11 tới nay vẫn thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ. Cụ thể như NMNĐ Quảng Ninh cấp được 187.198 tấn, tiêu thụ 201.164 tấn; NMNĐ Hải Phòng cấp được 130.803 tấn, tiêu thụ 205.579 tấn; NMNĐ Thái Bình cấp được 28.704 tấn, tiêu thụ 34.497 tấn và đã ngừng cấp than từ ngày 17/11/2018.

Được biết, Công ty đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với 02 Nhà cung cấp tăng cường, bổ sung khối lượng than để đáp ứng đủ cho các Tổ máy vận hành phát điện theo phương thức điều độ của Hệ thống điện Quốc gia. Tuy nhiên, các Nhà cung cấp than không đáp ứng được phương thức cấp than hàng ngày và khối lượng than bổ sung theo đề xuất, kiến nghị của Công ty.

Một vài ngày gần đây, tình hình cấp than cho các NMNĐ càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ tại các nhà máy đã bị giảm xuống rất thấp. Cụ thể NMNĐ Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ 1 ngày vận hành), NMNĐ Hải Phòng còn 66.785 tấn (khoảng 5 ngày vận hành). Từ ngày 17/11/2018, NMNĐ Quảng Ninh đã phải ngừng phát điện 2 tổ máy (tương ứng giảm công suất 600 MW) để đảm bảo đủ than duy trì vận hành 2 tổ máy còn lại. NMNĐ Quảng Ninh sẽ phải dừng cả 04 Tổ máy từ ngày 24/11 cho đến cuối năm 2018, nếu như 02 Nhà cung cấp than (nhất là TKV) không có kế hoạch bổ sung khối lượng than tăng thêm +10% theo quy định của Hợp đồng than năm 2018 đã ký (2.600.000 tấn). NMĐ Hải Phòng cũng đang có nguy cơ phải dừng 2 tổ máy vào cuối tuần này.

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ phải dừng cả 4 tổ máy vào ngày mai 24/3 nếu TKV và TCT Đông Bắc không cung cấp than

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ phải dừng cả 4 tổ máy vào ngày mai 24/11 nếu TKV và TCT Đông Bắc không cung cấp than

Trách nhiệm thuộc về ai?

Về việc mua than cho sản xuất điện, hiện nay, Công ty vẫn tuân thủ Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ (chỉ mua than cho sản xuất điện từ TKV và TCTĐB).

Ngày 07/11/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản số 440/EVN-HĐTV báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách bổ sung khối lượng than TKV, TCTĐB sản xuất thiếu cho sản xuất điện, trong đó có kiến nghị “cho phép EVN tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và chủ động nhập khẩu than Antraxite để có thể đốt trực tiếp tại một số MNNĐ (không cần pha trộn) để ưu tiên than sản xuất trong nước cấp đủ cho những nhà máy khác”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản trả lời kiến nghị của EVN nêu tại văn bản số 440/EVN-HĐTV. Trên cơ sở đó, mặc dù HĐQT đã thông qua chủ trương cho phép Công ty tìm kiếm, ký Hợp đồng với đơn vị có chức năng để cung cấp bổ sung khối lượng than thiếu hụt, phục vụ sản xuất điện năm 2018 nhưng Công ty chưa thể thực hiện việc mua bổ sung than (từ các đơn vị ngoài TKV và TCTĐB) khi chưa có ý kiến cho phép bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

Nếu tình trạng thiếu than cấp cho sản xuất điện diễn ra đến hết năm 2018, Công ty sẽ không thể hoàn thành kế hoạch sản lượng điện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động SXKD năm 2018 (lỗ do không có doanh thu bán điện).

Theo cập nhật tình hình thủy văn đến thời điểm hiện tại, nước về các hồ năm nay thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là các hồ khu vực miền Trung và miền Nam (tần suất từ 67%-99%). Nhiều hồ có khả năng không tích được tới mức nước dâng bình thường vào cuối năm. Sản lượng thủy điện trong 2 tháng cuối năm dự kiến sẽ thấp hơn kế hoạch đã được Bộ Công Thương 2 phê duyệt là 1,18 tỷ kWh. Đồng thời, lượng khí cấp cho các NMNĐ cũng bị suy giảm, sản lượng các nhà máy nhiệt điện khí cũng bị giảm so với kế hoạch là 810 tr. kWh. Do vậy trong các tháng cuối năm 2018 và mùa khô năm 2019, các NMNĐ than sẽ là nguồn điện chủ yếu và quan trọng cho hệ thống điện. Việc phải dừng các NMNĐ than do thiếu than làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh cung cấp điện, có khả năng phải sa thải phụ tải.

Để đảm bảo các nhà máy điện vận hành ổn định, cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải trong các tháng cuối năm 2018 và mùa khô năm 2019, thiết nghĩ TKV và TCT Đông Bắc trước mắt nên cung cấp bổ sung ngay than cho các NMNĐ Quảng Ninh, Hải Phòng đủ để vận hành, tránh tình trạng “ăn đong” như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ “ nút thắt” trong xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than

    Gỡ “ nút thắt” trong xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than

    06:00, 22/11/2018

  • Một loạt kiến nghị “giải thoát” Nhiệt điện Thái Bình 2

    Một loạt kiến nghị “giải thoát” Nhiệt điện Thái Bình 2

    07:01, 20/08/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hết than, nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng "ngồi trên lửa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO