Việc thành lập 8 trung tâm nông sản vùng ĐBSCL cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc duy trì mối liên kết, hình thành hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp với nông dân.
>>Chính sách ưu đãi "hút" doanh nghiệp đầu tư Trung tâm liên kết nông sản vùng ĐBSCL
Vùng ĐBSCL sẽ tập trung phát triển 08 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang và 7 trung tâm đầu mối có chức năng chính về thu gom, phân loại, chế biến nông sản tại An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre.
Chia sẻ với DĐDN, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp khẳng định, việc thành lập 8 trung tâm nông sản vùng ĐBSCL cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc duy trì mối liên kết, hình thành hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp với nông dân và kiến tạo không gian phát triển với địa phương từng vùng.
- Như vậy, trung tâm đầu mối tổng hợp tại Cần Thơ có vai trò đầu mối kết nối toàn vùng, thưa ông?
Trung tâm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ là mục tiêu rất tốt bởi hiện nay điểm nghẽn của nông nghiệp vùng ĐBSCL là manh mún, thiếu tính liên kết, người sản xuất và tiêu thụ không đến được với nhau cũng vì vậy mà chất lượng nông sản không đồng đều, sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí cao, tự phát nên xung đột, cạnh tranh lẫn nhau.
Do đó, liên kết vùng là vô cùng cần thiết nhưng điều kiện để liên kết thực sự rất phức tạp trong thực tế. Bởi vậy, Trung tâm này khi thực hiện được vai trò đầu mối liên kết sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ĐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL.
- Tuy nhiên như ông vừa nói, để thực sự hiện thực được vai trò đầu mối liên kết vùng với 7 trung tâm đầu mối còn lại có nhiều thách thức?
Trung tâm này cần có big data số liệu của toàn vùng. Theo đó, cập nhật mỗi tháng, mỗi giai đoạn mùa vụ của mỗi sản phẩm ví dụ như lúa gạo, cá tra… cụ thể của từng địa phương. Để doanh nghiệp có nhu cầu thu mua, tiêu thụ nông sản nắm được sản lượng từng sản phẩm sắp tới, của từng địa phương. Ngoài ra, các vấn đề hậu cần như logistics cũng cần theo những số liệu này mà tổ chức điều kiện phù hợp bảo quản, chế biến, tiêu thụ và thị trường.
>>Điểm yếu chế biến "kìm chân" chuỗi liên kết nông sản vùng ĐBSCL
>>Doanh nghiệp vượt rào cản an toàn để nông sản "xuất ngoại"
- Bên cạnh việc xây dựng dữ liệu lớn bigdata, “điểm yếu” chế biến trong chuỗi nông sản vùng ĐBSCL cần được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Chế biến là khâu quan trọng trong chuỗi liên kết, bắt đầu từ sản xuất cung ứng nguyên liệu, các doanh nghiệp phải nắm được yêu cầu của thị trường để đưa ra điều kiện chế biến đáp ứng yêu cầu đó. Trong chế biến này cần có vai trò của Nhà nước tham gia vào. Bởi chuỗi này cuối cùng là làm sao kêu gọi được hàng hoá, doanh nghiệp sau khi tìm hiểu trên bigdata sẽ biết được vùng nguyên liệu cho sản phẩm đó, kết nối với địa phương, cơ quan quản lý ở vùng đó để đưa tiêu chuẩn sản xuất cho người nông dân.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến hiện đại hoá công nghệ chế biến theo yêu cầu thị trường. Như vậy, nhà nước sẽ là “cầu nối” là bảo đảm cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân tránh “đứt gánh giữa đường”. Cụ thể, địa phương cần có hỗ trợ nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, vốn để đổi mới công nghệ.
- Theo ông, yếu tố nào là “chìa khoá” quyết định thành công việc thu hút doanh nghiệp vào chuỗi liên kết nông sản?
Quan trọng nhất vẫn là vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Nhà nước phải đứng ra, TP Cần Thơ cũng như các địa phương phải đứng ra để hình thành phát triển trung tâm đầu mối này thông qua các ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư cũng như đảm bảo mối liên kết, tránh để tình trạng tự làm.
Là vựa nông sản của cả nước, ĐBSCL cần chuyển tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn sang tư duy hợp tác đường dài, hình thành niềm tin cho nông dân, doanh nghiệp. Nhà nước phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh doanh nghiệp với nông dân cùng kiến tạo không gian phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
07:00, 22/09/2023
07:14, 16/09/2023
14:47, 15/09/2023