Phân tích - Bình luận

Hiệp định CEPA (Kỳ II): Cơ hội song hành thách thức

Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế 19/12/2024 11:01

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường trong khu vực Trung Đông và châu Phi.

Tuy nhiên, để tiếp cận các thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần vượt qua không ít thách thức.

cepa.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Mohammed bin Rashid Al Maktoum chứng kiến lễ trao văn kiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE.


Rộng cửa cho xuất nhập khẩu

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) không chỉ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, mà còn là trạm trung chuyển hàng hóa, giúp đưa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực Trung Đông và châu Phi.

Ngoài ra, hiệp định này tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường của UAE. Hơn 300 mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, phổ biến là nông sản chế biến, rau quả, trái cây, hàng tiêu dùng nhanh và nhóm hàng công nghiệp như dệt may, giày dép… đang được bày bán trên các kệ hàng thuộc hệ thống siêu thị của Lulu - tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại UAE.

Nhu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật tại UAE và Trung Đông không cao như Mỹ và EU. Cùng với đó, các điều kiện thông quan và giấy tờ thuận lợi hơn rất nhiều. Do đó, hàng hóa Việt Nam dễ dàng thâm nhập và kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường UAE trong thời gian ngắn.

UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của nước ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông.
Ngược lại, với Hiệp định CEPA, Việt Nam sẽ nhập khẩu những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao của UAE nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm mặt hàng là chất dẻo, hóa chất, kim loại, khí đốt hóa lỏng, thức ăn chăn nuôi…

Những mặt hàng nào sẽ hưởng lợi?

Các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Hơn nữa, đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.

Tiếp đến là hàng tiêu dùng bao gồm dệt may, da giày, điện tử... Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE, một thị trường có nhu cầu cao về thời trang và hàng tiêu dùng chất lượng.

Đối với lĩnh vực thủy sản, theo VASEP, trong giai đoạn từ 2018-2022, UAE đứng thứ 16 về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm tỷ trọng 0,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên dưới 20 triệu USD tôm sang thị trường này. Tuy là thị trường nhỏ nhưng được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm, ngày một tăng và nhất là khi Hiệp định CEPA vừa mới được ký kết, mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Tại thị trường UAE, tôm Việt Nam phải cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador. Ấn Độ chiếm gần 60%-70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi thị phần tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%-7%. Ấn Độ dường như đã tận dụng tốt lợi thế thuế quan tại thị trường này để gia tăng thị phần xuất khẩu tôm của mình trong những năm qua. Kỳ vọng, với Hiệp định CEPA, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất, để có thể tăng thị phần tại thị trường này.

Ngoài ra, gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CEPA. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn. Hai bên cũng thống nhất các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, minh bạch hoá mua sắm của Chính phủ...

Thách thức không nhỏ

Tập quán kinh doanh của thị trường UAE nói riêng và Trung Đông nói chung có đặc thù riêng, khác với các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Do đó, đây là rào cản đối với các doanh nghiệp lần đầu kinh doanh, đầu tư vào thị trường Trung Đông.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các quy định về thực phẩm theo chứng chỉ Halal. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm…, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có giấy chứng nhận Halal.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng công nghiệp, hạ tầng và logistics sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp đến từ UAE với thế mạnh lớn về công nghệ và nguồn vốn “khổng lồ”.

Đặc biệt, UAE gồm 7 nước tiểu bang. Mỗi tiểu vương quốc của UAE đều có quyền kiểm soát pháp lý riêng, bao gồm cấp giấy phép thương mại, cho phép liên doanh hoặc hợp tác giữa các doanh nghiệp. Những hoạt động này vẫn chưa có khuôn pháp lý cụ thể theo pháp luật của toàn liên bang. Sự chồng chéo giữa luật chung của toàn liên bang, luật riêng của từng tiểu vương quốc và luật riêng của từng khu vực tự do có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cảm thấy phức tạp và khó hiểu.

Kỳ III: Những lưu ý với doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiệp định CEPA (Kỳ II): Cơ hội song hành thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO