Trong bối cảnh thuận lợi trong hợp tác, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn, năm 2018, mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực cũng là lúc mở ra cơ hội cho xuất nhập hàng hóa giữa hai nước. Theo đánh giá của giới chuyên gia, dệt may là một trong lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.
Có thể bạn quan tâm
06:36, 08/03/2019
05:00, 02/03/2019
23:06, 01/03/2019
Thuế nhập khẩu vào Canada giảm còn 0%
Hiện dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Canada mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada. Thuế nhập khẩu vào Canada sẽ giảm từ 17%-18% xuống còn 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực (khoảng 50% mặt hàng xuất khẩu) hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang Canada.
Với mặt hàng giày dép, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức hiện tại; về cơ bản Việt Nam có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ mặt hàng giày dép nên khả năng được hưởng ưu đãi thuế cao.
Theo Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, giày dép Việt Nam chủ yếu do các công ty FDI sản xuất và họ có kênh phân phối riêng tại thị trường Canada và Bắc Mỹ, Việt Nam có thể xúc tiến thương mại các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như dép sandal, dép đi trong nhà, giày da, ủng đi mưa… qua hình thức kết nối giao thuơng.
Lưu ý quy tắc xuất xứ
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Canada tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của nhau để bổ sung cho nhau.
“Để có thể đáp ứng được yêu cầu xuất xứ của CPTPP để hưởng thuế suất ưu đãi thì doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác nguồn nguyên, phụ liệu dệt may của Canada, tiếp cận sâu hơn để nghiên cứu thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của một thị trường tiềm năng như Canada. Hoặc các doanh nghiệp Canada có thể đầu tư hoặc liên doanh liên kết đầu tư sản xuất sợi, vải với công nghệ tiên tiến tại Việt Nam để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào Canada, hoặc một nước khác trong CPTPP”, ông Cẩm lưu ý.
Đối với ngành dệt may, “quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi” trong CPTPP hiện nay đang là bài toán khó cho Việt Nam, khi hiện tại chúng ta chưa hình thành được các chuỗi cung ứng trong nước cũng như trong nội khối CPTPP.
Tuy nhiên, ông Cẩm đưa ra lưu ý rằng, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu tận dụng các quy định ngoại lệ như: Danh mục nguồn cung thiếu hụt hoặc một số sản phẩm CPTPP chỉ quy định hai công đoạn cắt may như: Vali, túi xách, áo lót, quần áo trẻ em bằng vải tổng hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp mạnh có thể liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu hoặc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI (trong đó có Canada) sản xuất sợi, vải, NPL, hình thành chuỗi cung ứng, từng bước đáp ứng yêu cầu xuất xứ.
Về mặt đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng, ông Lucas Trần, Giám đốc Công ty Giải pháp cung ứng bền vững toàn cầu GSS cho rằng ngoài việc phải đầu tư bài bản về cơ sở vật chất nhà xưởng, bảo đảm về năng lực, quy mô sản xuất, họ còn phải bảo đảm các vấn đề: Đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO 9001, TQM, ISO 13485, HACCP…, các chương trình cải tiến trong doanh nghiệp như 5S, Kaizen, Lean, chứng minh sự tuân thủ về trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh (CSR).
“Nhưng một số trường hợp doanh nghiệp đáp ứng khá tốt các yêu cầu chất lượng của khách hàng, tuy nhiên, chỉ vì một số thiếu sót nhỏ mà gây mất uy tín, ảnh hưởng đến cả đơn hàng hoặc mất hẳn khách hàng lớn, tiềm năng. Ví dụ có những doanh nghiệp không kiểm soát được an ninh nội bộ theo chương trình an ninh chuỗi cung ứng của khách hàng, nhất là an ninh khu vực đóng gói và kho thành phẩm”, ông Lucas Trần cảnh báo.
Điều này, theo ông ông Lucas Trần có thể dẫn tới việc có những dị vật trong các thùng hàng hoặc container xuất khẩu sang các nước khiến các đối tác nhập khẩu lo lắng và yêu cầu doanh nghiệp phải điều tra, giải trình, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thậm chí từ chối tiếp nhận đơn hàng cho đến khi có kết quả phản hồi thỏa đáng từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu.