Hiệp hội vận tải ô tô VN: Gần 30 năm không đổi, một số quy định đào tạo lái xe bất khả thi

HẠNH LÊ 02/04/2023 02:30

Nhiều bất cập trong phần đào tạo lý thuyết và thực hành lái xe ô tô là nguyên nhân dẫn đến các cơ sở đào tạo buộc phải vi phạm trong quá trình thực hiện.

>>>Đổi tên Trung tâm đào tạo lái xe: Tốn kém… không cần thiết

Khẩn thiết kiến nghị là cụm từ được Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề cập đến trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề cập đến những quy định không phù hợp trong lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô. Trong đó có một số quy định bất khả thi, chỉ phù hợp với thực tiễn cách đây gần… 30 năm nhưng vẫn được giữ nguyên cho đến hiện nay khiến các cơ sở đào tạo đối mặt với nhiều khó khăn trong thực thi.

4/5 môn học lý thuyết chưa phù hợp

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, đào tạo và sát hạch lái xe là lĩnh vực đáp ứng nhu cầu thiết yếu, thường xuyên và liên tục của xã hội. Những năm gần đây, Bộ Giao thông Vận tải liên tục điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy định mới thông qua rất nhiều thông tư hướng dẫn. Thế nhưng, qua thực tế áp dụng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và học viên, lãng phí nguồn lực, thời gian của xã hội.  

Nhiều môn học lý thuyết bị trùng lặp nội dung, chưa phù hợp với hình thức tổ chức lớp học chưa linh hoạt (ảnh minh hoạ)

Nhiều môn học lý thuyết bị trùng lặp nội dung, chưa phù hợp với hình thức tổ chức lớp học chưa linh hoạt 

Thậm chí có những quy định đào tạo lý thuyết và thực hành bất khả thi mà các cơ sở đào tạo không thể thực hiện được. 

Ở phần lý thuyết, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong 5 môn học thì có tới 4 môn có một số quy định không phù hợp. Cụ thể, môn Cấu tạo và Sửa chữa thông thường có thời gian học là 18 giờ được xem là “cưỡi ngựa xem hoa”, người học hiểu được đã khó thì không thể nói đến sửa chữa, kể cả sửa chữa vặt. Mặt khác, xã hội ngày càng chuyên môn hóa, nhiều đơn vị làm dịch vụ cứu hộ thực hiện sửa chữa. Hiệp hội kiến nghị nên gói gọn trong “Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng”.

Thứ hai, môn nghiệp vụ vận tải có nhiều nội dung trùng với môn Luật Giao thông đường bộ, trang bị cho những người sống bằng nghề vận tải chuyên nghiệp nên để cho các đơn vị quản lý, sử dụng lao động trực tiếp đào tạo, có sự giám sát của cơ quan chuyên môn sẽ phù hợp và cập nhật thực tế của hoạt động vận tải.

Thứ ba, môn Đạo đức văn hóa giao thông có quá nhiều nội dung trùng lặp với môn Pháp luật giao thông.

Cuối cùng, môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng, người học lái xe để bảo đảm an toàn cần “Xử lý non”nhưng trên clip người viết phần mềm là không đạt. Mỗi người có cách xử lý tình huống phù hợp với hoàn cảnh, không thể áp đặt tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế. Đây là điều bất hợp lý.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng nhận thấy, việc dạy lý thuyết hiện áp theo kiểu truyền thống: học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh; việc dạy học, truyền đạt kiến thức đều phải diễn ra trên lớp học với 8 giờ/ ngày và kéo dài trong 21 ngày. Quy định này không còn phù hợp với đại đa số người đi học là công chức, viên chức, người lao động làm việc văn phòng, nhà máy; đi ngược yêu cầu thực tiễn, xu hướng và thành quả của cuộc cách mạng công nghệ.

Thực hành nhiều nhưng chưa khoa học

Dẫn Thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông Vận tải quy định thời gian thực hành trên xe tập lái của học sinh là 84 giờ đối với hạng B1 và B2, trong đó có 41 giờ thực hành trong sân tập lái (tương ứng với 290 km) và 40 giờ thực hành trên đường giao thông (tương ứng với 810 km), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đây là quy định rất bất hợp lý, không phù hợp với thực tế và có thể dẫn đến một số hệ lụy.

Đó là nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ. Khi lái xe trong sân tập lái, hiện nay học sinh trung bình chỉ có thể đi được 3,5 km/giờ trong khi quy định bắt buộc phải chạy được trung bình 7km/giờ; còn lái xe trên đường giao thông, học sinh trung bình đi được 35 km/giờ nhưng quy định chỉ cho phép đi trung bình 20,2 km/giờ.

Một số quy định đào tạo lái xe không còn phù hợp thực tế đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Một số quy định đào tạo lái xe không còn phù hợp thực tế đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Hiệp hội Vận tải ô tô nhận định, với số lượng xe tập lái hiện tại đang chạy trên đường giao thông như hiện nay, nếu đi đúng tốc độ quy định trung bình 20,2 km/giờ (tương đương tốc độ của  xe ngựa kéo) thì chỉ riêng áp lực đối với người lái xe vì phải đi quá chậm đã là rào cản rất nguy hiểm cho an toàn giao thông đường bộ.

Hệ luỵ tiếp theo là gây bất bình đẳng với các loại hình đầu tư tương đương và áp lực cho các doanh nghiệp trong tuyển dụng giáo viên và đầu tư chi phí. Cụ thể, xe taxi và người lái xe taxi không cần điều kiện như xe tập lái và thầy dạy lái xe, lái xe taxi cũng không nguy hiểm như dạy lái xe nhưng một giờ chạy taxi trên đường giao thông có giá trung bình 350.000 -  400.000 đồng. Theo tính toán như vậy, với 81 giờ dạy thực hành lái xe nếu thu đúng và thu đủ chi phí thực tế cho xe, sân tập và thầy dạy lái sẽ thu hơn 20 triệu cho phần thực hành.

Nhưng, thực tế, tất cả cơ sở đào tạo trên toàn quốc đang giữ mức thu trung bình khoảng 10triệu/khóa học/học sinh. “Để dạy một người biết lái xe chỉ cần trên dưới 30 giờ thực hành là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với kỳ thi sát hạch được coi là loại hình thi khoa học và minh bạch nhất hiện nay ở Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo. Việc thu học phí đúng, đủ mức độ đầu tư đồng nghĩa với việc không tuyển sinh được. Nếu vẫn bảo đảm mục tiêu đào tạo và đáp ứng nhu cầu người học để tuyển sinh được thì đồng nghĩa với việc phải vi phạm quy định của Bộ Giao thông Vận tải” - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.

>>>Quy định mới về điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe ô tô

Vẫn còn quy định từ những năm 90

Thông tư số 38/2019 của Bộ Giao thông vận tải bắt buộc phải lắp đặt và thực hành trên ca bin tập lái, theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thực chất chỉ phù hợp với giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước khi kinh tế chưa phát triển, việc đầu tư xe tập lái có nhiều khó khăn. Hiện nay, việc học lái xe trên cabin tập lái cũng được bãi bỏ và nhiều nước trên thế giới cũng không áp dụng cách thức đào tạo này. Để trang bị cabin học lái xe, các cơ sở đào tạo  phải đầu tư kinh phí khá lớn, ngoài việc đã đầu tư kinh phí trang bị xe số nóng, số nguội, khống chế thâm niên xe tập lái... càng tạo áp lực cho các doanh nghiệp.

Từ thực tế trên, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ sở đào tạo lái xe buộc phải vi phạm một số quy định hiện hành, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh, sửa đổi những bất cập trên quy định về chương trình đào tạo lái xe đảm bảo hợp lý, hợp pháp và khả thi. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đổi tên Trung tâm đào tạo lái xe: Tốn kém… không cần thiết

    Đổi tên Trung tâm đào tạo lái xe: Tốn kém… không cần thiết

    15:00, 11/08/2022

  • Tai nạn giao thông nghiêm trọng: Nhiều “điểm đen” ngay chính tại cơ quan đào tạo lái xe

    Tai nạn giao thông nghiêm trọng: Nhiều “điểm đen” ngay chính tại cơ quan đào tạo lái xe

    19:38, 22/07/2019

  • Quy định mới về điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe ô tô

    Quy định mới về điều kiện kinh doanh đào tạo lái xe ô tô

    19:05, 09/10/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hiệp hội vận tải ô tô VN: Gần 30 năm không đổi, một số quy định đào tạo lái xe bất khả thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO