Tốn 3.000 tỷ đồng, đổi giấy phép lái xe từ bìa cứng sang thẻ nhựa để làm gì?

MINH TUẤN 30/09/2023 04:27

Theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tất cả giấy phép lái xe máy vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 đều phải tiến hành thủ tục đổi sang thẻ nhựa.

>>Đào tạo lái xe khốn khổ vì những quy định “trên trời”

Vì sao phải đổi?

Bộ Giao thông vận tải vừa qua đã đưa ra đề xuất về quy trình chuyển đổi các giấy phép lái xe vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 sang thẻ nhựa. Nguyên nhân của việc chuyển đổi này là do loại giấy phép cũ thiếu các thông tin về dữ liệu cá nhân và chưa được đồng bộ hóa trên VNeID (cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư cũng như xác thực điện tử).

Bộ Công an cho biết, giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định. Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong quá trình nghiên cứu về quy định giấy phép lái xe, Cục Cảnh sát giao thông đã tiếp thu theo quy định Công ước Vienna, phù hợp với hoạt động quốc tế. Trong khi đó giấy phép lái xe hiện ở Việt Nam đang sử dụng chưa phù hợp với Công ước Vienna. Những giấy phép lái xe được cấp từ 1/7/2012 dùng giấy bìa, ép plastic và chưa sử dụng PET, do vậy không cập nhật lên được hệ thống do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) quản lý, không cập nhật được lên dữ liệu quốc gia, tích hợp vào định danh điện tử, VNeID...

ccc

Người dân làm thủ tục đổi giấy phép lái xe. (Ảnh minh họa).

Theo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) hiện có khoảng 22 triệu giấy phép lái xe máy chưa thể tích hợp trên VNeID do không đồng bộ dữ liệu cư dân. Vì vậy, phải đổi để đồng bộ hóa và tăng cường hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước, đồng thời giúp thuận lợi hơn cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 bằng bìa giấy đổi sang bằng nhựa (thẻ PET) theo lộ trình do Chính phủ quy định là phù hợp. Tuy nhiên 22 triệu giấy phép lái xe là số lượng lớn. Do đó, nếu Quốc hội thông qua chủ trương thì Chính phủ cần xây dựng lộ trình thực hiện trong thời gian đủ dài để phù hợp với năng lực xử lý của cơ quan nhà nước.  Cùng với đó, đối tượng thuộc diện điều chỉnh trong đề xuất đổi này rất nhiều nên cần có thời gian đủ để thực hiện.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, đã theo dõi rất kỹ các thông tin liên quan đến đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về việc đổi sang giấy phép mới với giấy phép lái xe không thời hạn cấp trước 1/7/2012. Đây là đề xuất hợp lý, với mục đích bổ sung các thông tin của người được cấp bằng vào hệ thống dữ liệu, từ đó tích hợp vào các hệ thống, giúp quản lý được tốt, thuận lợi hơn. Người dân cũng sẽ được lợi hơn từ việc này.

Tuy nhiên, hiện nay phí cấp đổi từ thẻ giấy sang thẻ nhựa là 135.000 đồng/thẻ với hơn 22 triệu đồng thì số tiền rất lớn, khoảng 3.000 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ cũng nên nghiên cứu có thể giảm 50% hoặc miễn phí toàn bộ cho người dân. Việc này nhằm khuyến khích người dân đến đổi nhiều hơn, hiệu quả mang lại tốt hơn, ông Thanh nói.

Có cần thiết?

Tuy nhiên, về phía người dân thì nhiều ý kiến lại không đồng tình. Cho rằng đề xuất này là không cần thiết và khá tốn kém. Sự ra đời của căn cước công dân gắn chip, cùng các thông tin đã được lưu trữ, đủ để xác minh danh tính của người tham gia giao thông. Hầu như mọi thông tin cá nhân, kể cả giấy phép lái xe hay giấy chứng nhận quyền sở hữu xe, của mỗi cá nhân đều có thể được kiểm tra dễ dàng thông qua mã QR ở mặt trước thẻ căn cước. Bất kỳ chiếc điện thoại thông minh nào hiện nay cũng đều có thể dùng để quét và truy cập thông tin có trong đó một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, các thông tin trong thẻ căn cước đều có độ bảo mật ở mức rất cao và chỉ có cơ quan chức năng mới có thể truy xuất dữ liệu cá nhân. Một khi đã bổ sung hoàn thành những thông tin này thì nếu lỡ có quên giấy phép lái xe cũng không vấn đề gì khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Chính vì thế, việc cấp mới giấy phép lái xe môtô cũng sẽ gây nên tình trạng lãng phí lớn. Đó là chưa kể đến thời gian phải bỏ ra để đến cơ quan có thẩm quyền với các thủ tục phát sinh.

ccc

Giấy phép lái xe thẻ PET . (Ảnh minh họa)

Lúc đầu người dân được giải thích là căn cước công dân có gắn chip sẽ được tích hợp đăng ký xe, giấy phép lái xe, hộ khẩu... rất tiện dụng, chỉ cần một cái căn cước công dân là đủ. Sau khi hoàn thành thì yêu cầu phải có số định danh, giấy xác nhận định danh tạm trú, giờ lại đến giấy phép lái xe bằng thẻ PET… Xã hội tốn kém quá lớn trong khi mục đích cấp thẻ PET chỉ là để tích hợp vào VNeID. Câu hỏi đặt ra là sao chúng ta không tích hợp trực tiếp vào VNeID mà lại làm như vậy?

Đề xuất chuyển đổi giấy phép lái xe này sẽ gây tốn thời gian và lãng phí cho người dân. Thời điểm làm căn cước công dân gắn chip, nhiều người dân đã phải xin nghỉ làm, để đến cơ quan công an hoàn tất thủ tục theo đúng quy định. Việc thay đổi từ giấy phép lái xe sang thẻ PET chưa thực sự phù hợp và tiện lợi trong bối cảnh chuyển đổi số, lại khiến người dân mất thêm thời gian và chi phí để hoàn thành theo quy định.

Trước đó, vào ngày 20/10/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, tại điều 57 có quy định đổi giấy phép lái xe ô tô và giấy phép hạng A4 bằng vật liệu giấy sang vật liệu PET, phải được thực hiện xong trước ngày 31/12/2016; giấy phép lái xe mô tô không thời hạn, giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3 phải xong trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng của thời hạn chuyển đổi này, nếu người có giấy phép lái xe giấy chưa đổi sang vật liệu PET thì phải thi lại lý thuyết để được cấp giấy phép lái xe mới.

Cuối năm 2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - đã “tuýt còi” quy định trong Thông tư 58 về lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET, cơ quan này cho rằng việc Bộ Giao thông Vận tải quy định buộc người dân chuyển đổi giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng từ vật liệu giấy sang vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý.

Ngày 15/4/2017 Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 12/2017/BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, thay thế Thông tư 58. Tại Điều 37 quy định về việc đổi giấy phép lái xe bằng giấy sang giấy phép lái xe bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31/12/2020. Tức là đã huỷ bỏ tất cả các quy định bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe giấy bìa sang nhựa PET trong Thông tư 58.

Có thể bạn quan tâm

  • Khắc phục tiêu cực trong sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cách nào?

    Khắc phục tiêu cực trong sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cách nào?

    11:00, 08/06/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kiểm tra việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe đường bộ

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kiểm tra việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe đường bộ

    20:26, 10/04/2023

  • Đề xuất phân loại giấy phép lái xe mới - Khó khả thi

    Đề xuất phân loại giấy phép lái xe mới - Khó khả thi

    03:50, 22/03/2022

  • Giao công tác quản lý, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an: Lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất.

    Giao công tác quản lý, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an: Lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất.

    21:33, 16/02/2022

  • Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Nỗi lo chồng chéo, lãng phí

    Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Nỗi lo chồng chéo, lãng phí

    04:00, 16/02/2022

  • Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Quan ngại sự… xáo trộn

    Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Quan ngại sự… xáo trộn

    04:00, 13/02/2022

  • Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Cần một giải trình thuyết phục

    Chuyển sát hạch giấy phép lái xe sang Bộ Công an: Cần một giải trình thuyết phục

    04:00, 14/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tốn 3.000 tỷ đồng, đổi giấy phép lái xe từ bìa cứng sang thẻ nhựa để làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO