Doanh nghiệp

Thực hiện an toàn giao thông đường bộ: Doanh nghiệp cần thời gian sắp xếp

Thy Hằng 25/01/2025 07:38

Theo VLA, cần khoảng 6 tháng để doanh nghiệp sắp xếp kế hoạch kinh doanh và đào tạo, tuyển dụng lái xe để tuân thủ quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định lái xe không vượt quá 48 giờ mỗi tuần, 10 giờ mỗi ngày và 4 giờ liên tục. Cùng với đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đang nhận được sự quan tâm lớn.

proshipvn14441075742213-1567826444059864500938-crop-156782690555128909050.jpg
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định lái xe không vượt quá 48 giờ mỗi tuần, 10 giờ mỗi ngày và 4 giờ liên tục.

"Hiệu ứng domino"

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 và Nghị định số 168 được triển khai từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đã góp phần nâng cao ý thức trong tham gia giao thông, với mục đích đảm bảo sức khỏe, tính mạng con người, mang lại lợi ích lâu dài, tạo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, việc triển khai này đã có một số tác động không mong muốn đến việc tham gia giao thông nói chung và ngành vận tải hàng hóa bằng đường bộ nói riêng.

Cụ thể, thời gian vừa qua Hiệp hội VLA đã nhận được một số ý kiến của hội viên, nhiều đơn vị vận tải trong nước về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Điều 64 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đó là "người lái xe kinh doanh vận tải không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong một tuần, lái xe liên tục không quá 4 giờ".

“Hiệp hội VLA nhận thấy thực tế do hạ tầng giao thông tại các thành phố lớn chưa đồng bộ, tình trạng kẹt xe kéo dài, với thời gian quy định như trên, người lái xe không đủ thời gian lấy và trả hàng để hoàn thành một chuyến hàng, như vậy, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tuyển thêm lái xe để hoàn thành một chuyến hàng, điều này làm tăng chi phí vận tải cho doanh nghiệp, tăng giá thành của hàng hóa, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu”, Lãnh đạo VLA chia sẻ với DĐDN.

Mặt khác, theo VLA, do tình hình hiện nay lực lượng lái xe có bằng FC chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải trong nước, càng làm tăng áp lực lên đơn vị vận tải trong khi các đơn vị vận tải chưa chuẩn bị đủ lực lượng, phương án sản xuất kinh doanh để thực hiện tốt các quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp chuỗi cung ứng và kế hoạch xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước.

van-chuyen-hang-trung-quoc-duong-bo-3.jpg
Kiến nghị cho phép doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa được áp dụng số giờ làm thêm đến 300 giờ/năm.

Cho phép làm thêm 300 giờ/năm

Trước tình hình trên và qua tham khảo số giờ lái xe của một số nước trên thế giới, để đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, VLA đề nghị các cơ quan có thấm quyền xem xét tạm hoãn việc thực hiện Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trong thời gian 06 tháng để các doanh nghiệp tổ chức và sắp xếp lại kế hoạch sản xuất và kinh doanh, đào tạo và tuyển dụng lái xe đáp ứng nhu cầu vận chuyển đề tuân thủ quy định của pháp luật.

Đồng thời, cần tố chức sớm các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải đường bộ và doanh nghiệp xuất nhập khấu đề lắng nghe ý kiến phản hồi.

Có chính sách áp dụng riêng về cách tính thời gian lái xe đối với những xe phải di chuyển qua tuyến đường có lưu lượng xe lưu thông lớn và thường xuyên kẹt xe.

Cho phép doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa được áp dụng số giờ làm thêm đến 300 giờ/năm, theo Lãnh đạo VLA quy định này tương đồng với quy định làm thêm giờ ở một số lĩnh vực sản xuất, gia công xuất khẩu.

Đồng thời, VLA kiến nghị có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong việc đào tạo và sát hạch lái xe bằng FC để đảm bảo cung cấp kịp thời lực lượng lái xe cho các đơn vị vận tải.

“Đặc thù của ngành vận tải đường bộ là sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí để sắp xếp lực lượng lao động chiếm tỷ lệ tương đối cao, vì vậy cần có các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm duy trì sự đa dạng của doanh nghiệp trong ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ xuống 5% trong thời gian 6 - 12 tháng”, Lãnh đạo VLA nhấn mạnh.

Theo VLA, việc sớm xem xét các kiến nghị nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên cả nước, đảm bảo hàng hóa được lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tổn thất cho doanh nghiệp, ổn định việc sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thực hiện an toàn giao thông đường bộ: Doanh nghiệp cần thời gian sắp xếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO